Mỗi tấm huy chương, dù là màu gì, ở môn thể thao nào cũng đáng trân trọng bởi đó là thành quả từ nỗ lực, quyết tâm của các tuyển thủ. Tuy nhiên, trong số này cũng có những thành tích thực sự tạo nên ấn tượng lớn bởi sự đột phá, tính bất ngờ về chuyên môn.
Năm 1989, TTVN chính thức trở lại với đấu trường khu vực thông qua SEA Games 15 tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia). Vào thời điểm đó, chỉ vỏn vẹn với 63 thành viên, trong đó gồm 43 VĐV dự tranh 8 môn, thành tích đạt được là khá khiêm tốn với 3 HCV - 11 HCB - 5 HCĐ để xếp hạng 7/9 toàn đoàn, nhưng điều quan trọng hơn qua cú "thăm dò" này là TTVN hoàn toàn có thể "chơi được" ở tầm Đông Nam Á.
Ở kỳ Đại hội này, 3 tấm HCV đều thuộc về đội tuyển bắn súng. Tuy nhiên, tấm HCV cá nhân của nữ xạ thủ Hà Nội Ngô Ngân Hà ở nội dung súng trường tiêu chuẩn thực sự gây được ấn tượng mạnh khi nó hoàn toàn áp đảo trước các đối thủ mạnh trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Ngô Ngân Hà còn góp công lớn trong chiếc HCV đồng đội nữ cũng ở nội dung súng trường tiêu chuẩn nữ.
2 năm sau, tại SEA Games 16 ở Philippines, số HCV của đoàn TTVN giành được đã là 7 chiếc, trong đó có 1 tấm HCV mà cho đến tận ngày nay vẫn chưa thể tái lập, nếu không muốn nói là gần như không thể. Đó chính là tấm HCV bóng bàn đồng đội nữ, khi đội tuyển nữ Việt Nam với 2 cây vợt Nhan Vị Quân và Trần Thu Hà đánh bại ĐKVĐ Indonesia với tỷ số 3-1 trong trận chung kết. Nói là thành tích này không thể tái lập, bởi mặt bằng bóng bàn Đông Nam Á lúc này đã thay đổi quá lớn khi Singapore "nhập khẩu" các cây vợt gốc Trung Quốc và chính bóng bàn Việt Nam cũng đã tụt quá xa.
Tại SEA Games 16, đoàn TTVN còn có 1 tấm HCV cũng rất ấn tượng khi xạ thủ Quân đội Đặng Thị Đông phá sâu kỷ lục SEA Games với 595 điểm ở nội dung súng trường tiêu chuẩn nữ. Thành tích trên cũng vượt qua kỷ lục châu Á 594 điểm của xạ thủ Jin Dong Xiang (Trung Quốc) lập năm 1982, tiếc là kỷ lục của xạ thủ Việt Nam không được Liên đoàn bắn súng châu lục công nhận do quy mô thi đấu của SEA Games.
SEA Games 17 diễn ra tại Singapore, đoàn TTVN với 200 thành viên, trong đó có 139 tuyển thủ tranh tài ở 15/27 môn thi đấu. Lúc này, với chiến lược "đi tắt, đón đầu", TTVN du nhập nhiều môn thể thao mới phù hợp với sức mạnh và thu được thành công qua 9 HCV để vươn lên hạng 6/9 chung cuộc.
Thành công ở kỳ SEA Games này in đậm dấu các môn võ thuật. Trong đó nổi bật lên là nữ võ sỹ judo Cao Ngọc Phương Trinh trở thành là võ sỹ đầu tiên đoạt HCV ở 2 kỳ đại hội liên tiếp.
Kỳ 2I: "Bạc" bóng đá mà như "Vàng"