Trái cây khô hay trái cây sấy khô là nói về các loại củ quả mà lượng nước bên trong của nó đã rút cạn kiệt thông qua kỹ thuật sấy hay phơi tự nhiên. Sản phẩm co ngót ở dạng khô giòn, hay dạng kẹo nhưng vẫn giàu năng lượng, dưỡng chất.
Ví dụ, mận, sung, mơ, mít, xoài, nhãn, vải, dứa, việt quất, chuối, táo, khoai sắn … được sấy khô. Lợi thế của trái cây sấy khô là dễ bảo quản, tiện lợi khi sử dụng, nhất là trong trường hợp xa nhà, những chuyến đi dài ngày không có tủ lạnh để bảo quản.
Trái cây sấy khô là món ăn phổ biến trong mỗi độ tết đến.
Người muốn giảm cân
Do trái cây sấy khô qua chế biến đã được loại bỏ nước, nên hàm lượng calo cao hơn so với trái cây tươi, dễ dẫn đến tăng cân. Một cốc táo tươi nặng khoảng 112g có chứa 57 calo, trong khi một chén táo khô nặng khoảng 28g chứa 208 calo. Theo MayoClinic, trái cây sấy khô còn dễ khiến bạn ăn quá nhiều, do đó dễ khiến bạn phát phì.
Đây cũng là tình trạng dễ dàng gặp phải ở nhiều người, bởi loại thực phẩm này cực kỳ hấp dẫn. Vừa có vị thơm, vị ngọt lại đa dạng nên ăn không biết chán. Nhiều người dùng trái cây đã sấy khô làm đồ ăn vặt thường xuyên vì nghĩ rằng nó được làm từ trái cây tươi nên nó không làm ảnh hưởng tới cân nặng của mình. Đó hoàn toàn là một suy nghĩ sai làm. Trái cây được sấy khô còn nằm trong thực đơn của những người thân hình cò hương, có nhu cầu tăng cân mới sử dụng nhiều. Khi ăn các loại trái cây khô thì không nên tiếp tục bổ sung thêm các thực phẩm chứa đường khác.
Người có hệ tiêu hóa kém
Trong trái cây sấy khô có chứa rất nhiều chất xơ, chất xơ rất cần thiết để hệ tiêu hóa hoạt động được hiệu quả.Tuy nhiên, quá nhiều chất xơ sẽ khiến bạn bị đầy hơi, khó tiêu, đau bụng dẫn đến táo bón hoặc tiêu chảy nhất là với những người có hệ tiêu hóa kém. Chính vì vậy không nên ăn nhiều loại thực phẩm này cùng lúc, mà nên ăn một lượng nhỏ mỗi ngày. Trái cây được sấy khô rất cần thiết cho những người cần bổ sung chất xơ mà lại không thích ăn rau xanh.
Trái cây khô có chứa sulfite, nấm và độc tố?
Do các quy định về an toàn thực phẩm không được chấp hành tốt, do lỗi chủ quan của con người, do thời tiết và do bảo quản nên phát sinh những hợp chất bất lợi, nhất là bổ sung chất bảo quản sulfite giúp hạn chế mốc, khiến trái cây hấp dẫn hơn, không bị biến màu, nhất là nhóm trái cây có màu sắc rực rỡ như mơ và nho.
Tuy nhiên khi ăn vào dễ bị đau bụng, phát ban da và tăng nguy cơ hen suyễn. Để tránh ăn phải sulfite, nên chọn nhóm hoa quả khô có màu nâu hoặc xám thay vì nhóm đẹp mã.
Ngoài ra, trái cây khô khi xử lý, bảo quản cũng có thể bị nhiễm nấm, aflatoxin và các hợp chất độc hại khác. Do vậy, từ khâu chế biến đến bảo quản cần được thực hành đúng quy trình, nhất là ở những nơi nóng ẩm và không có các trang thiết bị bảo quản.