Trên những chuyến xe ấy, thi thể những nạn nhân xấu số được tập trung để làm thủ tục pháp y trước khi bàn giao cho gia đình.
Bên ngoài phòng lạnh của nhà đại thể, hàng chục người đứng ngồi không yên. Nét mặt họ thật buồn, thiểu não.
Người ngồi gục mặt, người đứng dàu dàu. Đôi mắt họ luôn nhìn vào bên trong và chỉ đợi gọi tên là có mặt.
Họ là thân nhân của 10 nạn nhân xấu số đã chết trong vụ nổ sập nhà vào rạng sáng 24/2 tại hẻm 384 đường Nam Kỳ khởi nghĩa (P.8, Q.3, TP.HCM).
Dường như không có thi thể nào còn nguyên vẹn. Họ đang ngon giấc thì bị cả khối bê tông đổ sập xuống, chôn vùi.
Trước cửa vào phòng lạnh
Lực lượng cứu hộ đã phải làm việc cật lực không mệt mỏi trong suốt đêm để đào bới trong đống đổ nát, đưa những người không may mắn ra ngoài.
Những khuôn mặt biến dạng, thân thể đầy máu. Người thì cháy sém. Có người cháy đen hết. Thậm chí, có thi thể bị lửa đốt đã tan cả thịt còn trơ lại nhúm xương và các cơ quan nội tạng.
Không khí nhà đại thể như chùng xuống. Màu tang tóc nặng nề phủ kín một khuôn viên chật hẹp.
Có tiếng nấc, có tiếng khóc đâu đó nhè nhẹ vang lên. Ai có thể cầm lòng được trước cảnh tang thương này ?.
Lại xe tải thương ghé vào. Những thi thể được gói chặt trong những mảnh vải lạnh lùng đưa vào bên trong.
Người đứng ngoài khóc ré lên. Rồi xe lại ra đi. Cái điệp khúc xe vào xe ra rồi xe lại về đã diễn ra tai đây suốt buổi sáng cho đến khi cả 10 thi thể nằm yên trong những ngăn lạnh những chuyến xe ấy mới hoàn tất nhiệm vụ.
Ở một góc của nhà đại thể, chị Phạm Thị Mỵ (23 tuổi, ngụ Bến Tre) thảng thốt nói với chúng tôi: “Khoảng 2h sáng, tiếng chuông điện thoại reo vang. Tôi nhấc máy. Cả một bầu trời đổ sụp trước mắt tôi. Tôi cũng chẳng còn nhớ ai là người gọi điện chỉ biết sau nhận được tin chúng tôi tất tả bắt xe về thành phố. Mẹ và chị tôi bị chôn vùi trong đống gạch vụn.
Có mấy ai ngờ rằng cái tết vừa qua là cái tết sum họp cuối cùng của gia đình chúng tôi. Ngoại, mẹ và chị tôi ngụ trong căn nhà đổ sập đó”.
Chúng tôi thẫn thờ nhìn chị. Lời nói nào dù có êm ái đến đâu cũng khó xoa dịu được nỗi đớn đau của chị trong lúc này.
Có bất hạnh nào hơn cùng một lúc trong gia đình nhận hai cái tang của người thân yêu ruột thịt ?
Cùng có mặt trong nhóm người chờ đợi nhận thi thể người thân, một nhà sư cố giữ nét bình thản trên khuôn mặt để nói về một người phật tử của mình là một trong 10 nạn nhân không may, bà Lương Thi Tuyết.
Theo vị sư này, cái đêm định mệnh đó đáng lý ra bà Tuyết đã ngủ lại chùa để sáng hôm sau tháp tùng phái đoàn từ thiện.
Thế nhưng, có lẽ cũng do số mệnh, bà đã về với gia đình thì không may gặp nạn...
Thi thể bà Tuyết không còn nguyên vẹn nên phải đợi người con của bà từ Đà Lạt xuống để lấy mẫu giám định ADN.
Người ngồi gục mặt, còn nỗi đau nào hơn ?
Được biết, bà Tuyết là em cùng mẹ khác cha với ông Lê Minh Phương, chuyên gia về khói lửa trong các bộ phim, người đã chứa những chất gây nổ trong nhà gây ra hậu quả đau lòng.
Cả gia đình ông gồm 6 người trong đó ngoài bà Tuyết là em còn có vợ con và người giúp việc.
Người nhà ông Phương cho biết, theo chương trình, sáng 24/2 đoàn làm phim trong đó có ông Phương sẽ về Vũng Tàu để quay một đoạn phim có cảnh khói lửa.
Sau khi pha chế thuốc nổ, ông dự định sẽ mang đi sớm nhưng chưa kịp thì xảy ra sự cố đau lòng.
Ông Phương là giám đốc của hãng phim Lạc Việt. Ông là đạo diễn và cũng là chuyên gia về khói lửa.
Hãng phim của ông đã từng có những phim chiếu trên truyền hình như Chàng Sửu làm du lịch", "Hương cỏ dại"...
Thảm họa đã giết chết cả gia đình ông. Dưới đống đổ nát, những người trong gia đình ông không ai còn nguyên vẹn.
Cháu Lê Minh Quân (15 tuổi) con ông bị gạch đá đè bẹp khuôn mặt. Những người khác lửa đốt cháy và thảm nhất là bà Tuyết không thể nhận dạng được.
Ông Lê Đình Quí, em trai ông Phương nghẹn ngào, thảng thốt trong sự cùng cực: Định mệnh cả thôi . . .
Khi chúng tôi viết những dòng này, tin tức đưa về cho biết tất cả 10 người, 10 chiếc quan tài đã được quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm và sau đó sẽ đưa đi hỏa táng.