Nội dung sách giáo khoa: Lạc hậu và lặp lại

Có những kiến thức từ 10 năm nay không được cập nhật, có những nội dung đã được dạy ở lớp dưới, lên lớp trên lại… đang là thực trạng của không ít cuốn sách giáo khoa.

Việc các địa phương tiến hành dạy thí điểm tiếng Anh cho học sinh tiểu học đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Học sinh từ lớp 3 đã được làm quen với những mẫu câu đơn giản của tiếng Anh và hết lớp 5, trình độ tiếng Anh của học sinh tiểu học đã đạt mức độ A1.3, tương đương trình độ Movers của Cambridge ESOL. 

Thế nhưng khi lên lớp 6, các em lại quay về học những nội dung đầu tiên như của lớp 3, từ những câu chào hỏi “Hello”, “Good morning”, bạn bao nhiêu tuổi… Huy Tùng (học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm) cho biết: “Tụi em đã học đến cách chia động từ ở thì quá khứ, hiện tại tiếp diễn từ hồi lớp 5 rồi, lên lớp 6 tự nhiên lại học lại động từ “to be”, rồi học đếm từ 1 đến 20 nên thấy rất chán, không hiểu sao phải học lại kiến thức từ lớp 1, lớp 2 để làm gì”.

Không chỉ riêng môn tiếng Anh, nội dung của môn Tin học cấp tiểu học và THCS cũng có những trùng lặp kiến thức. Cuốn “Cùng học Tin học” quyển 2 dành cho học sinh tiểu học của Bộ GDĐT nằm trong bộ SGK lớp 4 có những nội dung như Khám phá máy tính, Tập gõ 10 ngón… 

Đến cuốn “Tin học dành cho THCS” trong bộ SGK lớp 6 lại xuất hiện những nội dung Làm quen với tin học và máy tính, Học gõ mười ngón… với câu chữ và hình ảnh giống hệt như lớp 4, thậm chí chương trình Tin học lớp 6 còn nghèo nàn hơn cả lớp 4, chỉ dừng lại ở các thao tác xử lý văn bản, trong khi ở lớp 4, các em đã được học đến các phần mềm vẽ tự do, tạo hình, học toán, học nhạc, tạo logo…

Theo nhiều giáo viên dạy môn địa lý, tư liệu sử dụng trong SGK hầu như không được cập nhật. Mặc dù SGK năm nào cũng được tái bản nhưng học sinh vẫn phải tiếp cận với những số liệu có từ gần 10 năm trước. Có thể kể ra một vài ví dụ như SGK Địa lý lớp 9 tái bản tháng 3.2014 vẫn ghi dân số nước ta 79,7 triệu người trong khi từ cuối năm 2013, dân số nước ta đã đạt ngưỡng 90 triệu người. Các số liệu của nền kinh tế nước ta trong chương trình Địa lý lớp 9 như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp... đều từ năm 2002…

Học sinh lớp 8 phải học vẽ kỹ thuật theo phép chiếu song song, xuyên tâm trong khi phương pháp này đã không còn được áp dụng ở thực tế. Học sinh lớp 9 phải lắp bảng điện từ bảng gỗ, dùng khoan để dùi lỗ trong khi thực tế trên thị trường chỉ có bảng điện nhựa đã đục lỗ sẵn … 

Hầu hết khi được hỏi, các giáo viên đều bức xúc khi phải dạy những kiến thức lạc hậu cho học sinh. Hiệu trưởng một trường THPT của TPHCM cho biết, giáo viên bắt buộc phải bám sát theo chương trình của Bộ GDĐT quy định. Trước thực tế hiện nay, đã đến lúc Bộ phải cập nhật và có những điều chỉnh kịp thời về nội dung SGK của các bậc học.

Nội dung trùng nhau của SGK môn Tin học lớp 4 và lớp 6. Ảnh: Đức Hạnh

Học sinh lớp 6 phải học lại tiếng Anh từ đầu với "Hello", "Good morning". Ảnh: Đức Hạnh

Clip Nội dung SGK bị lặp lại, lạc hậu: