Những mỹ nhân làng điện ảnh Việt thập niên 1950

Thập niên 1950, điện ảnh thương mại của miền nam phát triển rất mạnh, cùng nhìn lại những tên tuổi diễn viên vang bóng một thời.

Một thế hệ diễn viên đa sắc thi nhau đua tài như: Lê Thị Nam (phim Đồng ruộng miền Nam, 1958), Kim Cương (phim Lòng nhân đạo, Ngọc Bồ Đề), Trang Thiên Kim (phim Mục Liên Thanh Đề, Trương Chi…), Kim Lan (phim Người Mẹ hiền…), Thu Trang (phim Lục Vân Tiên), Mai Trâm (phim Chúng tôi muốn sống), Khánh Ngọc (phim Ràng buộc, Ánh sáng Miền nam…), Xuân Dung (phim Kim trai thời loạn), Kim Hoàng (phim Tiền thân Đức Phật Tổ), Thiên Kim (phim Huyền Trân Công Chúa), Túy Phượng (phim Thạch Sanh Lý Thông), Bích Sơn, Kiều Hạnh, Tuyết Anh, Bạch Xuyến, Huỳnh Thanh, Giáng Hương… Tác giả kỳ này giới thiệu đến bạn đọc một số nhan sắc trong làng điện ảnh Việt giữa thập niên 1950.

Năm 1952 tại Hà Nội, ông Lưu Trạch Hưng thành lập hãng phim Việt Ảnh Mỹ Vân, đã quay cuốn phim đầu tiên với tên Cô gái Việt để khai trương, và hai diễn viên là Lan Hương, Thanh Hương là tài tử chánh (không phải đào cải lương Thanh Hương ở trong Nam). Như vậy coi như Lan Hương và Thanh Hương là 2 nữ tài tử điện ảnh đầu tiên của hãng Mỹ Vân.

Cô Kim Chung

Một cuốn phim khác cũng ra đời trong giai đoạn mới này do một người đang kinh doanh hoạt động cải lương: Bầu Long của đoàn cải lương Kim Chung, Hà Nội. Ông dẫn đào kép qua Hồng Kông quay phim Kiếp hoa đem về chiếu từ Bắc vào Nam, hốt bạc khá nhiều! Diễn viên nữ chính trong phim này là Kim Chung và Kim Xuân.

Kiếp hoa là bộ phim Việt Nam do Công ty Kim Chung Điện ảnh sản xuất năm 1953 tại Hà nội. Lúc bấy giờ là thời hoàng kim của sân khấu cải lương, phim ảnh vẫn còn là bộ môn nghệ thuật tương đối xa lạ ở Hà Nội. Chưa có đạo diễn, chưa có nhà quay phim. Kiếp hoa là dự án phim mang tính gia đình. Bầu Long (Trưởng đoàn hát Kim Chung) viết kịch bản, nữ diễn viên chính - vai Ngọc Lan - do diễn viên Kim Chung (vợ bầu Long) đảm nhận. Kim Xuân (em dâu của bầu Long) vào vai thứ chính Ngọc Thủy. Bộ phim chuẩn bị từ năm 1952, có tới 300 truyện dự thi nhưng bầu Long chọn được kịch bản “Kiếp hoa”.Lúc đầu bộ phim định giao cho đạo diễn nổi tiếng của Pháp là ông Claude Bernard nhưng do những giới hạn về kinh tế, ông này không thể ở lâu làm phim mà chỉ đào tạo căn bản về nghệ thuật thứ 7 cho các diễn viên và ê kíp làm phim người Việt.Còn bầu Long phải hợp tác với ê kíp làm phim của Hương Cảng. Bộ phim Kiếp hoa thời đó rất "đình đám". Nhà sản xuất đã thuê máy bay rải các tờ bướm để quảng cáo. Tiền đầu tư là toàn bộ doanh thu từ các đêm hát của Đoàn cải lương Kim Chung. Tiền thu được sau khi công chiếu bộ phim thì đủ để ông bầu sắm được một ngôi biệt thự trên phố Nguyễn Du (Hà Nội). Bộ phim Kiếp hoa không chỉ làm sáng đèn ở các rạp Hà Nội, mà còn Nam tiến vào Sài Gòn và khắp các rạp tỉnh miền Tây. Bộ phim rất ăn khách , chỉ trong một thời gian ngắn đã thu được 8 triệu đồng. Ca khúc Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là ca khúc chính trong phim, và nó đã trở nên nổi tiếng, “ nằm lòng” nhiều thế hệ người yêu nhạc từ đó đến nay. Bản lưu của bộ phim này được bà Kim Chung khi còn sống trao tặng cho Viện tư liệu phim Việt Nam lưu giữ.

Cô Kim Chung trên sân khấu cải lương

Cô Kim Xuân

Kim Chung hát nhạc và cải lương đều thành công.Cô thành công nhất bên tân nhạc là các ca khúc: Đoàn lữ nhạc của Đỗ Nhuận và Chiều vàng của Nguyễn Văn Khánh được thu vào dĩa nhựa. Sau đó dĩa Asia có thu bản: Học sinh hành khúc và Lòng mê Việt Nam của Lê Thương. Bản đầu Kim Chung hát chung với Lê Thương, bản sau cô đơn ca. Quả thật cái mỹ danh "tiếng chuông vàng thủ đô" quả không ngoa chút nào. Tiếng của cô trong như chuông, tuy vang lộng mà dịu ngọt, ngập tràn cái âm sắc nữ tính kiều mỵ. Kim Chung đóng chính trong phim “Kiếp hoa” với Trần Quang Tứ, Ngọc Toàn, Tuấn Sửu và Kim Xuân. Bên sân khấu cải lương, cô luôn luôn đóng vai chính mà toàn những vai sắc nước hương trời như vai mỹ nhân trong tam hoàng tử tranh hôn, vai Điêu Thuyền trong Phụng Nghi Đình, vai Tây Thi trong Phạm Lãi Tây Thi, vai Thôi Oanh Oanh trong Tây Sương Ký, vai Thúy Kiều trong Kim Vân Kiều, vai Mạnh Lệ Quân trong Tái Sanh Duyên, Thúy Kiều trong Kim Vân Kiều….Kim Chung vào Nam sau năm 1954, gánh của cô trụ diễn tại rạp Aristo và Olympic một thời gian khá dài…và là một trong những đại ban cải lương góp phần tạo ra hàng loạt ngôi sao sóng mãi cùng năm tháng cho đến tận hôm nay như: Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ...
 

Các hình ảnh của cô Kim Lan chụp cùng Kim Cương, Kim Cúc và Bảy Nhiêu

Kim Lan là một ngôi sao sáng, đẹp trên sân khấu Cải lương, điện ảnh và kịch nói. Phim “Người mẹ hiền” là bộ phim ghi đậm dấu ấn của Kim Lan những năm cuối thập niên 1950. Nữ nghệ sĩ Kim Lan thuở nào được báo chí mệnh danh nào là Danielle Darriuex Việt Nam, nào là khôi nguyên sân khấu miền Nam. Sau năm 1954, gánh Việt Kịch Năm Châu mà cô đã cộng tác gần 8 năm, tan rã, cô xoay qua đóng phim, chuyển âm các phim Nhật Bổn, Ấn Độ, đóng thoại kịch. Lâu Lâu, kép lão thành Năm Châu cùng nữ nghệ sĩ Bảy Phùng Há và Kim Cúc có tổ chức một cuộc hát hội, có mời Kim Lan đóng góp một vai. Hát hội tức là gom một mớ đào kép lừng danh nhưng không còn sân khấu làm đất dụng võ nữa, rồi thuê rạp và tranh cảnh, ban nhạc để tổ chức một buổi trình diễn đặc biệt vở tuồng cải lương chọn lọc. Về điện ảnh, sau khi rời bỏ sân khấu, song song với công việc chuyển âm cho phim trường Mỹ Vân, Kim Lan đóng được 3 cuốn phim là "Quan Âm Thị Kính", "Những Tấm Lòng Vàng", và "Người Vợ Hiền". Sau cùng vì tuổi đời chồng chất, cô phải bán khoai luộc, bắp luộc, trong khi chồng cô là nhạc sĩ Ba Y phải làm nghề chở rau cải từ Đà Lạt về Sài Gòn. Vì con đông, cô sống khá chật vật và gian khổ. Có lần cô ăn cháo lòng ở chợ Tân Định, dáng lam lũ như một người đàn bà mua thúng bán bưng khác. Một khách mộ điệu nhìn ra cô, bèn nói pha lửng cầu vui: phật bà Quan Âm mà cũng ăn cháo lòng ở chợ chồm hỗm này sao! Sau năm 1975, Kim Lan đi theo các gánh đại ban, không đóng tuồng, mà chỉ lãnh phần giữ trang phục cho gánh. Cô không chịu đóng vai già xấu, cốt giữ hình ảnh cao sang thanh thoát thuở còn xuân sắc của mình trong tâm tưởng của khách mộ điệu đã từng say mê cô.

Nói về bộ phim Quan Âm Thị Kính ăn khách giai đoạn này của hãng phim Việt Thanh: Vừa là chủ Ðoàn Việt Kịch Năm Châu, nghệ sĩ Năm Châu lại làm ăn được phía bên điện ảnh, và ở lĩnh vực này ông thành công ngay buổi đầu. Khoảng 1956 Năm Châu hợp tác với hãng phim Việt Thanh quay cuốn phim “Quan Âm Thị Kính”, mà thành phần tài tử nòng cốt là người trong gia đình ông nắm trọn hết. Bà Kim Cúc vợ của Năm Châu là đào lẳng, độc mà nghe qua giọng phát âm là người ta biết ngay là “độc” rồi, nên bà được giao cho vai Thị Mầu. Nhân vật chính Thị Kính thì do Kim Lan (em ruột của bà Kim Cúc) đảm trách, và ông già vợ của nghệ sĩ Năm Châu là nghệ sĩ Bảy Nhiêu thì đóng vai Sư Cụ chùa Vân. Còn riêng nghệ sĩ Năm Châu thì trong vai Thầy Hương Quản, ngoài ra vài vai phụ khác cũng giao cho bà con thân thuộc.

Cô Bạch Xuyến

Poster phim Bụi đời

Bạch Xuyến được khán giả biết đến trong phim “Tấm Cám” của hãng Việt Thanh. Nhưng cô nổi tiếng nhờ bộ phim đầu tay của đạo diễn Lê Mộng Hoàng- “Bụi đời”,nét diễn xuất của Bạch Xuyến được ngợi khen trong vai người mẹ trẻ từ bộ phim này.Danh hiệu người đẹp của Trường Sơn Điện Ảnh gắn liền với cô từ đấy.

Cô Trang Thiên Kim

Xuất thân là tiếp viên hàng không của hãng hàng không Việt Nam. Trang Thiên Kim tham gia làng điện ảnh những năm cuối thập niên 1950 rất tình cờ. Cô xem báo thấy tuyển lựa tài tử, Trang Thiên Kim đến hãng phim xin đóng thử, chỉ 3 ngày sau cô đã thành tài tử.Vai diễn đầu tiên của cô là phim “Mục Liên Thanh Đề”. Tháng 7/1957 phim ra mắt sau một tháng khởi quay, Thiên Kim trở thành diễn viên được nhiều người biết đến.Trang Thiên Kim là diễn viên được các nhà làm phim săn đón. Các phim mà Trang Thiên Kim tham gia được khán giả yêu thích là “Mục Liên Thanh Đề”, “Trương Chi”… Đang là một ngôi sao sáng trong buổi đầu của nền điện ảnh non trẻ, Trang Thiên Kim đột ngột đi du học tại Mỹ để lại biết bao tiếc nhớ, ngẩn ngơ trong lòng khán giả Sài Gòn mộ điệu.

Thu Cúc - nữ diễn viên chính trong bộ phim “Hương thề chưa dứt”.Sinh ngày 18/11/1939.Thu Cúc xuất thân từ gia đình khá giả, hấp thụ văn hóa Tây Phương, tính tình cô rất tự nhiên và đây cũng là lợi thế để cô đem vào diễn xuất. Được phát hiện từ một cuộc tuyển lựa diễn viên qua hình trên tờ báo Nhân Loại. Cô được hãng Alpha chú ý mời thử vai cho bộ phim đầu tay có tựa là “Đôi uyên ương”, nhưng bộ phim không thực hiện. Phim “Hương thề chưa dứt” là bộ phim đầu tay của cô và cũng là bộ phim giúp cô nổi tiếng trong năm 1957.

Cô Tuyết Vân

Tuyết Vân cũng nổi danh từ Hương thề chưa dứt. Sinh quán tại Mỹ Tho, Tuyết Vân vào nghề từ cuộc tuyển lựa ca sĩ tại rạp Norodom (về sau gọi là rạp Thống Nhất) do đài Pháp Á tổ chức đã giới thiệu được những tài năng mới như: Hoàng Yến, Bích Thủy, Vân Hùng, Tùng Lâm, Tuyết Vân…. Cô gia nhập ban nhạc của Lê Thương với nghệ danh là Bích Giang. Tuyết Vân có giọng hát mềm dịu và trong trẻo và có nhan sắc thật tươi sáng, thật đoan trang thùy mị. Năm 20 tuổi đã là một ca sĩ tân nhạc, rồi diễn viên kịch của ban Dân Nam có chút tiếng tăm, Tuyết Vân bước vào làng điện ảnh qua bộ phim đầu tay Hương thề chưa dứt do Thái Thúc Nha làm đạo diễn.Trong phim này cô và Anh Tứ diễn nhiều đoạn tình cảm rất ấn tượng và kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Khán giả giai đoạn những năm 1953-1959 rất yêu thích Tuyết Vân qua nhạc phẩm “Con thuyền không bến” và vở kịch “Ông chủ mới” của ban Dân Nam. Tuyết Vân vừa đóng kịch vừa ca hát, bên cạnh Túy Phượng lúc đó đang độ thanh sắc lẫy lừng. Nhưng Tuyết Vân vẫn có cái bản sắc riêng, không kém Túy Phượng về tài diễn kịch lẫn nhan sắc. Khi qua cộng tác cho ban Kim Cương thì Tuyết Vân đột nhiên bị phá tướng, cô đã bị mập nặng nề, lại mất tiếng, nên ca hát không trôi nữa. Thế là Vân đành giải nghệ, bởi sân khấu thoại kịch Kim Cương lúc này vai lẳng độc dành cho Kim Vui, còn vai nhì dành cho Túy Hồng, vai mụ dành cho các bà Bảy Nam, Bảy Ngọc, Ba Ngọc Anh. Tuyết Vân không còn vai nào để đảm nhiệm nữa.

NSND Kim Cương và Cố NSND Bảy Nam lúc trẻ

Nữ nghệ sỹ ăn khách nhất, đạt kỷ lục về số vai diễn là NSND Kim Cương bây giờ. Kim Cương nổi danh lúc bấy giờ là Kỳ nữ, Kim Cương đóng rất nhiều phim mà đều là những phim ăn khách nhất giai đoạn này như: "Lòng nhân đạo", "Ngọc bồ đề", "Giọt máu rơi", "Trương Chi Mỵ Nương"...

Ngoài những diễn viên trên thời kỳ này còn vụt sáng những tài danh như: Thu Trang, Khánh Ngọc, Túy Phượng, Bích Sơn...Cuối thập niên 1950, vùng trời điện ảnh xuất hiện hai ngôi sao sáng chói nhưThẩm Thúy Hằng và Kiều Chinh.