Những vĩ nhân phi thường chết… khác thường

Được ca ngợi bởi những phát minh hữu ích cho nhân loại nhưng họ lại kết thúc cuộc đời đầy vinh hiển, lừng lẫy của mình với những cái chết “lãng xẹt”.

Một nhà thiên văn học nổi tiếng vì nhịn tiểu, vỡ bàng quang mà chết, một nhà bác học dùng chính thứ thuốc mình tìm ra tự vẫn, một chính trị gia chết ngớ ngẩn… cuộc đời đôi khi thật khó đoán định.

Tycho Brahé: Chết vì nhịn tiểu

Tycho Brahé, nhà thiên văn học nổi tiếng, nhà chiêm tinh học tài ba thế kỷ 16 sinh ra trong một gia đình quý tộc cổ nhất Đan Mạch. Ông được coi là người sáng lập môn thiên văn học quan sát trước khi có kính viễn vọng và là người có nhiều đóng góp nhất trong lịch sử Thiên văn học. Được sự tài trợ của vua Federik II, Brahé đã cho xây đài quan sát thiên văn, đặt tên là Uraniborg (lâu đài của Urania, tên nữ thần bảo trợ ngành thiên văn trong thần thoại Hy lạp). Vào thời đó, đây là đài quan sát thiên văn quan trọng nhất ở châu Âu. Là một người quan sát cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác nhất thời đó, ông đã khám phá ra siêu tân tinh (một sao mới trong chòm sao Cassiopeia - cũng có độ sáng bằng sao Kim), sao Chổi và thuyết hệ thống các hành tinh. Người Đan Mạch còn đặt cho 32 ngày được ông tính là xui xẻo trong năm là “ngày của Tycho Brahe”.

Dưới thời hoàng đế Rodolphe, Brahé trở thành nhân vật quan trọng nhất nên thường được mời dự tiệc sang trọng. Ở thế kỷ đó, việc rời bàn trước hoàng đế được coi là sỗ sàng, không phải phép. Thêm vào đó lại nổi tiếng với tật uống “vô tội vạ” và có tiền sử bệnh về bọng đái, ông đã chết tức tưởi vì vỡ bàng quang sau khi điều trị đau đớn suốt 11 ngày. Ông  mất ngày 24/10/1601 tại Prague và yên nghỉ dưới tấm đan nhà thờ Notre-Dame de Tyn có biểu tượng hai mũi tên chĩa lên trời như một niềm tôn kính đối với nhà thiên văn học nổi tiếng.

Horace Wells: Rạch bắp đùi, dùng thuốc gây mê tự tử

Horace Wells không bao giờ muốn làm tổn thương bất cứ ai. Và thực tế cũng đã cho thấy, ông nổi tiếng vì đã cứu mọi người khỏi sự đau đớn. Ông là bác sĩ đầu tiên sử dụng việc gây mê hiện đại trong phẫu thuật. Là một nha sĩ sống ở Boston hồi đầu thế kỷ 19, Wells đã chế ra nitơ oxit (khí gây cười) và ête - hai chất gây tê quan trọng trong y học, thậm chí ông đã nhổ răng của mình trong lúc gây mê để chứng minh quan điểm của bản thân.

Trước khi phát minh ra thuốc mê, Wells đã trải qua quá trình thí nghiệm miệt mài với đủ loại chất khí để rồi sau đó đâm nghiện chất chloroform. Trong cơn cuồng loạn do thuốc gây ra, nhà bác học đã ném axit vào hai gái mại dâm để rồi bị bắt và tống giam vào nhà tù. Thư tuyệt mệnh để lại cho vợ, Wells nói rõ rằng, ông đã nhận ra hậu quả không thể tránh khỏi của cơn nghiện và các cuộc thử nghiệm của mình: "Tôi đã sống theo cách trở thành một tên điên loạn". Nhưng cũng chính ông đã đổ tội  chloroform là thủ phạm cho những hành động điên cuồng như vậy. 4 ngày sau đó, người ta phát hiện Horace Wells đã tự vẫn ngay trong tù. Ông tự gây tê chính mình bằng chất chloroform sau đó rạch bắp đùi bằng dao cạo tự sát.

Francis Bacon: Chết đông cứng vì cố nhồi tuyết vào gà

Francis Bacon là nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất cuối thế kỷ 16, với vai trò nhà chính trị, nhà triết học, nhà văn và nhà khoa học.. Ông có một sự nghiệp chính trị lừng lẫy, được phong hiệp sĩ năm 1603, chưởng quản năm 1617 chánh thẩm tòa án tối cao năm 1618. Cùng năm đó, ông được phong Nam tước Verulam và ba năm sau, 1621, trở thành Tử tước St. Albans. Tuy nhiên, khi đạt đến đỉnh cao danh vọng, ông liền bị cáo giác nhận hối lộ, bị phạt 40.000 bảng và bị loại khỏi pháp đình. Sự nghiệp chính trị bỗng chốc tiêu tan. Nhưng nhờ đó ông dành trọn phần đời còn lại để viết và nghiên cứu khoa học. Người ta đồn rằng một số vở kịch mang tên Shakespeare là do ông viết vì trong đó có nhiều chi tiết liên quan tới sinh hoạt cung đình trong khi Shakespeare chỉ là dân thường.

Trái ngược hoàn toàn với sự nghiệp vinh hiển, Francis Bacon kết thúc cuộc đời mình với cái chết rất… ngớ ngẩn. Một buổi chiều năm 1625, trong lúc ngắm cơn bão tuyết vần vũ dữ dội ngoài trời, Bacon chợt nảy ra ý nghĩ: rất có thể tuyết cũng bảo quản được thịt tươi sống kiểu như muối vậy. Quyết tâm kiểm nghiệm, ông chạy sang làng bên mua một con gà, làm thịt, sau đó bất chấp cái giá rét thấu xương, ông đứng trong mưa bão cố gắng nhồi tuyết vào con gà để xem nó có đông cứng lại được không. Rốt cuộc, Bacon đông cứng trước cả gà.

Jerome Irving Rodale: Đột tử trong show truyền hình

Jerome Irving Rodale là một nhà viết kịch, biên tập viên, tác giả và là người sáng lập Rodale Press - tập đoàn xuất bản danh tiếng của Mỹ chuyên in ấn các loại sách báo liên quan đến sức khỏe. Ông là cha đẻ của phong trào thức ăn hữu cơ. Tên khai sinh do bố mẹ đặt là Cohen nhưng ông đã tự đổi tên để việc kinh doanh được thuận lợi. Không thể không kể đến một trong số những dự án thành công của Rodale là sáng lập tạp chí Prevention nổi tiếng những năm 1960. Trong nhiều thập kỷ, Prevention là tạp chí hàng đầu về thông tin thực phẩm hữu cơ thay thế ở vùng Bắc Mỹ.

Rodale, người đã từng khảng khái tuyên bố: “Tôi sẽ sống đến 100 tuổi trừ khi bị chết vì tai nạn”, mới chỉ thọ 72 tuổi khi xuất hiện trong buổi phỏng vấn định mệnh vào tháng 1/1971 hôm ấy.

Giữa chương trình, ông đột tử ngay trên ghế vì cơn đau tim. Show truyền hình đó vĩnh viễn không bao giờ được ra mắt khán giả.

Nhiều điều thú vị, kinh ngạc sẽ đến với độc giả bởi loạt bài "Những cái chết lãng xẹt nhất mọi thời đại". Đón đọc kỳ 3 vào lúc 9h30  thứ 5 ngày 16/8 trên Xahoi.com.vn.