Niềm tin của người hâm mộ đối với đội Olympic

Xem đội U23 Việt Nam thi đấu Asiad 2014, nhiều người chưa thuộc tên và chưa quen mặt cầu thủ.

Thậm chí là có cầu thủ đá ở hạng Nhất hoặc nằm trong biên chế đội bóng mới xuống hạng rồi giải thể khiến phần “chủ quản” của cầu thủ phải ghi là LĐBĐ VN. Thế nhưng khi ra sân, các cầu thủ Olympic lại cho thấy họ là một tập thể gắn bó và thi đấu rất có trách nhiệm khi chăm chút từng đường bóng.

Xem đội Olympic lần này không ai còn thấy tư tưởng đá bỏ hay đá láo như đã từng thấy trước đây. Đặc biệt là yếu tố tinh thần toàn đội được thể hiện rất cao. Điều mà các đội bóng Iran, Kyrgyzstan, UAE dù thua hay thắng cũng đều đánh giá rất tốt về tinh thần và thái độ của các cầu thủ Olympic Việt Nam.

Đã có nhiều lý giải cho việc thay đổi tích cực đấy nhưng điều quan trọng nhất chính là thái độ của người thầy đối với chính đội bóng của mình. Các tuyển thủ Việt Nam và cả các cầu thủ Olympic khi chia sẻ về ông thầy Miura người Nhật đã cảm phục với tính kỷ luật khi tập cũng như khi ra sân và quan trọng nhất là giúp các cầu thủ tự tin bản thân mình lẫn tin các đồng đội hơn.

Từng gắn bó với các đội tuyển qua nhiều đời HLV và cả đội Olympic, trước đây tôi hay nghe lời than thở của không ít cầu thủ với điệp khúc “Họ không chịu đá!” hoặc “Họ không muốn thắng!”… Bây giờ thì chính các cầu thủ lại nói rằng họ khát khao được ra sân và được cống hiến.

Điều ông Miura làm được một phần là do hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam nhưng phần lớn là ông thầy người Nhật này giúp cho cầu thủ ý thức được nghĩa vụ và vinh dự của một cầu thủ khi ra sân trong màu áo đội tuyển. Ngoài ra ở ông còn cho thấy sự công bằng trong cách nhìn nhận người, nhìn nhận chuyên môn và đặt đúng chỗ trên tinh thần tất cả vì thành quả của đội tuyển.

Ông Miura chắc chắn sẽ còn phải điều chỉnh rất nhiều sau Asiad nhưng điều ông đã và đang làm được đó là giúp cầu thủ lấy lại được niềm tin nơi chính mình và tin tưởng lẫn nhau. Niềm tin đấy khác hẳn với thời đá vì tiền và vì những khoản thưởng như treo cột mỡ. Cái thời mà có lúc “gậy ông đập lưng ông” khi cầu thủ gác chân hỏi lại lãnh đạo tiền thưởng đâu, rồi đá phập phù theo độ nặng, nhẹ của tiền thưởng hoặc đá sao để vừa nhận tiền thưởng vừa ăn tiền “kèo”.

Qua sức sống và thành công của đội Olympic cho thấy bóng đá Việt Nam không thiếu nhân tài nhưng vấn đề là làm thế nào để tập hợp sức mạnh và để cầu thủ phát huy hết khả năng khi họ khoác áo đội tuyển.

Mới có niềm tin từ một ông thầy và niềm tin từ người hâm mộ. Giờ còn cần nhiều niềm tin nữa trong công cuộc cải cách của một bộ máy.