Nhiều người dù không muốn mời nhưng chẳng ai dám hé răng vì sợ bỏ thuốc chết cả nhà. Thiếu tiền là “ngửa tay” nhiều người đưa rồi cũng chẳng dám nhắc…, vì vậy Bích trở thành nỗi ám ảnh của cả làng.
Rơ Manh Bích (SN 1987) hay còn gọi là Ama Bang, ở làng Dơk Ngo, xã Ia Dơk (Đức Cơ). Năm 2007 về ở rể nhà Rơ Mah Pich, so với nhiều người đồng bào, cái mác cậu cử (tốt nghiệp PTTH) của Bích được xem là người có chữ của làng.
Sau khi sinh được với Pich một mặt con, một đứa đang còn trong bụng mẹ, nhưng cuộc sống cũng chẳng dư dả gì vì cái tội lười biếng của Bích. Đã thế, cái bệnh lười lao động thường gắn liền với tệ rượu chè, cuộc sống của Bích là những tháng ngày chỉ chực chờ người trong làng có độ nhậu để đi nhậu ké.
Nhiều lần có người không đồng tình với kiểu uống “rượu chùa” của Bích nên có ý kiến. Bích lập tức bỏ về. Như có sự trùng hợp đến lạ kỳ, chỉ vài hôm sau những người đó có người mắc chuyện đau ốm. Qua vài lần trùng hợp, người làng đồn thổi và cho rằng Bích có thuốc thư, ai đụng đến Bích là hắn thư cho đến chết.
Chuyện đến tai Bích, không chỉ không giải thích để cho người làng hiểu, hắn còn tinh tướng thổi phồng khả năng thuốc thư của mình…và dần trở thành nỗi ám ảnh khiếp sợ của cả làng.
Ở làng A, Bích trở thành ông trời con, bởi chẳng ai dám động, chẳng ai dám hé răng nói tiếng nặng với Bích. Đã thế nhiều người còn phải đưa tiền cho Bích như ông Rơ Mah Êt đưa cho Bích 300.000 đồng, bà Rơ Mah Byech đưa cho hắn 150.000…
Hôm nhà Bui Ol, người làng A mở độ nhậu trong nhà. Dù chẳng mời nhưng Bích cũng hiện diện nhậu ké, không biết vô tình hay cố ý mà Bích làm đổ rượu. Sẵn có hơi men, Ol chẳng nể nang thẳng thừng mắng Bích: “Rượu không có mà uống sao mày cứ làm đổ? Bực mình, Bích bỏ về. Mấy hôm sau, đi làm về, trưa đứng bóng, Ol bỗng chảy máu cam, thế là phải chạy qua xin thuốc của Bích để được giải.
Điều này khiến danh tiếng của Bích nổi như cồn. Bài thuốc của Bích nào có cao siêu gì. Một bát nước lã, Bích nhúng tóc của mình vào rồi để chảy xuống chén, gọi là “nước thánh” Sau đó lấy “nước thánh” bôi hai khuỷu tay, ức, trán, thái dương…nạn nhân thế là khỏi bệnh không còn đau nữa.
Có lần do bực cán bộ Thôn đội trưởng của làng A tên là Siu Nhíp, Bích chửi: Mày tưởng mày làm cán bộ là ngon hả. Tao thư mày chết luôn! Mà quả thế thật, chỉ mấy hôm sau, Nhíp thượng thổ ra huyết, hạ tả cũng ra huyết nốt khiến người làng vốn đã sợ thuốc thư lại càng sợ hơn.
Nhiều người đinh ninh vì Nhíp trách Bích nên hắn thư cho bõ ghét. Nhíp phải đi cấp cứu ở bệnh viện với chứng bệnh xuất huyết dạ dày. Nằm viện nửa tháng thì khỏe và được các bác sĩ cho xuất viện.
Từ đó nỗi ám ảnh của làng A không giảm bớt mà ngày một gia tăng.
Những cuộc nhậu của làng giờ đã vui vẻ hơn vì không còn sợ Bích nữa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Thành Văn, Phó trưởng Công an xã cho biết: “Sau khi tìm hiểu sự việc chúng tôi đã báo cáo Đảng ủy, UBND xã Gào cũng như công an TP. Pleiku, tham mưu cho cơ quan các cấp và xác minh tính chất nguy hiểm của tin đồn ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào.
Theo chỉ thị của cấp trên là phải bắt ngay tên Bích và ông Văn là người trực tiếp thi hành lệnh bắt giữ Bích trước khi bàn giao về công an TP. Pleiku để tiến hành điều tra, làm rõ. Tại đây, Bích đã cúi đầu khai nhận những hành vi phạm tội của mình”.
Những câu chuyện về Thuốc thư, Ma lai đã tồn tại từ lâu như một hủ tục chưa thể xóa bỏ của các buôn làng Tây Nguyên, cũng vì điều này dân làng A đã tự đồn thổi và tin như một lời sấm truyền. Và chính Bích đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào để hù dọa nhằm thỏa mãn nỗi thèm rượu, cũng như lấy tiền của những người nhẹ dạ, cả tin trong làng.
Vừa qua, đứng trước dân làng, Bích đã cúi đầu nhận lỗi và hứa sẽ từ bỏ những cái xấu để trở thành con người tốt. Dân làng A đã tha thứ cho Bích để y sửa đổi mình.
Theo tập tục của đồng bào ở Tây Nguyên, kết cục của những B’hâu ma lai, thuốc thư thường là bị dân làng giết chết, nhà cửa bị đốt hoặc bị đuổi ra khỏi làng. Cái kết cục may mắn của Bích là không phải ai cũng gặp được.
Từ bài học của Bích, hi vọng hủ tục về ma lai, thuốc thư sẽ không còn tồn tại nữa, để các bản làng Tây Nguyên lại trở về với sự bình yên.