Những nghi án cung đình chấn động Việt Nam (Kỳ 2)

Tại sao những vị công thần bậc nhất triều Nguyễn lại bị giết hoặc mang án oan? Đó là câu hỏi lớn khiến hậu thế không ngừng tò mò, tìm lời giải đáp.

Cái chết của công thần bậc nhất Nguyễn Vǎn Thành

Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Gia Long đã giết hại vị công thần bậc nhất của triều Nguyễn lúc đó là Nguyễn Vǎn Thành. Vậy, thực hư chuyện này thế nào?

Theo sử sách, kỳ án Nguyễn Văn Thành xuất phát từ một bài thơ hàm tư tưởng phản nghịch của con trai và ông đã phải chịu trách nhiệm liên đới. Sách Kể chuyện các vua Nguyễn viết: Nguyễn Văn Thành có người con trai là Nguyễn Văn Thuyên, thi đỗ cử nhân, thường hay làm thơ để giao du với những kẻ văn sĩ. Bấy giờ nghe Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng hay chữ, Văn Thuyên bèn làm bài thơ sai tên Nguyễn Trương Hiệu cầm đi mời hai vị vào chơi. Bài thơ như sau: Văn dạo Á Châu da tuấn kiệt/ Hư hoài trắc dục cầu ty/ Vô tâm cửu bảo Kinh sơn phác/ Thiện tướng phương tri Ký bắc kỳ/ U cốc hữu hương thiên lý viễn/ Cao cương minh phượng cửu thiên tri/ Thư hồi nhược đắc sơn trung tế/ Tá ngã kinh luân chuyển hoá ky.

Dịch nôm là: Ái Châu nghe nói lắm người hay/ Ao ước cầu hiền đã bấy nay/ Ngọc phát Kinh Sơn tài sẵn đó/ Ngựa Kỳ kí bắc biết lâu thay/ Mùi hương hang tối xa nghìn dặm/ Tiếng phượng gò cao suốt chín mây/ Sơn tể phen này dù gặp gỡ/ Giúp nhau xoay đổi hội cơ này.

Với bài thơ này, Lê Văn Duyệt vốn hiềm khích với Nguyễn Văn Thành, đã nắm lấy cơ hội, vào tâu vua. Rồi Nguyễn Văn Thuyên sau khi bị bắt và tra tấn mấy ngày đêm, lại thú nhận có ý đồ mưu phản. Thế là các triền thần ủng hộ Lê Văn Duyệt thi nhau tố cáo Nguyễn Văn Thành, xin nhà vua nghiêm trị.

Đền thờ Tiền quân Nguyễn Văn Thành tại xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ ghi: Nguyễn Văn Thành đã bị tước hết ấn, về ở nhà riêng và tiếp tục chờ xử lý. Theo Việt Nam sử lượcQuốc triều chỉnh biên, vì quá uất ức, một hôm khi bãi triều, Nguyễn Văn Thành chạy theo nắm lấy áo Gia Long mà khóc rằng: "Thần theo bệ hạ từ thuở nhỏ đến bây giờ, nay không có tội gì mà bị người ta cấu xé mà lại không cứu?". Gia Long giật áo ra, bỏ vào cung, từ đó cấm Thành không được vào chầu và sai Lê Văn Duyệt đem Nguyễn Văn Thuyên ra tra hỏi một lần nữa. Nguyễn Văn Thuyên lại thú nhận tội của mình.

Nguyễn Văn Thành bị bắt giam ở trong trại quân Thị Trung để chờ đình thần xét án. Hôm đình thần tra án rồi, Thành ra nói với Thị Trung Thống Chế là Hoàng Công Lý rằng: "Án xong rồi, vua khiến tôi phải chết, nếu không chết thời không phải là tôi trung". Rồi ông uống thuốc độc chết ở trại quân.

Xung quanh cái chết của công thần bậc nhất Nguyễn Văn Thành có rất nhiều nghi vấn đặt ra. Có ý kiến cho rằng, sau khi giành được quyền thống nhất, một nỗi lo ngại ngày càng lớn trong lòng Vua Gia long. Thế lực của bầy tôi - công thần khai quốc sẽ dần lấn át ngôi vua của dòng họ Nguyễn. Gia Long bèn tìm cách trừ dần họ. Cái khó là "hại" thế nào cho phải đạo. Vua tôi cùng vào sống ra chết, kẻo nữa mang tiếng "chim hết cung bị vứt, thú chết chó săn bị giết".

Nguyễn Văn Thành là công thần đầu tiên được "chú ý". Việc ông đang làm Tổng trấn Bắc Hà bị Gia Long triệu hồi về kinh, bề ngoài giao trọng trách lớn nhất, nhưng bên trong để dễ kiềm chế, kiểm soát. Khi nhà vua ngỏ ý muốn lập hoàng tử thứ tư làm Thái tử, Nguyễn Văn Thành lại muốn lập Hoàng tôn Đán, con Đông cung Cảnh đã chết vì cơ nghiệp. Lúc đó, Vua Gia Long đã suy ra rằng: "Hắn muốn dựng vua nhỏ để sau này dễ khống chế. Ta há tối tăm lầm lẫn"... Và cuối cùng thì cơ hội đã đến với nhà vua nhân chuyện phản loạn của con trai Thành. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu không đồng tình với quan điểm trên. Việc Nguyễn Văn Thuyên có ý mưu phản thì Nguyễn Văn Thành - là cha thì phải chịu liên đới. Đó là lẽ thường trong cuộc sống.

90 năm án oan mang tên Thoại Ngọc Hầu

Lịch sử đánh giá Thoại Ngọc Hầu là một vị tướng tài, công thần hàng đầu của vua Gia Long, ngang với Nguyễn Vǎn Thành và Lê Văn Duyệt. Công lao lớn nhất của ông đó là khai phá miền Hậu Giang, chỉ huy việc đào kinh Vĩnh Tế nối liền Hà Tiên và Châu Đốc - một công trình vĩ đại trong lịch sử phong kiến. Tuy nhiên, cùng với những vinh hiển nhận được từ các vị vua triều Nguyễn, ông còn "nhận" được một án oan kéo dài suốt 90 năm mới được gột rửa.

Sử sách chép rằng, sau khi Thoại Ngọc Hầu mất đi, tấm lòng son sắt vì nước vì dân của ông gần như bị chính Vua Minh Mạng phủi sạch. Nguyên do là sau ngày Thoại Ngọc Hầu mất, quan Thị lang Tào Hình Bộ là Võ Du đi dò xét tình trạng dân Chân Lạp trở về đã báo cáo với quan Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt rằng, Nguyễn Văn Thoại khi lĩnh chức Bảo hộ, ngày thường bắt dân Chân Lạp đi lấy gỗ táu đem nộp mà không cấp tiền và gạo, lại bắt dân Chân Lạp làm việc tư, sửa đắp đường cái, để đưa đám chôn cất vợ.

Lê Văn Duyệt đem lời tố cáo ấy tâu lên triều đình, Vua Minh Mạng ra lệnh tịch thu gia sản và giao cho Bộ Hình nghiêm trị. Sau khi triều đình nghị án, ông bị truy giáng chức tước xuống hàm ngũ phẩm, con ông tên Nguyễn Văn Tâm bị lột ấm hàm; tất cả điền sản để lại đều bị tịch thu, phát mãi.

Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông tại chân núi Sam

Có lẽ cảm thấy khép tội Thoại Ngọc Hầu như thế hơi nặng nên Minh Mạng sai đình thần bàn xét lại án Thoại Ngọc Hầu. Tháng 5/1832, nhà vua xuống dụ chỉ truy giáng ông xuống hàm Chánh ngũ phẩm và đoạt lại chức tập ấm của con, duy các sắc tặng phong cha mẹ Nguyễn Văn Thoại được miễn thu hồi. Tang vật Nguyễn Văn Thoại đã sách nhiễu dân thì phải truy ra rồi lấy gia sản ấy mà truy cấp cho dân Chân Lạp.

Sau này, khi Vua Minh Mạng sai Lang trung Bộ Công là Lê Hựu đem sắc thư sang tuyên dụ Vua Chân Lạp, cho biết việc quan Bảo hộ Nguyễn Văn Thoại quấy nhiễu dân đã bị triều đình trị tội, Vua Chân Lạp nên kính cẩn giữ lễ, đừng bận lòng vì một quan chức hư hỏng. Nhưng Vua Chân Lạp dâng biểu nói rõ năm trước có việc đi lấy gỗ táu đem nộp thì dân đã lĩnh tiền và gạo của Nhà nước do Thoại Ngọc Hầu cấp rồi, vậy không cần phải cấp thêm nữa. Nhờ thế, Vua Minh Mạng mới biết rõ Thoại Ngọc Hầu không hề nhũng nhiễu dân.

Việc chưa yên thì người nghĩa tế (con rể) của Thoại Ngọc Hầu tên Võ Vĩnh Lộc, cưới con gái nuôi của ông tên (thị) Nghĩa, sau theo Lê Văn Khôi chống lại triều đình. Khi cuộc nổi dậy bị phá tan, vợ chồng Lộc đều bị bắt, bị giết. Nhà vua chỉ dụ cho bộ Hình điều tra mối quan hệ giữa Vĩnh Lộc và Thoại Ngọc Hầu. Bộ Hình yêu cầu quan tỉnh Gia Định tra hỏi sự việc thì rõ Thoại Ngọc Hầu không liên quan đến sự việc này.

Án của Thoại Ngọc Hầu càng trở nên tồi tệ hơn, khi vào tháng 3/1838, Nguyễn Văn Quang (là cháu họ của Nguyễn Văn Thoại, đồng thời là cháu nội của Khâm sai Thuộc nội Chưởng cơ Nguyễn Văn Bình) đã cùng Lê Văn Sơn (cháu họ của Lê Văn Duyệt) đang là tù phạm bị giam ở ngục tỉnh Gia Định, bàn mưu vượt ngục chiếm giữ thành phản lại triều đình.

Vua Minh Mạng phán rằng, Nguyễn Văn Quang là con cháu công thần ở Vọng Các, trước can án, triều đình chưa nỡ giết, còn để giam cấm, thế mà dám mưu đồ vượt ngục, lấy việc trước của Lê Văn Khôi làm khuôn mẫu, ý muốn chiếm thành làm phản, làm khổ nhân dân. Lê Văn Sơn là cháu Lê Văn Duyệt, phạm tội bị giam, muốn suy tôn lên để mưu khởi sự, cùng triều đình gây biến, mối họa không trừ thì mầm họa lại mọc. Vì vậy, Nguyễn Văn Quang, Lê Văn Sơn cùng 4 người khác bị kết án xử tử lăng trì. Ông của Nguyễn Văn Quang là Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Thoại cũng liên luỵ, bị triều đình lấy lại các văn bằng đã cấp. Với lần nghị án mới, Nguyễn Văn Thoại bị tước luôn hàm Chánh ngũ phẩm...

Mãi đến ngày 25/7/1924, vua Khải Định mới xét và chính thức truy phong ông Thoại là Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần. Như vậy, nỗi oan mà anh linh Thoại Ngọc Hầu và con cháu ông gánh chịu kéo dài tổng cộng 90 năm.

Còn nữa...