Bị gia đình nạn nhân sang “bắt vạ”, gã mục đồng trẻ sát hại thai phụ để chối bỏ trách nhiệm. Để rồi, kẻ ác phải trả giá bằng một bản án nghiêm khắc của pháp luật, còn gia đình bị hại rơi vào tận cùng nỗi đau...
Mục đồng gây án mạng
Khoảng 8h ngày 22/7/2009, như thường lệ, chị Lê Thị Hoài (SN 1969, ngụ xóm Bình Tiến, xã Hương Bình, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) lùa đàn bò của gia đình vào khu vực Đồng Cốc, thuộc địa phận xóm Bình Trung để chăn thả.
Đến giờ ăn cơm trưa mà không thấy con gái về, bà Phan Thị Sâm (80 tuổi, mẹ chị Hoài) liền nhờ người đi tìm nhưng không thấy chị đâu. Khoảng 17h cùng ngày, mọi người trong xóm cùng kéo nhau đi tìm thì phát hiện chị Hoài nằm trong một lùm cây, đã ngừng thở, trên đầu có nhiều vết thương. Ngay sau đó, sự việc được trình báo lên các cơ quan chức năng.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, vùng mặt, đầu nạn nhân bị tác động bởi vật tày, vùng cổ, ngực bị bầm tím, có nhiều vết trầy xước. Nạn nhân bị tử vong là do bị đa chấn thương. Thương tâm hơn, nạn nhân đang mang thai ở tháng thứ 8. Hiện trường vụ án là khu vực Đồng Cốc, nơi dân làng vẫn thường hay chăn thả trâu bò, cách nơi xảy ra vụ án khoảng 100 mét là trang trại tăng gia của gia đình người bị hại.
Gia đình chị Hoài cho biết, chị là người bị hạn chế khả năng nhận thức, không có chồng nhưng có một con gái 3 tuổi. Cách ngày xảy ra vụ án chứng 3 tháng, cụ Sâm phát hiện bụng chị Hoài bỗng dưng to bất thường, sau một hồi gặng hỏi thì chị Hoài cho biết “tác giả” cái thai này là của một cậu nhóc là bạn chăn trâu với chị Hoài tên là Lưu Ngọc Sơn (17 tuổi, ngụ xóm Bình Trung).
Lúc đó, Sơn đang học lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê. Biết chuyện, gia đình nạn nhân đã nhiều lần đến nhà Sơn để “nói chuyện tình cảm” nhưng Sơn và gia đình kiên quyết phủ nhận sự liên quan đến bào thai trên.
Từ lời khai của gia đình người bị hại kết hợp với những dấu vết để lại hiện trường, cơ quan điều tra nhận định nhiều khả năng hung thủ chính là Lưu Ngọc Sơn và hắn sát hại chị Hoài nhằm mục đích chối bỏ trách nhiệm với cái thai trong bụng nạn nhân. Lập tức đối tượng Sơn bị triệu tập lên cơ quan công an. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Sơn đã phải cúi đầu nhận tội.
Theo đó, do chị Hoài ở gần nhà, lại có lán trại nằm gần bãi chăn trâu, nên mỗi lần đi chăn trâu, cắt cỏ hay đi rừng Sơn đều vào xin nước, nghỉ chân. Mặc dù chị Hoài đáng tuổi cô, tuổi bác của mình nhưng biết chị bị hạn chế về khả năng nhận thức, Sơn đã nảy sinh ý định tà dâm rồi gạ gẫm để quan hệ tình dục với nạn nhân nhiều lần tại lán trại của gia đình bị hại từ năm 2008.
Đầu năm 2009, chị Hoài đã mang thai. Khi bị gia đình chị Hoài đến tận nhà “bắt vạ”, tên Sơn rất lo lắng và rất muốn chối bỏ trách nhiệm nhưng chưa nghĩ ra cách.
Sáng 22/7/2009, Sơn vào rừng chặt nứa thì gặp chị Hoài đang chăn trâu gần đó. Nhìn thấy “gã tình nhân” họ “Sở”, chị Hoài liền kéo “người tình” lại để hỏi rõ về trách nhiệm nuôi dưỡng đứa bé trong bụng nhưng “người tình trẻ ranh” vẫn một mực từ trối trách nhiệm dẫn đến hai bên xảy ra to tiếng.
Trong lúc tức giận, chị Hoài vớ lấy bãi phân trâu gần đó ném vào người Sơn và bị Sơn đuổi đánh lại. Hoảng sợ, chị Hoài liền bỏ chạy và chui xuống trốn ở dưới chiếc hào sâu (rãnh thoát nước trên đồi) gần đó. Sơn vẫn tiếp tục đuổi theo rồi nhặt một chiếc gậy gỗ dài chừng 30cm, đứng ở phía trên bờ hào dùng gậy vụt liên tiếp nhiều nhát vào đầu chị Hoài, khiến thai phụ chết thảm.
Quá trình điều tra, kết quả giám định của Viện khoa học kỹ thuật Hình sự Bộ Công an cho thấy thai nhi trong bụng của nạn nhân 99,99% là con của Lưu Ngọc Sơn.
Lưu Ngọc Sơn
Thoát án tử vì dưới 18 tuổi
Với hành vi sát hại thai phụ Lê Thị Hoài như đã nêu trên, sáng 31/12/2009, Lưu Ngọc Sơn đã phải đứng ra trước vành móng ngựa của TAND tỉnh Hà Tĩnh. Do tính đến thời điểm gây án, bị cáo Sơn dưới 18 tuổi, nhận thức pháp luật còn hạn chế, suy nghĩ nông cạn, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên được nhận mức án 16 năm tù về tội “Giết người” (trong khi mức án cao nhất dành cho người chưa thành niên từ 16 đến 18 tuổi là 18 năm tù - PV).
Ngoài ra, Tòa buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại 42 triệu đồng, trợ cấp nuôi con nạn nhân đến khi đủ 18 tuổi.
Trả giá cho sự tò mò và dục vọng của tuổi mới lớn, Lưu Ngọc Sơn đã phải gác lại nghiên bút, hoài bão để bước chân vào chốn lao tù. Với mức án có thời hạn, rồi đây Sơn sẽ được trở về với gia đình và có cơ hội làm lại từ đầu. Thế nhưng hắn đâu biết rằng với những gì hắn gây nên đã khiến cho gia đình bị hại rơi vào cảnh bi thương, con mồ côi mẹ, gia đình mất người thân, kinh tế kiệt quệ, nỗi đau đớn không gì cứu chuộc được.
Nỗi đau không nguôi ngoai
Có mặt đúng vào dịp giỗ đoạn tang của nạn nhân Lê Thị Hoài, cũng là sau 3 năm kể từ ngày xảy ra vụ án thảm khốc trên, khách không khỏi ái ngại trước gia cảnh thương tâm của gia đình nạn nhân. Trong căn nhà hai gian, xiêu vẹo, không có cửa được ghép bằng loại gỗ tạp từ những năm 80 của thế kỉ trước, giờ chỉ còn lại song thân chị Hoài, đó là hai “cây đại thụ” cằn cỗi - cụ Phan Thị Sâm (80 tuổi) và cụ Lê Hữu Quyến (90 tuổi) cùng nhánh “măng non” yếu ớt là bé gái 6 tuổi là con ngoài giá thú côi cút của chị Hoài.
Ôm đứa cháu tội nghiệp vào lòng, bà Sâm rưng rưng dòng lệ kể về cuộc đời cô con gái “bất hạnh từ trong trứng”. Theo đó, mặc dù chị Hoài không được khôn ngoan nhưng khỏe mạnh và tốt tính, chị gánh vác mọi công việc trong nhà từ chăn trâu, nuôi lợn, đến trồng ngô...
Một tay chị nuôi cả gia đình gồm bố mẹ già, bản thân và con nhỏ. Kể từ khi “trụ cột” của gia đình mất đi, gia đình bà vốn trước kia đã nằm trong “tốp nghèo” của xã thì nay bị “tụt hạng” xuống thành thuộc hộ đói, kém vì nhà chỉ có người già và trẻ nhỏ, đã không làm ra đồng nào lại chỉ toàn ốm đau quanh năm suốt tháng.
Nếu như khi chị Hoài còn sống, dù hoàn cảnh của gia đình bà Sâm có bần hàn đến mấy thì cũng nuôi được con lợn để bán và chí ít 1 tháng gia đình cũng được ăn 5-7 bữa thịt lợn; thi thoảng bé Linh cũng được uống một hộp sữa tươi. Nhưng kể từ ngày chị mất, không có ai chăn nuôi, tiền không có nên khẩu phần ăn cũng phải rút xuống, chỉ có rau dưa mắm muối.
“Thỉnh thoảng sợ cháu nó tủi thân, tôi dành dụm lắm cũng chỉ mua được vài lạng thịt lợn xấu cho cháu thôi chứ mình cũng không dám ăn”, những lời giãi bày của bà lão nghe mà xót lòng.
Bà Sâm bảo, nhờ ơn trời nên bé Linh rất thông minh, ngoan ngoãn. Mẹ cháu trước đây không biết chữ, ông bà Sâm thì mắt kém nên cháu Linh toàn phải tự học một mình nhưng luôn đạt học sinh giỏi, được thầy cô bạn bè thương quý. Với ông bà Sâm, đây là một món quà vô giá, cũng chính vì thế mà ông bà không muốn để các con mình nuôi bé Linh, dù biết rằng ở nhờ nhà các chú, bác thì cháu bé sẽ được sung sướng hơn.
Lúc chia tay, đọng lại trong lòng khách là nỗi băn khoăn khắc khoải của cụ bà ở tuổi gần đất xa trời: “Chúng tôi ngày càng già yếu, như chuối chín cây chẳng biết ngày nào sẽ rụng?. Chẳng biết khi đó cuộc sống của đứa cháu bé bỏng này sẽ ra sao?”...
(Tên nạn nhân đã được thay đổi)