Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc năm 2011 với đánh giá chung: trầm lắng, sụt giảm. Những ngày đầu tiên của năm mới 2012, thị trường này cũng thể hiện nhiều nỗi buồn hơn niềm vui. Nhưng, các nhà lãnh đạo, các chuyên gia vẫn nhìn nhận trong sự khó khăn đó đã có nhiều điểm lạc quan, khởi sắc...
Chính phủ vào cuộc
Khép lại năm 2011, 2 chỉ số chứng khoán chính tại Việt Nam sụt giảm mạnh (VN-Index giảm 27,5%, HNX-Index giảm 48,6%). Nhận rõ khó khăn đó, trong các thông điệp phát đi đầu năm 2012, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán đều khẳng định sẽ nỗ lực để vực dậy thị trường chứng khoán và cải tổ mạnh mẽ lĩnh vực này.
Trả lời các đại biểu Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2012 và thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định 3 trọng tâm là: tái cơ cấu đầu tư; tái cơ cấu hệ thống tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp. Với sự vào cuộc này của Chính phủ, việc tái cơ cấu nền kinh tế có những kết quả tốt sẽ là động lực để phục hồi thị trường chứng khóan.
Trao đổi với báo chí về điều hành chính sách tiền tệ năm 2012, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay NHNN đang nỗ lực lập lại thế cân bằng giữa 2 thị trường: thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Đây là điều kiện nền tảng để dẫn dòng vốn đầu tư dài hạn chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhiều điểm sáng
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng thị trường chứng khóan năm nay đang hé lộ nhiều điểm sáng. Ngoài những tuyên bố chung, đã có động thái cụ thể từ các cơ quan chức năng, như việc NHNN kiên quyết xử lý tình trạng nợ xấu, tái cấu trúc ngân hàng và hạ lãi suất cho vay, lãi suất huy động. Khi những khó khăn này được giải quyết, thị trường nói chung minh bạch hơn, triển vọng phát triển lớn hơn thì thị trường chứng khoán cũng được tháo gỡ những “nút thắt cổ chai” và nhà đầu tư có niềm tin lớn hơn.
Từ đây, các chuyên gia đã chỉ ra những cơ hội trong khó khăn hiện nay của chứng khoán Việt Nam. TS Alan Phan - Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa cho rằng khó khăn hiện nay lại là cơ hội tuyệt vời để kiếm tiền. Với những nhà đầu tư có kinh nghiệm, họ đều biết rằng giá cổ phiếu đang ở mức rất thấp. Các chỉ số như P/B (thị giá/giá sổ sách) của sàn HSX và HNX đã xuống tới mức 1,2 và 0,8. Do vậy, hiện nay họ đang tính toán, lựa chọn những cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt có thể giúp họ sinh lời đột biến khi mà kinh tế hồi phục để mua vào...
Nhà đầu tư được hỗ trợ tốt hơn
Niềm tin đã có, và lúc này thị trường chứng khoán Việt Nam chờ đợi sự vào cuộc của các nhà đầu tư, các công ty chứng khoán. Nỗ lực đổi mới và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động, phục vụ khách hàng tốt hơn đang là mục tiêu của nhiều công ty chứng khoán, với kỳ vọng “kéo” nhiều khách hàng trở lại sàn. Một trong những công ty chứng khóan đang tạo được niềm tin cho nhiều nhà đầu tư là Chứng khoán Phương Nam (PNS). Năm 2011, trong bộn bề khó khăn của thị trường chứng khoán, PNS vẫn hoạt động ổn định và phát triển, thể hiện qua tỷ lệ an toàn tài chính đến cuối tháng 12 ở mức hơn 310,47%.
Ông Lữ Bỉnh Huy - thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PNS khẳng định: Thành công trong năm 2011 nói riêng và trong hơn 2 năm rưỡi hoạt động của PNS có nhiều nguyên nhân, nhưng đặc biệt quan trọng là do sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, nhân viên. PNS đã liên tục tiến hành việc đào tạo các kỹ năng nghiệp vụ, tổ chức các khóa tập huấn cho tập thể CB - CNV để có được một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực môi giới, phân tích và tư vấn.
Cùng với việc đầu tư về nguồn nhân lực, PNS đang không ngừng hoàn thiện, nâng cấp hệ thống giao dịch. Thời gian qua, PNS được khách hàng đánh giá cao về việc ứng dụng phần mềm giao dịch hiện đại của tập đoàn Syscom Đài Loan. Hiện PNS đang chuẩn bị đầu tư chuyển đổi công nghệ sang hệ thống Oracle.
“Ban lãnh đạo PNS khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhà đầu tư mang đến sự thuận lợi tối đa và thành công trong việc tìm kiếm lợi nhuận qua kênh đầu tư chứng khoán, còn PNS sẽ phấn đấu và nỗ lực hết mình trở thành một trong những công ty chứng khóan hàng đầu tại Việt Nam” - ông Lữ Bỉnh Huy phát biểu.