Những tình tiết mâu thuẫn trong vụ nổ súng tại trạm CSGT Suối Tre

Luật sư của gia đình nạn nhân, Phó trạm CSGT Suối Tre Trần Ngọc Sơn, nêu nhiều tình tiết cho là mâu thuẫn trong vụ án, đưa chứng cứ về việc vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Phiên xét xử nguyên đại úy CSGT Ngô Văn Vinh (39 tuổi, Trạm tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) bắn chết Phó trạm - thiếu tá Trần Ngọc Sơn (39 tuổi) hôm 26/8, thu hút hàng trăm người theo dõi. Phiên toà trở nên căng thẳng hơn vào cuối ngày, khi VKS và luật sư bảo vệ gia đình bị hại tranh luận về tội danh của bị cáo Vinh.

Theo VKS, Vinh gây án xuất phát từ hiểu lầm trong lời ăn tiếng nói với Trương Thành Chí (bạn Sơn). Đây là mâu thuẫn bộc phát dẫn đến cái chết của thiếu tá Sơn. Hậu quả của vụ việc này có phần lỗi của nạn nhân bởi Vinh đã về nghỉ nhưng Sơn tìm đến thách thức, đánh vào đầu, mặt của bị cáo.

Bắt nguồn từ hành vi sai trái này, Vinh bị kích động, rút súng bắn chết thiếu tá Sơn, làm bị thương một người khác. Từ đó, VKS xác định bị cáo phạm tội Giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh, đề nghị HĐXX tuyên từ 24 đến 30 tháng tù.

Luật sư Vinh (bìa phải) thẩm vấn các nhân chứng tại tòa. 

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình nạn nhân) cho rằng VKS truy tố bị cáo về tội Giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh là không đúng. Bởi cơ quan điều tra chưa chứng minh được bị cáo gây án do “hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân”.

“Lời khai của các nhân chứng tại cơ quan điều tra cũng như tại tòa không thể nói anh Sơn có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng khi chỉ đấm vào mặt bị cáo 1-3 cái. Với việc đánh bằng tay như thế không thể gây ra thương tích cho bị cáo quá 11%", luật sư nói. Trong khi đó, tại toà, bị cáo Vinh khai, ngoài việc bị anh Sơn đấm nhiều cái vào mặt, Vinh còn bị Phó trạm nắm tóc đập đầu vào thành giường.

Theo nữ luật sư nguyên là thẩm phán TAND Tối cao này, kết luận giám định vết thương 27% ở đầu bị cáo là do một người khác, chứ không phải do thiếu tá Sơn. Bà dẫn chứng rằng bằng lời khai của bị cáo: 'Sau khi bắn chết anh Sơn, Vinh phụ đưa anh Sơn đi cấp cứu thì có một thanh niên lạ mặt dùng báng súng đánh vào đầu bị cáo'. "Còn vết thương 11% ở cánh mũi trái của bị cáo đã thể hiện rõ là do anh Trương Thành Chí gây ra tại quán karaoke chứ không phải do anh Sơn", luật sư nêu quan điểm.

Một vấn đề khác được luật sư nhấn mạnh ở tòa là khi anh Sơn về trạm CSGT Suối Tre thì Vinh đã để sẵn súng dưới gối và súng đã lên đạn. "Về chi tiết súng để dưới gối, bị cáo đã trả lời bất nhất trong phiên tòa. Lúc đầu Vinh lý giải là 'đi tuần tra về để quên súng trên giường', nhưng sau đó tôi hỏi thì bảo 'có thói quen để súng dưới gối'". Còn vì sao khẩu súng được lên nòng sẵn trong khi có chốt an toàn, bị cáo trả lời do bắt cướp cách đó 2 tuần là điều vô lý", nữ luật sư nêu.

Ngoài những tình tiết chưa được làm rõ này, luật sư Vinh cũng chỉ ra hàng loạt những vi phạm tố tụng nghiêm trọng của cơ quan tố tụng. Đầu tiên, khẩu súng K59 mang số hiệu E5894-1882, hung khí giết anh Trần Ngọc Sơn, là vật chứng quan trọng, ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án đã không được chuyển sang tòa án xem xét đánh giá mà trả lại cho Phòng CSGT (PC67) Công an tỉnh Đồng Nai.

"Việc tự ý xử lý vật chứng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, dẫn đến đánh giá sai lệch về chứng minh người phạm tội và xác định tội danh của bị cáo Vinh” vị luật sư cho biết.

Bà cũng đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy ở bản kết luận điều tra, khám nghiệm hiện trường và các bản cáo trạng truy tố bị cáo không có sự thống nhất ký hiệu của khẩu súng K59. Khi là E5694 lúc thì E5894. “Vậy đâu là khẩu súng gây án hay còn một khẩu súng khác nữa?”, luật sư nêu vấn đề.

Cũng liên quan đến khẩu súng K59, Công an tỉnh Đồng Nai xác định trong biên bản khám nghiệm hiện trường là "nằm dưới nền nhà". Tuy nhiên, nhân chứng Trương Thành Chí lại khai "đã lấy súng đi sau khi xảy ra án mạng và giao lại cho CSGT Nguyễn Văn Đông" và điều này đã được Đông xác nhận tại tòa.

Một vi phạm tố tụng khác mà luật sư Vinh chỉ ra là trong biên bản khám nghiệm hiện trường không có chữ ký của VKSND tỉnh Đồng Nai và người chứng kiến vụ việc, theo quy định của pháp luật. Hay việc không tiến hành thực nghiệm điều tra để xác minh các tình tiết mâu thuẫn trong vụ án, không gửi kết luận điều tra cho gia đình bị hại theo quy định cũng là thiếu sót. “Đến lúc gia đình bị hại biết thông tin trên báo đài, đi hỏi thì được trả lời đã chuyển vụ án qua tòa”, luật sư Vinh nói.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, vợ nạn nhân, ôm luật sư khóc sau khi nghe tòa tuyên trả hồ sơ điều tra lại. 

Với những tình tiết của vụ án chưa được làm rõ, luật sư của gia đình nạn nhân đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra lại.

Trước đề nghị của luật sư, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo Vinh bởi cho rằng phải xét toàn bộ bối cảnh, xuyên suốt quá trình xảy ra vụ án, hành vi, thái độ của cả bị cáo lẫn nạn nhân. Viện cũng cho rằng, khẩu súng, vỏ đạn, đầu đạn được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật. Do khẩu súng là vũ khí, cần được giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý để đảm bảo an toàn nên sau khi chứng minh đó là khẩu súng gây án cơ quan điều tra đã giao trả lại cho Phòng CSGT. Việc các bút lục ghi chưa chính xác số hiệu của khẩu súng là lỗi kỹ thuật, không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết án.

Sau khi ghi nhận quan điểm của các bên, TAND tỉnh Đồng Nai đã quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra lại.