Những nhóm nhạc Kpop bị đàn em lợi dụng để thu hút sự chú ý

Thay vì cố gắng nỗ lực, nhiều nhóm nhạc chọn cách đi đường tắt, đó là “dựa hơi” đàn anh đàn chị.

Gương mặt được đàn em "xướng tên chỉ điểm" thường là những nhóm nhạc, ca sĩ hàng đầu Kpop, có lượng fan đông đảo.

SNSD

Với tầm ảnh hưởng và độ nổi tiếng không thể chối cãi, SNSD là 1 trong số vài cái tên thống trị thị trường Kpop suốt thời gian dài và sở hữu lượng fan hùng hậu. Nhận ra sức ảnh hướng của SNSD, các tân binh Kpop vô tư "đụng chạm" đến 9 vị tiền bối tài năng xinh đẹp này nhằm thu hút sự chú ý.

Mới đây nhất là G-Friend, nhóm nhạc gây được sự chú ý khi một thành viên trong nhóm có gương mặt hao hao Jessica (cựu thành viên nhóm SNSD). Bước đầu được truyền thông chú ý, G-Friend gây “bão” bằng cách ra mắt MV Glass Bead giống Into The New World của SNSD đến 80-90%, từ trang phục, vũ đạo cho đến phong cách. Chưa dừng lại ở đó, trong phát ngôn mới đây nhất của nhóm, Sowon và Umji lại khéo léo nhắc tên SNSD và hứng trọn gạch đá từ dư luận.

SNSD

Đi lùi về quá khứ gần, Lovelyz – gà mới của Woolim Ent cũng từng bị chỉ trích sau những bài báo có tựa đề gây tranh cãi: “Woolim cho ra mắt nhóm nhạc đàn em của Infinite mang tên Lovelyz. Họ là SNSD thứ hai?”. Một số fan còn chỉ ra sự tương đồng về số lượng thành viên của Lovelyz và SNSD hiện tại (8 thành viên). Không chỉ thế, Lovelyz hướng đến hình tượng nữ sinh trong sáng giống hệt SNSD hồi mới ra mắt. Chính những điều này càng làm fan của SNSD tức giận vì cho rằng Lovelyz đang nhái lại SNSD để thu hút sự chú ý.

Ngoài ra còn rất nhiều nhóm nhạc thích "dựa hơi" SNSD như Nine Muses, Ze:A hay đặc biệt là CHI CHI - nhóm nhạc từng tuyên bố: "Mục tiêu của chúng tôi là vượt qua girlgroup mạnh nhất hiện nay, SNSD. Trở thành girlgroup số 1 châu Á là mục tiêu tiếp theo". Cao tay hơn CHI CHI, nhóm MR MR thậm chí ra hẳn ca khúc đá đểu SNSD khi nhóm nữ nhà SM comeback với ca khúc có tên là Mr.Mr. (giống hệt tên của MR MR).

Không dừng lại trong thị trường nội địa, ngay cả những idol mới ở xa tít tắp cũng tranh thủ, cố gắng dựa vào SNSD để câu kéo sự chú ý của dư luận. Super 7 đến từ Đài Loan tự gọi mình là phiên bản Đài Loan của SNSD, thậm chí còn lên mặt báo chê SNSD là “đồ nhựa”, ý nói SNSD phẫu thuật thẩm mỹ. Rồi nhóm nhạc Idol Girl của Trung Quốc, đạo SNSD đến 99% từ số thành viên, phong cách, trang phục, cách xếp đội hình, và vô tự mượn luôn bản hit Gee của SNSD đưa vào ca khúc Yen Dang Dang. Đến cả Việt Nam cũng có Yoon Q, thời gian đầu gây chú ý vì đạo nhái SNSD, cố tình hứng “đá” để nổi tiếng.

Super Junior

Ông hoàng của thị trường Kpop, từng khiến cả thế giới phát sốt và nhảy theo bản hit Sorry Sorry của nhóm cũng được đàn em ưu ái nhắc tên mấy lần. Tháng 3/2008, Kpop fan được dịp "mắt chữ A mồm chữ O" khi A'st1, một boygroup lạ hoắc, công khai thách thức các chàng trai nhà SM. Trong video ra mắt khán giả, A'st1 đã gây sốc khi giơ cao cuộn giấy to với dòng chữ thư pháp mang nghĩa: "Đánh bại Super Junior".

Chỉ một thời gian sau, A’st1 tan rã trong im lặng. Một cái tên khác là Topp Dogg cũng dính dáng đến Super Junior. Ngay từ khi Topp Dogg chưa hình thành, công ty quản lý Stardom Entertainment đã xác định sẽ tạo ra một "Hip Hop Super Junior". Stardom chủ động tuyển chọn 13 thành viên cho khớp với số người của Super Junior và lên kế hoạch tung ra các nhóm nhỏ với phong cách âm nhạc khác nhau. Tuy nhiên, cái mác "Hip Hop Super Junior" được Stardom "nhai đi nhai lại" khi giới thiệu về "gà" nhà không thể giúp Topp Dogg có được sự quan tâm, chú ý của dư luận.

2NE1

Đối thủ của SNSD cũng là cái tên đình đám được đàn em dựa nhiều lần. Đầu tiên là Evol, nhóm nhạc “diện kiến” fan Kpop với MV đầu tay We Are a Bit Different. Ngay khi MV đầu tay của nhóm này xuất xưởng, Evol đã bị cư dân mạng lên án tới tấp là “ăn theo” đàn chị 2NE1 vì phong cách na ná nhau.

Được PR khá mạnh tay trong những ngày mới debut, SONAMOO phần nào thu hút được sự chú ý và mong chờ của cộng đồng fan Kpop. Tuy nhiên, sẽ không có gì đáng nói nếu một bài viết về SONAMOO và có liên quan đến nhóm nhạc nữ nhà YG không được ra lò với tiêu đề: "Nhóm nhạc nữ sẽ đánh bại 2NE1". Bài báo này khiến SONAMOO thu về vô số anti-fan.

Hầu hết đều chỉ trích SONAMOO vì dám dựa hơi 2NE1. Trường hợp của SONAMOO với 2NE1 khá giống Lovelyz với SNSD khi cố tình dựa dẫm để ngoi lên nhờ các bài báo so sánh.

Bên cạnh đó, nhiều người còn “làm mới chiêu trò” bằng cách dựa hơi thành viên, cụ thể là Kemy của nhóm nhạc mới A.Kor. Ngày 3/8, Kemy tung lên mạng ca khúc Do the Right Rap khiến cư dân mạng lập tức sôi sục vì nội dung có ý ám chỉ tới Park Bom (2NE1) và nghi án buôn lậu ma túy của cô. Mới đây, Kemy lại “đổi tính đổi nết”, chính thức ra mặt gửi lời xin lỗi đến Park Bom vì “lỡ quậy và giờ không thể nào hiểu nổi hành động của quá khứ”, mong mọi người bỏ qua, đồng thời khéo léo nhắc về màn comeback sắp tới. Dư luận một lần nữa ngán ngẩm, họ thừa hiểu Kemy cố tình làm vậy chỉ để gây sự chú ý cho màn comeback sắp tới của A.Kor.

Big Bang

Nhóm nhạc nam đình đám cùng nhà với 2NE1 cũng bị dựa không kém gì đồng nghiệp. Mới đây, trong chương trình âm nhạc Show Me The Money 3, một thí sinh có tên Giriboy khiến fan của YG phẫn nộ khi trực tiếp đá đểu đàn anh Seungri bằng nhiều câu từ nhạy cảm trong các câu hát mà thí sinh này thể hiện.

Những nhóm nhạc dựa hơi tiền bối thời gian đầu đúng là đã đạt ý đồ khi được khán giả để ý, nhưng sớm tan rã hoặc tự chìm nghỉm bởi tài năng hạn hẹp. Có thể thấy, chiêu thức “ăn hôi” tiếng tăm chủ yếu vẫn được sử dụng bằng cách cố tình so sánh, đạo nhái, trực tiếp công kích, đá đểu, thách thức… cuối cùng cũng đạt được mục đích là “sự chú ý”. Nhưng nhìn vào kết quả của họ hôm nay rõ ràng thấy rằng, để trụ vững trong Kpop, chỉ có thể dựa vào chính năng lực chứ không thể “chỉ được cái miệng” như thuở ban đầu.