Những nữ thần “Made in Việt Nam” trong quan niệm cổ nhân (Kỳ 2)

Trong quan niệm của cổ nhân xưa, có sự giao hòa giữa Phật pháp và tín ngưỡng bản địa. Điều đó thể hiện rõ nét qua kiến trúc độc đáo của một số chùa ở Bắc Ninh.

Khi nàng Man Nương sinh con gái, nhà sư đem gửi vào thân cây. Chi tiết này không chỉ gợi nhớ lại hình ảnh đức Phật ngồi giác ngộ dưới gốc Bồ đề, mà còn chứng tỏ tín ngưỡng “đa thần” của cổ nhân. Trong quan niệm đó, tất cả những sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên đều có thể trở thành thần: Mây, mưa, sấm, chớp, cây cối, núi, sông… đều có những vị thần ngự trị. Gốc Dung thụ già cũng là thần, được nhà sư đặt đứa trẻ vào và dặn: “Ta gửi con Phật, người giữ lấy cũng thành Phật đạo”, ý rằng thần cây nếu khéo tu cũng sẽ thành Phật. Sau này, khi thân cây được tạc thành các vị nữ thần, lời dạn trên đã ứng nghiệm.

Tượng Phật Mẫu Man Nương

Sau khi gửi đứa trẻ, nhà sư trao cho Man Nương cây gậy phép rồi mới ra đi. Từ đó, Man Nương có khả năng cứu vớt chúng sinh. Thực chất, khi đã được Phật pháp cảm hóa, bà đã có quyền năng từ lúc đó. Nhưng nhà Phật đề cao chữ “duyên”, cái duyên chưa tới nên bà chưa thể thành Phật. Bà ở lại trụ trì chùa chính là để đợi cơ duyên, khi cây Dung thụ mang trả lại những đứa con cho mình.

Từ thân cây Dung thụ, 5 vị Phật đã đã được tạo tác gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và Thạch Quang Phật. Như trên đã nói, các vị thần trong tín ngưỡng cũ đã được đẩy lên một tầm mới, trở thành những vị Phật dân gian để cứu độ chúng sinh.

Trong 5 người con Phật, chỉ có Thạch Quang là không rõ giới tính, không thành hình người. Tuy nhiên, ai cũng hiểu đó là linh khí của người con gái đầu tiên tạo thành. Thậm chí, Thạch Quang còn là đá, chắc chắn, bền vững hơn những người chị em được hình thành từ cây. Búa rìu có thể dụng vào được thân cây nhưng đụng vào Thạch Quang là mẻ. Trong truyền thuyết Tứ Pháp, không chỉ có triết lý Phật giáo hiện diện mà còn có các quan điểm triết học của cổ nhân. Điều này thấy rõ qua việc từ cha mẹ Phật tạo thành 5 con Phật. Đó chính là nguyên lý âm dương, ngũ hành, mà nếu xét đến cùng thì nguyên lý đó được cổ nhân quan niệm là bao trùm lên vạn vật.

Tìm hiểu khá kỹ về truyền thuyết Tứ Pháp để thấy rằng dù giao hòa với Phật giáo, tôn thờ các vị thần nhưng hệ thống tín ngưỡng vẫn không tách rời đời sống tâm linh người Việt, vẫn mang đậm màu sắc của nền văn minh lúa nước. Theo quan niệm trồng trọt của cổ nhân, trong bốn mùa yếu tố thiết yếu để vụ mùa tươi tốt là “nước, phân, cần, giống” thì nước là hàng đầu. Các vị Phật Tứ Pháp đươc thờ phụng, hợp lại sẽ làm ra mưa. Bởi theo quan sát của người xưa, khi mây tụ lại rồi sấm, chớp và sau đó là mưa xuống. Có thể thấy rằng tuy là các vị Phật nhưng tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là để giải tỏa một nhu rất cầu thiết yếu của con người.

Kiến trúc độc đáo “tiền Mẫu hậu Phật”

Đầu tiên, Phật Tứ pháp chỉ được thờ trong các chùa ở một số vùng thuộc Bắc Ninh. Nhưng ngày nay, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp phổ biến tại nhiều vùng thuộc đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định… Theo nhiều tài liệu ghi chép, những ngôi chùa thờ Tứ Pháp vào buổi sơ khai đều có kiến trúc khá độc đáo, chỉ có một ngọn tháp ở khu vực trung tâm. Sau đó, nhiều thế kỉ, đến thời phong kiến thịnh trị, các ngôi chùa Tứ Pháp mới được hoàn thiện như ngày nay. Một số chùa vẫn còn giữ được bậc cửa bằng đá chạm hình tượng rồng và sấm, một số bộ vì vì kèo chạm khắc gỗ với các đề tài rồng, nhạc công, vũ nữ, phỗng, hoa lá, mây, sóng… mang đậm phong cách kiến trúc thế kỷ 12, 13.

Các ngôi chùa Tứ pháp thường tọa lạc trên những địa thế đẹp, có diện tích rộng, thoáng đãng. Không gian chùa mở rộng để dễ dàng cho người dân chiêm bái và tổ chức các lễ hội. Giữa các khối nhà bố trí vườn hoa, cây cảnh. Các khu vực nhà phụ làm nơi sinh hoạt của Tăng, Ni và thờ Tổ thường được bố trí xung quanh ẩn nấp vào cây xanh tạo nên cảnh sắc thiên nhiên giữa đạo với đời.

Chùa Dâu - đặc trưng của kiến trúc thờ Phật Tứ Pháp

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt quan trọng với các ngôi chùa thông thương. Kiến trúc Phật giáo thường tồn tại thao bố cục “tiền Phật hậu Mẫu” nghĩa là tượng Phật được thờ ở gian chính, phía trước, các thánh Mẫu được thờ ở phía sau. Riêng các ngôi chùa thờ Tứ Pháp thì lại bố cục “tiền Mẫu hậu Phật”.

Hệ thống tượng Tứ Pháp được đặt ở chính diện, tại vị trí trung tâm và được tạo tác với kích thước lớn. Một số chùa cũng thờ phụng các vị Phật khác nhưng có kích thước nhỏ hơn hoặc được thờ phụng ở các gian bên hoặc phía sau gian chính diện. Điều này cho thấy có những thời điểm, tại một số vùng miền, những vị Phật Tứ Pháp còn được coi trọng hơn các vị Phật nguyên mẫu. Có thể giải thích những khi mất mùa hay hạn hán, dân chúng tìm đến những hình tượng thánh có liên quan thiết thực đến lợi ích của mình. Đó là điều dễ hiểu. Ngày nay, hầu hết các công trình thờ Tứ Pháp đều được trùng tu lại, bố trí “tiền Phật hậu Mẫu”. Tứ Pháp vẫn được thờ trong chính diện nhưng các vị Phật tổ sẽ được thờ phụng ở phía trước.

Tượng Pháp Vũ - chùa Dâu

Tượng trong hệ thống kiến trúc Tứ Pháp đều rất cao lớn, tính ở tư thế ngồi thiền đã cao 1,5m, thường tạc ở tư thế thân thẳng, tay phải giơ lên, tay trái để trên đùi cầm chuỗi ngọc. Các pho tượng có tóc xoăn màu đen, tọa trên đài sen, gương mặt mang đường nét đẹp của những phụ nữ bình dị. Các pho tượng đều có thần thái hiền hòa, đức độ, tạo nên sự vững tâm hoan hỉ cho những chiêm hái. Theo một số ghi chép, các tượng Tứ Pháp thường sơn màu gụ bóng. Đây là màu phối hợp giữa màu đỏ và màu đen, tượng trưng cho máu là nguồn sống và sự huyền bí của các thế lực thần thánh. Trung tâm của hệ thống chùa Tứ Pháp là chùa Tổ, nơi thờ Phật Mẫu Man Nương. Ở hình tượng Man Nương, con người không chỉ tìm thấy tình thương, sự cứu giúp của bà đối với dân làng trong hoàn cảnh khó khăn hay có thể chỉ huy các hiện tượng tự nhiên, mà còn coi bà là Mẫu, một vị Phật với tư cách là mẹ, rất gần gũi với con người, luôn bao dung, độ lượng, che chở cho con người. Tục xưa, mỗi khi đến ngày kỵ của Phật Mẫu, trừ Thạch Quang Phật được ở cùng mẹ, thì các pho tượng Tứ Pháp đều được rước khỏi nơi thờ tự, để về chùa Tổ làm lễ chứng tỏ lòng hiếu thảo.

Nhưng chùa thờ Tứ Pháp trước kia thường được người dân tổ chức các lễ cầu đảo mỗi khi hạn hán. Theo truyền thuyết, mỗi khi cần cầu mưa, người ta rước tượng bà Pháp Vân ra khỏi chùa đầu tiên. Sau đó, rước đến tượng của các bà Pháp Lôi, Pháp Vũ, tập trung tại nơi thờ phụng bà Pháp Điện. Lúc đấy, nghi lễ cầu mưa mới được bắt đầu. Người dân tin rằng, những vùng miền nào rước chân nhang của Tứ Pháp về thờ thì nơi đó được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Và như vậy, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp với hệ thống các vị Phật: Phật Mẫu Man Nương và 5 vị con Phật, lần đầu tiên giáo lý nhà Phật đã trở nên gần gũi với cổ nhân. Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là niềm tin tâm linh của con người qua nhiều thời đại, bởi họ không chỉ là thần, là Phật, mà còn là người phụ nữ, người mẹ rất đỗi thân thương và thuần Việt.