Những thói quen ai cũng nghĩ là tốt cho sức khỏe hóa ra lại âm thầm hại cơ thể mà không hay

Chúng ta thường nghe đủ thứ kiến thức về việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, việc thực hiện chúng một cách máy móc hoàn toàn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.

Những thói quen tưởng tốt hóa ra lại âm thầm tàn phá cơ thể

1. Tập thể dục càng nhiều càng tốt

Tập thể dục không chỉ có vai trò trong việc giảm cân, giữ dáng mà còn nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, chuyện "tập luyện quá nhiều mỗi ngày" đôi khi không phải ý kiến hay bởi tập luyện chỉ có thể đem lại kết quả tốt nếu bạn thực hiện đúng cách và đúng lúc.

Theo ông Katie Rothstein (nhà thực hành sinh lý, công tác tại phòng khám Cleveland, (Mỹ): Chìa khoá để việc tập thể dục có thể mang lại kết quả tốt đó là tự lắng nghe cơ thể. Điều đó là căn cứ để bạn quyết định xem đi tập vào thời điểm đó có phù hợp hay không.

Tập thể dục quá mức có thể gây mệt mỏi, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như loãng xương và viêm khớp. Đó là còn chưa kể việc cố gắng đi tập thể dục lúc bụng đói có thể gây chóng mặt, nôn mửa, thậm chí gây chấn thương. Tập thể dục khi vừa ăn xong có thể gây hại cho dạ dày, đường ruột. Khi bạn thiếu ngủ mà cố gắng đi tập thể dục sẽ khiến cơ thể không thể hoạt động hiệu quả như mong đợi và làm tăng nguy cơ chấn thương.

Cách làm đúng: Bạn nên tập thể dục khi cơ thể ở trạng thái khỏe mạnh nhất, cụ thể là không quá đói hay quá no, không ốm sốt, mệt mỏi, chấn thương.... Mỗi ngày bạn có thể dành 30 phút cho việc vận động. Cường độ tập không nên quá mạnh mà nên phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.

2. Ăn càng nhiều trứng gà thì càng tốt

Trứng gà là thực phẩm phổ biến nhất và cũng được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Các chuyên gia khuyên chúng ta nên ăn nhiều trứng vì chúng có tác dụng cải thiện trí nhớ, bảo vệ thị lực, giảm cân, làm đẹp... Thực phẩm này được khuyên dùng mọi bữa trong ngày: Dù là bữa sáng hay bữa tối, thậm chí nó cũng được khuyên để chống đói cho các bữa ăn đêm.

Dù trứng ngon lành và bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng nên ăn trứng. Nguyên nhân chính là vì cholesterol trong trứng sẽ có thể ảnh hưởng đến lượng cholesterol trong máu. 

Thứ nhất, bệnh nhân mắc bệnh gan ăn nhiều trứng sẽ rất nguy hiểm bởi lòng đỏ trứng chứa chất béo và cholesterol, sẽ làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.

Bệnh nhân mắc bệnh thận có chức năng thận kém và rất khó chuyển hóa các thực phẩm giàu protein như trứng. Nếu họ ăn quá nhiều sẽ làm tăng gánh nặng cho thận và làm bệnh tình trở nên tồi tệ hơn.

Ăn trứng gà khi bị sốt cũng sẽ khiến cho nhiệt lượng cơ thể tăng lên khiến bệnh sốt sẽ càng thêm nặng. 

Người đang bị tiêu chảy cũng cần phải kiêng ăn trứng bởi đây thực phẩm giàu đạm và chất béo, người bệnh ăn vào sẽ làm cho tình trạng bệnh càng nặng thêm.

Cách làm đúng: Với người lớn tuổi khỏe mạnh chỉ nên ăn 3-4 quả trứng/tuần. Trẻ nhỏ và người có bệnh nền cần tiêu thụ số lượng trứng dưới lời khuyên của chuyên gia.

3. Ăn rau thay cơm sẽ khỏe mạnh hơn

Rau xanh đúng là loại thực phẩm đem lại rất nhiều lợi ích bởi chúng giàu chất xơ, ít calo nên có thể hạn chế tăng cân. Tuy nhiên vì lời khuyên "ăn càng nhiều rau càng tốt", nhiều người đã bỏ ăn cơm, tập trung ăn rau xanh để giảm cân và phòng ngừa bệnh tật.

Nếu bạn ăn rau thay cơm, cơ thể sẽ bị thiếu hụt carbohydrate lâu ngày và gây rối loạn nội tiết.

Việc bỏ ăn cơm cũng có thể gây ra tình trạng giảm trí nhớ, không thể tập trung, buồn ngủ, hạ đường huyết. Thiếu tinh bột cũng khiến cho tinh thần trở nên uể oải, kém sức sống.

Nếu thiếu glucose lâu dài sẽ gây ra một số gánh nặng cho cơ thể, dẫn đến da sạm đi, cơ thể suy nhược, ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ cơ quan.

Cách làm đúng: Bữa ăn cần cân đối dinh dưỡng và hợp khẩu vị phải có các chất dinh dưỡng hợp lý. Bao gồm khẩu phần bột đường chiếm 65 - 70%, chất đạm chiếm 12 - 14%, chất béo chiếm 18 - 20%. Ngoài ra, còn cần bổ sung thêm chất khoáng, vitamin và nước cho cơ thể (từ rau, trái cây).