Nỗi đau sau phiên tòa cháu giết bà ngoại

Đứa cháu ấy phải nhận mức án cao nhất mà HĐXX tuyên phạt vì hành vi mất nhân tính khi cầm dao chém chết bà ngoại, người đã nuôi dưỡng hung thủ khi còn đỏ hỏn.

Nỗi đau ấy không chỉ của một gia đình, mà có lẽ còn của nhiều gia đình khác khi những giá trị cơ bản của cuộc sống đang dần bị mất dần đi.

Giết bà để lấy 100 ngàn đồng

Ngày 2/7/2013, TAND tỉnh Bình Định mở phiên Tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trần Tuấn Tú (23 tuổi, cư ngụ ở thôn 10, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) mức án tử hình về tội “giết người” và 3 năm tù về tội “cướp tài sản”, tổng mức hình phạt là tử hình.

Ngay từ khi mới sinh ra, Tú đã sống cùng với bà ngoại là bà Nguyễn Thị Tể (83 tuổi) vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Cha mẹ Tú chỉ có vài sào ruộng, lại thường xuyên bệnh tật nên bà Tể đưa cháu ngoại về nuôi. Bà Tể thương yêu Tú hết mực, nhưng Tú lại không hiểu được điều đó. Năm 2005, mặc dù ba mẹ Tú làm nhà ra ở riêng nhưng do bà ngoại quá yêu thương, chăm sóc nên Tú vẫn tiếp tục ở với bà. Tháng 2/2009, Tú thực hiện nghĩa vụ quân sự, đến tháng 7/2012 thì xuất ngũ, Tú lại trở về sống chung với bà ngoại để tiện chăm sóc bà vì tuổi tác bà nay đã cao. Biết bà thương yêu mình lại thêm tật ham chơi hơn ham công việc, suốt ngày Tú chỉ biết ngửa tay xin tiền bà lẫn tiền cha mẹ để chơi bời đàn đúm. Nhiều lần không xin được, Tú tức lắm. Tú để ý, biết bà Tể thường cất tiền trong tủ. Với bản tính ham chơi lại biết được cưng chiều nên Tú không sợ, vẫn “tiện tay” lấy trộm tiền của bà. Biết đứa cháu mình như thế, bà Tể và cha mẹ Tú nhỏ nhẹ khuyên răn con cháu, thế nhưng càng nhẹ nhàng bao nhiêu thì Tú càng giở chứng bấy nhiêu, bỏ hết ngoài tai những lời khuyên nhủ của người thân.

Đến khoảng 14 giờ chiều 27/1/2013, sau khi ăn giỗ nhà bạn, Tú về nhà trong trạng thái ngà ngà rồi mở tủ sắt của bà ngoại ăn cắp tiền, vàng để rủ mấy chiến hữu đi nhậu tiếp, nhưng tìm hoài không thấy. Đến khoảng 16 giờ 30 cùng ngày bà Tể bảo Tú thay bóng đèn bị hư. Tú sửa nhưng đèn không sáng nên đã tháo bóng điện vứt ra ngoài sân. Bực mình trước thái độ của cháu ngoại, bà Tể buông lời mắng chửi. Nghe những lời chói tai, Tú liền cúi xuống gầm giường lấy ra một cái rựa dài khoảng 0,7m chém tới tấp vào người bà Tể. Theo phản xạ, bà Tể giơ tay đỡ được và xin Tú dừng tay. Tuy nhiên, lúc này gã cháu ngoại 23 tuổi với hơi men trong người, lại thêm đang hăng máu đã không thể làm chủ được chính mình nên những lời van xin của bà không thức tỉnh được lương tâm của hắn. Tú đã chém cho đến khi bà ngoại không còn một chút kháng cự, chết tại chỗ. Sau khi giết chết bà ngoại, Tú còn lục túi của bà lấy 100.000 đồng, 1 điện thoại di động rồi vào TP Quy Nhơn (Bình Định), leo lên núi Bà Hỏa trốn.

Về phần ba mẹ Tú, buổi tối hôm ấy linh tính có chuyện chẳng lành, hai ông bà đã chạy tới nhà bà Tể để xem tình hình. Tới nơi, cả hai người tá hỏa khi thấy thi thể bà Tể không còn được nguyên vẹn, đầy những vết chém, liền cấp tốc báo ngay cho cơ quan chức năng. Sau gần một ngày điều tra, cơ quan công an nhận định hung thủ chính là đứa cháu ngoại của bà Tể nên triển khai phương án truy bắt. Sau hơn một ngày trên núi, đói khát chịu không nổi, Tú tìm đường xuống nhà dân để xin ăn và bị Công an tỉnh Bình Định bao vây bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, Tú đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình và động cơ khiến hắn gây nên tội ác mất nhân tính chỉ là để lấy tiền đi uống bia rượu. Nghe Tú thuật lại quá trình gây án, nhiều người không khỏi rùng mình.

Nỗi đau trong phiên tòa

Tại phiên tòa, Tú đã khai nhận hành vi giết bà ngoại dã man của mình. Điều mà người ta cảm thấy bất bình nhất là sau khi sự việc xảy ra, Tú hoàn toàn bình thường, không có một chút gì sợ sệt hay hối hận. Thời điểm khi sự việc xảy ra, không ai hiểu được vì sao Tú lại đang tâm chém 8 nhát dao để lấy mạng bà ngoại của mình một cách dã man như thế. Nhiều người dân nơi đây cũng suy diễn này nọ để lý giải cho hành động của gã sát thủ thiếu niên đó.

Trong phiên tòa, bà Lập (mẹ Tú) với vẻ ngoài tiều tụy, ánh mắt chất chứa nhiều nỗi sầu, nỗi đau trong lòng bà có mấy ai thấu. Cùng một lúc, bà phải chịu đựng cả hai nỗi đau: nỗi đau mất đi người mẹ vừa ập đến cũng là lúc đứa con trai của bà phải trả giá cho hành vi của mình. Do quá đau buồn khi con bị bắt, bệnh của bà lại càng nặng thêm. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, khiến bà muốn gục ngã. Khi được hỏi về nỗi đau ấy, bà Lập nghẹn ngào rơm rớm nước mắt: “Tôi thật sự không tin nổi con mình lại gây ra việc động trời như vậy. Ma xui quỷ khiến gì đó chứ nó đời nào có thể làm được cái hành động độc ác và táng tận lương tâm đến như vậy. Giờ đây, mẹ tôi cũng mất rồi, con trai tôi rồi cũng phải ra pháp trường để trả giá, sao nỗi đau cứ dồn dập đến gia đình tôi như thế này!”. Bà Lập mếu máo cho biết thêm: “Tôi cũng không biết vì sao thằng Tú lại có hành động tàn ác với bà ngoại mình như vậy, bình thường bà cháu nó cũng đâu có chuyện gì. Chỉ vì mấy lời mắng chửi của bà mà nó nỡ ra tay với bà ngoại của mình được! Thật tình tôi không tin nổi".

Với tội ác của con, bà Lập cùng gia đình đã phải chịu sự xa lánh của bà con lối xóm một thời gian khá dài. Tội và thương nhất chính là mấy đứa em của Tú cứ bị bạn bè xa lánh dần, chế giễu. Người gây ra tội ác thì cúi cùng cũng đã trả giá, người dân bà con trong xóm dần dà thông cảm cho gia đình bà Lập đã trở nên thân thiện, và thỉnh thoảng hay hỏi han tình hình của Tú. Buông tiếng thở dài như nén nỗi đau vào trong, bà Lập cho biết: “Tôi thấy có lỗi với cha mẹ mình khi không dạy dỗ con cái đến nơi đến chốn. Nếu có tiền cho con ăn học thì nhận thức nó sẽ khác, không đến nông nỗi như ngày hôm nay!”. Từ khi xảy ra sự việc, nỗi đau chồng lên nỗi đau nên sức khỏe của bà Lập sa sút hẳn. Hàng ngày, bà chỉ biết đi loanh quanh trong nhà, mọi công việc đồng áng đều phải trông cậy vào chồng và các con nhỏ. Bà Lập nước mắt ngắn dài: “Sự việc đã qua rồi, người chết cũng không sống lại được, Tú giờ cũng đã ngồi tù, tôi chỉ mong rằng đừng ai như thằng Tú, chỉ vì một chút nông nổi mà phải trả giá, hãy sống có ích cho gia đình và xã hội!”.

Ông Hồ Tuấn Khoát, ở thôn 10, xã Mỹ Thắng chia sẻ: “Người dân trong xóm chúng tôi ai cũng thấy kinh hoàng bởi hành động quá độc ác của Tú với người bà ngoại của mình nhưng mọi chuyện giờ cũng đã qua rồi, hiện tai chúng tôi cố gắng động viên gia đình bà Lập vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống cùng với bà con hàng xóm!”.

Cũng trong ngày 2/7/2013, TAND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “giết người”, “cướp tài sản” gây rúng động vùng quê nghèo huyện Đại Lộc. Bị cáo là một học sinh lớp 9, chỉ vì thiếu tiền chơi bi da và mua quà vặt mà ra tay sát hại cụ ông 87 tuổi. Theo cáo trạng, khoảng 13h ngày 29/10/2012, Nguyễn Thức (SN 1997, thôn Mỹ Liên, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đến nhà cụ ông Mai Văn Lang (SN 1925, cùng thôn, là thương binh, cụt tay trái) để xin thuốc lá cho cha mình hút. Khi bước vào nhà, Thức phát hiện ông Lang đang nằm ngủ trên giường nhưng dưới gối nằm có 1 cái ví. Nảy sinh ý định trộm cái ví lấy tiền chơi bi da và mua quà vặt, Thức dùng tay rút cái ví liền làm ông Lang thức dậy và la lên “trộm, trộm”. Sợ bị lộ, Thức lập tức dùng tay bịt miệng ông Lang. Cụ ông đẩy Thức làm cả Thức và cái ví rơi xuống đất. Thức nhanh chân bước đến tủ để ti vi lấy 1 cái kéo đâm ông Lang khiến nạn nhân tử vong ngay tại chỗ. Gây án xong, kiểm tra ví, Thức chỉ thấy có 1 giấy chứng nhận thương binh và giấy chứng minh nhân dân của nạn nhân. Một ngày sau, Nguyễn Thức đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam bắt khẩn cấp. Tại phiên tòa, Thức đã thành khẩn khai nhận hành vi của mình. Sau giờ nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 10 năm tù giam về tội “giết người” và 1 năm tù giam về tội “cướp tài sản”, tổng hình phạt tù là 11 năm tù giam. Ngoài ra, gia đình bị cáo phải bồi thường hơn 48 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.