“Bom nổ chậm” giữa thời bình
Ông Nguyễn Nam – phó ban Kiểm soát Hiệp hội gas Việt Nam – tỏ ra vô cùng bức xúc: “Từ mấy năm nay, vấn nạn “cắt tai, mài vỏ” (CTMV) bình gas diễn ra ngày càng nhiều, ngang nhiên như thách thức pháp luật và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ước tính, hiện có hàng triệu bình gas bị một số doanh nghiệp CTMV, hoán đổi thành sở hữu của họ. Điều nguy hiểm hơn, sau khi bị mài vỏ để xóa chữ, hàng triệu bình gas này trở thành những quả bom nổ chậm, tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường”.
Theo đại diện các hãng Gia Định gas và Hồng Hà gas, hai doanh nghiệp có uy tín và thị phần hàng đầu khu vực phía Bắc, số lượng bình gas bị CTMV của mỗi hãng đã lên tới vài trăm ngàn chiếc, thiệt hại nhiều chục tỷ đồng.
Ông Phạm Ngọc Thư – Trưởng phòng kinh doanh công ty cổ phần gas Petrolimex – đơn vị có tới 700 Đại lý độc lập trải khắp các vùng, miền đất nước – cũng rầu lòng than phiền rằng: - Nếu các cơ quan chức năng của Nhà nước không quyết liệt ra tay, vạch mặt chỉ tên, xử lý nghiêm minh những kẻ chuyên CTMV, thì sẽ có không ít doanh nghiệp phải phá sản.
Riêng Petrolimex, số lượng bình ga bị CTMV đã lên tới khoảng 25-30% trên tổng số 1,3 triệu bình, khiến cho công việc kinh doanh trong những năm qua gặp muôn vàn khó khăn, nan giải…
Bên ngoài đề nhãn hiệu của VẠN LỘC PETRO – GAS, thực chất là bình gas đã bị xóa chữ nổi của các hãng VM – GAS, HONG HA – GAS, VINA – GAS, PETROLIMEX.
Ngoài các đơn vị kể trên, còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh Gas như công ty cổ phần Ngọn lửa hồng, công ty Đầu tư và Sản xuất Nam Anh, công ty Khí đốt Thăng Long, công ty Đầu tư dầu khí Hà Nội, công ty Thương mại dầu khí An Dương, công ty gas Venus, chi nhánh công ty kinh doanh Việt Hải… đều bị xâm hại nghiêm trọng vì vấn nạn “bình gas tặc”!
Thực ra, việc chiết nạp gas lậu cũng như CTMV bình gas đã diễn ra từ nhiều năm nay. Cho đến năm 2005, để ngăn chặn sự chiếm đoạt bình gas, các doanh nghiệp kinh doanh gas đều dập chữ nổi thương hiệu của mình lên vỏ chóp bình gas, đồng thời cũng dập chữ nổi thương hiệu và các thông số kỹ thuật đã được kiểm định lên tai (tay) và chân bình gas.
Cùng với việc ra đời của Nghị định 107/2009/NĐ – CP, các vụ việc CTMV tạm lắng xuống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vấn nạn này lại trỗi dậy hơn bao giờ hết. Những gian thương đã dùng thủ đoạn cắt tai (tay) và chân bình, rồi dùng máy mài chóp bình cho tới khi xóa hết chữ nổi in thương hiệu trên chóp bình của doanh nghiệp khác, sau đó, tháo van (thậm chí dùng cả van cũ), lắp tai và chân bình in dập thương hiệu và thông số kỹ thuật của mình rồi sơn lại toàn bộ.
Cứ mỗi bình “tân trang” như vậy, gian thương đã lời được tối thiểu 250 ngàn đồng, trong khi đó, chủ sở hữu đích thực của chiếc bình đó đã mất trắng 480 – 500 nghìn đồng (số tiền chi phí để sản xuất một bình gas); đem nhân với hàng triệu bình bị CTMV, ta sẽ biết được số tiền thiệt hại của những doanh nghiệp chân chính là bao nhiêu!
Ông Phạm Ngọc Thư cho hay: “Ngoài việc bị thất thoát hàng trăm tỷ đồng, các doanh nghiệp làm ăn ngay thẳng luôn ở trong tình trạng bị ép giá vì các gian thương CTMV hoán đổi chiếm đoạt bình gas, do đầu tư chi phí sản xuất bình thấp nên họ luôn giở đủ mọi chiêu thức khuyến mại, giảm giá, treo thưởng, khiến cho nhiều đơn vị không thể nào theo kịp, đành phải chấp nhận lỗ hàng tỷ đồng mỗi tháng…”.
Riêng ông Nhữ Đình Dũng – phó giám đốc công ty Khí đốt Gia Định thì cảnh báo: “Đó mới chỉ tính thiệt hại về mặt kinh tế. Có điều còn nguy hiểm gấp ngàn lần, đe dọa đến an toàn sinh mạng của rất nhiều người tiêu dùng.
Cụ thể, theo đúng yêu cầu kỹ thuật, vỏ mỗi bình gas phải dày tối thiểu 2,16mm, riêng hàng chữ dập nổi trên chóp bình dày 0,8mm.
Vì bị mài mòn, xóa hết lớp chữ, nên tại chỗ đó, vỏ bình chỉ còn lại 1,36mm, khiến cho bình gas đó không thể đảm bảo được các thông số an toàn, trở thành những quả bom nổ chậm luôn tiềm ẩn hiểm họa mà không ai có thể lường trước được.
Nhân viên một cửa hàng gas. Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Lật tẩy “Bình gas… tặc”
Sáng 22/11/2012, tại trạm nạp gas Nam Thanh Xuân của hãng Hồng Hà gas, chỉ chưa đầy 60 phút, chúng tôi đã được các nhân viên ở đây cho xem 46 bình bị CTMV vừa mới lọc ra trong số các vỏ bình gas vừa mới nhập về.
Trong số này, có 4 bình còn “nguyên đai, nguyên kiện”, mang thương hiệu Đại Lôc Petro Gas, tất cả 4 bình đều còn gas.
Tuy nhiên Trạm trưởng Trần Văn Tam khẳng định 100% rằng: “Thóc” (ý nói khí ga bên trong) là của Đại Lôc Petro Gas, còn “thúng”(ý nói vỏ bình) chắc chắn là của Hồng Hà gas, vì chữ nổi thương hiệu Hồng Hà đã bị xóa, cộng với vết hàn trên thân bình, cùng với một số dấu hiệu khác, tôi dám lấy đầu ra đảm bảo!”.
Tập hợp một số vỏ đã bị xóa chữ nổi ở chóp bình mang các thương hiệu: ĐAI LÔC PETRO - GAS, AN BINH - GAS, VAN LOC - GAS, PETRO PHUC THAI - GAS, THIEN AN - GAS, các nhân viên kỹ thuật đem cưa, cắt các bình trên thì tất cả mọi người đều nhìn rõ các chữ dập nổi bên trong, qua đó, khẳng định rằng, các vỏ bình gas đó, thực chất là của các hãng: Vina - gas, Petrolimex, VM - GAS, HONG HA - GAS, GIA ĐỊNH - GAS!
Thông qua báo chí, các doanh nghiệp cùng các thành viên của Hiệp hội Gas Việt Nam khuyến cáo người tiêu dùng trước khi sử dụng sản phẩm gas, hãy chú ý lựa chọn theo các tiêu chí sau: - Các đại lý phải có số điện thoại cố định, là cửa hàng của chính hãng hoặc ít nhất phải có địa điểm kinh doanh rõ ràng, đồng thời phải có Hợp đồng hoặc được sự ủy quyền của doanh nghiệp đầu mối.
Riêng các bình gas sản xuất từ 2006 trở lại đây, nếu trên chóp bình (dưới van) không có hàng chữ dập nổi thì không nên sử dụng…
Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi tiêu cực trong kinh doanh gas.
Trước mắt, cần phải thu hồi và tiêu hủy toàn bộ những “quả bom nổ chậm” kia, đồng thời, những “tác giả” làm ra nó cũng phải chịu hình phạt tương xứng về hình sự lẫn kinh tế.