Những mỹ nhân tài sắc vẹn toàn trên màn ảnh Hoa ngữ

Võ Tắc Thiên, Lữ Trĩ, Đậu Y Phong, Mã Phức Nhã... là những mỹ nhân nổi danh trong lịch sử với trí thông minh và nhan sắc vẹn toàn.

Mã Phức Nhã (phim Khuynh thế hoàng phi)

Lâm Tâm Như trong "Khuynh thế hoàng phi".

Mã Phức Nhã là một nhân vật được hư cấu trong lịch sử, xuất thân là công chúa nước Sở. Hoàng thúc của nàng gây ra cuộc chính biến tàn khốc, phụ vương Phức Nhã bỏ mạng trong đám loạn quân. Mang trong mình mối hận, Mã Phức Nhã quyết tâm tìm cách khôi phục giang sơn, giành lại những gì thuộc về mình. Chính ý chí kiên cường và sự thông minh, tài giỏi của cô gái này đã làm rung động trái tim 2 vương tử - Mạnh Kỳ Hữu và Lưu Liên Thành.

Khác với nhiều hình mẫu công chúa yểu điệu thục nữ, dịu dàng nhu nhược, ẩn dưới vẻ ngoài ôn hòa của Mã Phức Nhã là một quyết tâm không gì lay chuyển được. Sống trong hậu cung từ bé, lại chứng kiến đủ những mất mát to lớn nhất cuộc đời, cô công chúa nhỏ Mã Phức Nhã không cam chịu số phận bị kẻ khác bắt nạt, đàn áp mà sẵn sàng "ăn miếng trả miếng". Nhưng ẩn sâu trong nàng luôn là trái tim nhân hậu của một "nữ thần y" từng được dân chúng nước Sở hết lòng kính phục.

Trần Kiều Ân vai Lữ Trĩ.

Lữ Trĩ (sau này là Lữ Hậu của nhà Hán) là một nhân vật lịch sử có thật. Qua bàn tay "xào nấu" của biên kịch Vu Chính, cuộc đời của bà đã bị "uốn nắn" đi ít nhiều. Trong Nữ nhân của hoàng đế, thoạt tiên Lữ Trĩ và Hạng Vũ là "một đôi trời sinh", tình cảm gắn bó tưởng như không thể chia lìa. Tuy nhiên vì một biến cố mà họ đành xa cách. Hạng Vũ lấy Ngu Cơ - em gái nuôi của Lữ Trĩ còn bản thân Lữ Trĩ trở thành hậu phương vững chắc cho Lưu Bang.

Dù bị "biến tướng", nhưng những đóng góp của Lữ Trĩ trong việc giúp Lưu Bang lên ngôi là điều không thể phủ nhận. Bà là người giỏi giang, đảm đương chu toàn việc "tề gia" và phò trợ Lưu Bang trị quốc.

Trong Nữ nhân của hoàng đế, Trần Kiều Ân bật mí rằng, cô sẽ thể hiện Lữ Trĩ theo hướng nhân hậu, giàu tình thương nhưng vẫn luôn kiên định và mạnh mẽ.

Đậu Y Phòng (Mỹ nhân tâm kế)

Đậu Y Phòng là hình mẫu phụ nữ cung đình gần giống như Lữ Trĩ, là Hoàng hậu nhà Hán, tích cực ủng hộ việc lên ngôi của Lưu Hằng và gắn bó với đức lang quân từ thuở hàn vi. Sự thông minh, khôn khéo và mưu trí của nàng từng bị quần thần dưới trướng là Lưu Hằng hiểu lầm, coi nàng là "hồng nhan họa thủy". Nhưng may mắn, Đậu Y Phòng luôn có một người chồng hết lòng yêu thương và tin tưởng.

Như Lữ Hậu, Đậu Y Phòng được hai người đàn ông hết lòng yêu thương. Nhưng nàng hạnh phúc hơn Lữ Hậu vì Lưu Doanh - "người thứ ba" thầm lặng - không đối đầu mà hết lòng hy sinh, không tiếc tính mạng bảo vệ nàng.

Trên cương vị người chủ hậu cung, Đậu Y Phòng không chỉ khiến Lưu Hằng yên lòng mà còn là một cánh tay trợ giúp đắc lực cho chàng trong công việc trị nước.

Võ Tắc Thiên (Mỹ nhân thiên hạ)

Sự cơ trí và tham vọng của Võ Tắc Thiên được bộc lộ rõ nét từ khi vẫn còn là một tài nhân. Dù nhiều hành động của bà được đánh giá là quá tàn nhẫn song những đóng góp và sách lược bà đưa ra là những minh chứng rõ nhất cho tài năng của bậc kỳ nữ này.

Đại Ngọc Nhi (Mỹ nhân vô lệ)

Đại Ngọc Nhi (hay Trang Phi, Hiếu Trang hoàng hậu sau này) được biết đến với danh xưng mỹ miều "đệ nhất mỹ nữ Mãn - Mông". Người con gái này không chỉ có nhan sắc lay động lòng người mà còn vô cùng thông minh, thông thạo ba thứ tiếng Mãn, Mông, Hán.

Không chỉ có công sinh ra hoàng tử Phúc Lâm (hoàng đế Thuận Trị sau này) mà chính cách xử lý mềm mỏng, khéo léo đầy nữ tính của bà đã giữ cho nhà Thanh một thời kỳ "sóng yên bể lặng" sau khi Hoàng Thái Cực qua đời.

Nhiều người đánh giá, dù không "nổi đình nổi đám" như Từ Hy thái hậu song tài trí và mưu lược của Đại Ngọc Nhi còn hơn hẳn hậu bối.

Năm 2012 được đánh giá là một năm "nữ quyền" khi một loạt phim lấy đề tài về các nữ anh hùng đang chờ ngày lên sóng. Các bạn sẽ được gặp lại Hoa Mộc Lan (Hầu Mộng Dao trong Hoa Mộc Lan truyền kỳ), Phàn Lê Huê (Tần Lam trong Đại Đường nữ tướng Phàn Lê Huê) hay nữ thừa tướng Lục Trinh (Triệu Lệ Dĩnh trong Nữ tướng).