Những vụ “đại náo” công đường gây xôn xao năm 2013

Sau khi tuyên án, có không ít người nhà các bị cáo đã khiến cả hội trường tòa án náo loạn vì những cách phản ứng khác nhau.

La thẩm phán, đánh luật sư vì án tử dành cho kẻ chặt tay cướp SH

Sự việc diễn ra ngay sau phiên tòa xét xử băng cướp dùng mã tấu chặt tay cô gái cướp xe SH trên cầu Phú Mỹ. Phiên xử diễn ra tại TPHCM trong 2 ngày 24 - 25/12.

Trong vụ án này, có 8 bị cáo đã được đưa ra đứng trước vành móng ngựa. Sau 2 ngày xét xử với nhiều tình tiết, vào cuối giờ chiều ngày 25/12, HĐXX đã tuyên án với các bị cáo. Theo đó, Hồ Duy Trúc bị tuyên án tử hình; Nguyễn Văn Luông chung thân. Các bị cáo còn lại nhận bản án từ 9 tháng đến 20 năm tù giam.

Người nhà bị cáo lao theo xe thùng chở tử tù

Điều đáng nói, ngay sau giờ tuyên án, cả gia đình bị cáo chửi bới các bị hại, rượt đánh luật sư, đe dọa thẩm phán. Mẹ bị cáo Trúc sau khi nghe con bị tử hình đã la hét và chửi các nạn nhân. Cùng với đó, chị gái bị cáo Trúc đã la ó, dùng tay đập xe cấp cứu trong sân đồng thời dùng đá chọi vào nơi làm việc của các thư ký, thẩm phán.

Khi luật sư bào chữa chỉ định cho bị cáo Trúc vừa rời khỏi phòng xử, một thanh niên đã rượt đuổi và có hành vi xô xát với luật sư. Phải nhờ đến lực lượng hỗ trợ, giải vây của nhiều người, luật sư mới rời khỏi tòa. Nghiêm trọng hơn, trước khi lực lượng phản ứng nhanh 113 xuất hiện, mẹ bị cáo Trúc đã tuột quần phản đối bản án tòa tuyên đối với con mình.

Vợ bị cáo bị đập chai nước náo loạn tòa án

Ngày 25/3, TAND tỉnh Lạng Sơn đưa vụ án Hoàng Mỹ Sơn (trú tại xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn) ra xét xử với hành vi giết người. Bà Nguyễn Thị Thoa (vợ bị cáo) cũng có mặt tại phiên toà với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Vụ án giết người này xuất phát từ việc một nhóm thanh niên ở TP Lạng Sơn đi đòi nợ thuê, đến gia đình bà Thoa để hành hung, đập phá tài sản, dẫn đến ông Sơn dùng hung khí chống trả và đâm chết Phạm Minh Anh (32 tuổi, trú tại TP Lạng Sơn).

An ninh được đảm bảo chặt chẽ bên ngoài phiên xử

Đến 10h45 cùng ngày, khi phiên toà tạm nghỉ giải lao, bà Thoa xuống tầng 1, đi vệ sinh. Lúc trở về, bỗng nhiên hai người áp sát, tay cầm chai nước nhằm đầu bà Thoa đập mạnh. Vụ việc đã khiến bà Thoa bị thương nhẹ ở đầu.

Trong khi đó, tại phiên xử cũng xuất hiện nhiều phần tử manh động ở TP Lạng Sơn, huyện Cao Lộc đến dự.

Gây náo loạn công đường vì... không được ly hôn

Sáng 18/11, tại phòng xử TAND TP.HCM (Tòa Lao động, 26 Lê Thánh Tôn, quận 1) xảy ra vụ náo loạn công đường do đương sự trong một vụ ly hôn quậy phá. Vụ náo loạn xảy ra ngay sau khi tòa vừa tuyên án. Ông HC - nguyên đơn vụ ly hôn - đã bất ngờ nhào lên gây náo động phòng xử.

Hiện trường vụ náo loạn

Ngay sau khi chủ tọa đọc xong bản án, ông HC đã ra khỏi vị trí của đương sự và tiến nhanh đến bàn của HĐXX đập những bảng ghi chức danh của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng (thẩm phán, chủ tọa, luật sư...). Chưa dừng lại, ông HC còn đập phá và xô kéo bàn ghế ngã hết. Nghe tiếng động, bảo vệ tòa án lập tức chạy đến ngăn cản nhưng ông HC vẫn không chịu dừng. Đến khi khống chế được ông HC, tòa đã gọi điện thoại cho Công an phường Bến Nghé đến làm việc. Công an đã đưa xe đến chở ông HC về trụ sở.

Tử tù và đồng bọn gây náo loạn tại tòa tối cao

Bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình về tội “giết người”và 18 năm tù về tội “cướp tài sản”, Nguyễn Trí Danh (23 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) và các đồng phạm làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt lên Tòa phúc thẩm -Tòa án Nhân dân Tối cao. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 3/6, Danh tuyên bố rút đơn kháng cáo, yêu cầu thi hành án sớm và liên tục kêu oan cho đồng bọn, gây náo loạn phiên tòa.

Trước đó, bị cáo Danh cùng các bị cáo Nguyễn Phước Đoàn (SN 1994), Dương Văn Phong (SN 1991) và Trương Nhật Minh (SN 1992) - cùng ngụ tại Đồng Nai được đưa ra xét xử.

Bị cáo Danh được dẫn giải đi sau khi tuyên án

Theo cáo trạng của VKS, sau khi chấp hành xong án phạt tù, Danh đến xã Hố Nai, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) thuê phòng trọ sống chung với Đoàn, Minh, Phong và một số thanh niên khác. Thời gian chung sống với nhau, do lười lao động nên nhóm này bàn cách đi cướp để kiếm tiền tiêu xài. Tối ngày 2/5/2011, bọn chúng chuẩn bị hung khí gồm mã tấu, dao nhọn đi tìm người có tài sản để cướp. Khi đến đoạn đường thuộc xã Suối Tre, thị xã Long Khánh (Đồng Nai), chúng thấy anh Nhân đang chạy xe ngược chiều liền đuổi theo ép vào lề đường. Khi nạn nhân chưa hiểu điều gì thì Danh xông tới, rút dao đâm một nhát vào ngực làm anh Nhân chết tại chỗ. Biết nạn nhân đã chết, hắn cùng đồng bọn lục soát lấy đi ĐTDĐ, ví tiền và xe máy của nạn nhân rồi tẩu thoát.

Thanh niên quá khích đất Cảng náo loạn tòa án

Vụ việc xảy ra vào khoảng 16h ngày 25/6/2013 tại Tòa án Nhân dân huyện An Dương (Hải Phòng) khi HĐXX đang mở phiên tòa xét xử vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa bên nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1950, trú tại thôn 6, xã Bắc Sơn, huyện An Dương) và bị đơn là ông Nguyễn Văn Tâm (sinh năm 1957) - hàng xóm.

Trong quá trình xét xử, an ninh trật tự phiên tòa rất ổn định. Tuy nhiên, khi HĐXX tuyên án, một nhóm người tham dự phiên tòa đã la ó, nhục mạ, chửi bới, thậm chí đe doạ HĐXX về bản án vừa tuyên ngay tại phòng xử án. Trước hành vi quá khích của những đối tượng trên, lãnh đạo TAND huyện An Dương đã tới vận động, thuyết phục mời ra khỏi phòng xử án. Vừa ra tới sân tòa, nhóm người này đã hò nhau quây kín khu vực cổng toà tiếp tục gây rối.

Lực lượng hỗ trợ tư pháp nhắc nhở những kẻ quá khích

Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát Hỗ trợ Tư pháp của Công an huyện An Dương đã có mặt giải quyết vụ việc thì 3 đối tượng là Nguyễn Văn Tâm (bị đơn); Nguyễn Thị Cảnh, sinh năm 1966 (vợ của Tâm) và Nguyễn Thành Việt, sinh năm 1984 (con trai Tâm) cùng đám đông mới bắt đầu giải tán.

Hành vi gây rối pháp đình cần được xử lý nghiêm

Tòa án là nơi tôn nghiêm, thể hiện quyền lực nhà nước, nhân danh nhà nước để đảm bảo sự công bằng của xã hội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, những hành động thể hiện sự bức xúc của một số cá nhân mà biểu hiện là các hành vi gây rối như trên cần phải được xử lý nghiêm minh.

Các vụ việc xảy ra đã dấy lên hồi chuông báo động tình trạng náo loạn chốn công đường, làm mất uy nghiêm chốn pháp đình. Theo một đánh giá, điểm yếu nhất ở các phiên tòa là thiếu lực lượng tư pháp bảo vệ, thực tiễn lại xử lý lại còn quá nhẹ tay nên đương sự mới coi thường HĐXX và những người tham gia tố tụng khác.

Được biết, TAND Tối cao đang dự thảo Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND. Dự thảo này cần sớm hoàn chỉnh để đưa vào áp dụng.