Những thí sinh đặc biệt trong kỳ thi đại học, cao đẳng 2014

Gia đình ly tán, theo chân mẹ tha phương bán vé số mưu sinh. Bố mẹ bệnh tật không đủ khả năng nuôi dưỡng đành gửi con vào trung tâm bảo trợ.

Dù gánh chịu những mất mát khác nhau nhưng các em luôn cố gắng vượt lên số phận. Cùng với hàng ngàn thí sinh khắp cả nước chuẩn bị bước vào kì thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng cận kề, những thí sinh đặc biệt ở Trung tâm bảo trợ xã hội Tam Bình và làng thiếu niên Thủ Đức quyết tâm thay đổi số phận bằng con đường học vấn.

Chàng trai duy nhất của trung tâm bảo trợ thi Đại học

Nguyễn Văn Long (SN 1996) là học sinh duy nhất của trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM) dự kì thi tốt nghiệp và đại học năm 2014. Vừa mới trải qua kì thi thi tốt nghiệp THPT, Long lao vào “dùi mài kinh sử” chuẩn bị cho kì thi đại học đầy thử thách sắp tới. Dáng người gầy nhỏ nhưng khuôn mặt phấn chấn, Long cho biết kỳ thi tốt nghiệp vừa qua mình tự tin 70% kết quả đậu. Đợt thi đại học sắp tới, Long chọn ngành điện công nghiệp, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và ngành chăn nuôi trường ĐH Nông Lâm.

Bố mẹ Long đều là bệnh nhân trại phong Bến Sắn (Bình Dương), cuộc sống gia đình đều trông chờ vào tiền trợ cấp. Long còn một anh trai và một người em. Do hoàn cảnh khó khăn, Long được gửi vào trung tâm bảo trợ khi mới 3 tuổi. Tính đến nay, đã 15 năm trôi qua Long sống trong sự bảo bọc, dạy dỗ của các “mẹ” ở trung tâm. Cứ 3 tháng một lần, mẹ ruột Long lại bắt xe từ Bến Sắn xuống thăm con. Trong những lần thăm con ngắn ngủi ấy, người mẹ không quên động viên con ráng học tập, rèn luyện thật tốt để sau này trở thành một người có ích cho xã hội và gia đình.

Nhờ sự nuôi dưỡng tận tình, bảo bọc của trung tâm bảo trợ, Long may mắn được đến trường. Chàng trai kể, hàng ngày đi học bằng xe buýt rồi cuốc bộ thêm đoạn đường dài nữa mới tới trường, trưa lại đón xe buýt về. “Hồi học cấp hai, bắt đầu nhận thức về hoàn cảnh bản thân, em buồn lắm. Em đi học chỉ biết thui thủi một mình. May mắn được các cô động viên, em nhận thấy bản thân còn may mắn hơn nhiều bạn khác, cần phải học tập thật tốt để thay đổi cuộc đời”, Long tự bạch.

Suốt 12 năm đèn sách, Long luôn nỗ lực hết mình, nhiều năm liền đạt học lực khá. Năm học này, Long là người duy nhất trong trung tâm dự kì thi tốt nghiệp THTP và Đại học, Cao đẳng. Cô Nguyễn Thị Hòa, “mẹ” của Long tại trung tâm cho biết: “Long ngoan hiền, siêng năng. Ngoài việc học trên trường, những lúc rảnh rỗi, em đều giúp đỡ các cô tại trung tâm chăm lo cho các em nhỏ hơn. Mong rằng kì thi sắp tới Long sẽ nhận được kết quả tốt, có cơ hội thành đạt ngoài xã hội”.

Quyết thi đỗ đại học tránh kiếp lang thang vỉa hè

Còn tại Làng thiếu niên Thủ Đức (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức), năm nay có đến 3 thí sinh vừa hoàn thành kì thi tốt nghiệp THPT. Cô Võ Thị Tươi, trưởng phòng quản lí - nuôi dưỡng – giáo dục của trung tâm vui vẻ: “Nhà báo gặp may. Bình thường giờ này các em đều lên trường ôn luyện chuẩn bị kì thi đại học sắp tới. Hôm nay còn hai bạn ở nhà. Mấy em siêng lắm, vừa dứt thi tốt nghiệp là tập trung ôn thi đại học liền”.

Lý Thị Sáng (SN 1994) và Đỗ Thị Quyên (SN 1995) là 2 trong 3 thí sinh mà cô Tươi vừa khen ngợi. Cũng như bao bạn bè ở Làng thiếu niên, hoàn cảnh gia đình hai nữ sinh lắm éo le, buộc các em phải nương tựa trung tâm từ thiện. Sáng bộc bạch, quê em ở mãi tỉnh Lạng Sơn. Khi được 2 tháng tuổi, mẹ bỏ đi, để lại ba chị em Sáng sống với người bố mù loà lại mất sức lao động. Mấy bố con gắng gượng nương tựa vào nhau vẫn không đủ ăn.

Được sự quan tâm của địa phương, bố Sáng chuyển vào trung tâm từ thiện ở Lạng Sơn tá túc, chị em Sáng được gửi vào Làng thiếu niên Thủ Đức từ đầu năm 2000. Cũng từ đó, cha con cách trở. “Chị và em hàng tháng đều viết thư tay gửi cho bố. Bố nhờ người đọc và viết thư trả lời. Đến nay chị gái em sau khi học xong quay lại trung tâm làm việc, đã mua được điện thoại di động gọi điện về nhà thường xuyên hơn”, Sáng hớn hở với niềm vui nhỏ nhoi.

Thương bố mù loà, Sáng luôn tự nhủ bản thân học tập thật tốt để tương lai tươi sáng hơn như tên bố đặt cho mình. Năm trước, Sáng chọn ngành Sư phạm mầm non, trường ĐH Sài Gòn nhưng không may thiếu điểm. Quyết không bỏ cuộc, năm nay cô gái tiếp tục nuôi giấc mơ trở thành cô giáo. “Em muốn trở thành cô giáo mầm non để giúp đỡ những em nhỏ, nhất là các cháu bất hạnh. Năm nay em tự tin hơn, rút kinh nghiệm sẽ đọc kĩ đề và làm đúng trọng tâm”, Sáng chia sẻ.

Ngồi cạnh bên, Quyên lắng nghe câu chuyện của bạn mình, nắm chặt tay bạn thay cho lời động viên, đồng cảm. Tỏ ra có kinh nghiệm hơn, Quyên cho biết bản thân cũng chọn ngành sư phạm mầm non bởi đây là ngành học khá phù hợp với phái nữ, vả lại điểm trúng tuyển không quá cao, phù hợp với sức học của mình. Cô tự tin rằng “cửa” đỗ rất cao bởi đã ôn luyện rất kĩ suốt một năm qua.

Quyên có hoàn cảnh éo le không kém bạn, sinh ra và lớn lên trong gia đình có bốn người con ở tận tỉnh Thừa Thiên - Huế. Gia đình đang êm ấm thì bố theo người đàn bà khác, quay sang đánh đập vợ con. Không chịu nổi, mẹ Quyên dắt các con vào Bình Dương, ngày ngày đi bán vé số kiếm tiền mưu sinh. “Lúc đầu mấy chị em được nuôi dưỡng tại trung tâm trên Bình Dương, từ năm học lớp sáu, em được chuyển về làng thiếu niên Thủ Đức. Mẹ em giờ đi làm thuê ở vườn cao su, đến Tết mới ghé thăm được. Em sẽ gắng thi đỗ để thoát cảnh lang thang vỉa hè bán vé số từng trải qua”, Quyên tỏ rõ quyết tâm.

Mỗi người đến từ một vùng quê khác nhau nhưng các bạn trẻ ở trung tâm Tam Bình và làng thiếu niên Thủ Đức đều chung số phận bất hạnh, phải nương nhờ vòng tay nhân ái của xã hội. Còn thêm điểm chung nữa, ở kì tuyển sinh sắp tới, các em là những thí sinh đặc biệt và tất cả đều rạo rực niềm tin thay đổi số phận bằng con đường học vấn. Xin chúc những thí sinh đặc biệt sẽ vượt qua “cửa ải” này để bước vào giảng đường đại học