Tác phẩm lấy bối cảnh mùa đông Hà Nội – nơi cơn rét len lỏi qua những con phố và làm lòng người buồn se sắt. Trong tiết trời lạnh giá, giữa không gian xám buồn ấy, Người Cha – ông lão nghèo vẫn ngày ngày đi bán bóng bay dạo trên chiếc xe đạp cũ nát.
Người Cha có cô con gái đã trưởng thành, hàng tháng vẫn gửi tiền sinh hoạt đều đặn về cho ông. Nhưng ông lão không hề dùng đến một đồng mà luôn để dành lại đó. Ông vẫn đạp xe trong gió lạnh của mùa đông để bán bóng bay, trở về nhà ăn gói mì tôm qua ngày. Tất cả sự tằn tiện và khổ cực ấy chính là ước mong con gái luôn hạnh phúc.
Điều thú vị là vai người cha trong phim do nhà thư pháp Vũ Ngọc Kỳ - cháu ruột của nhà thơ Vũ Đình Liên - đảm nhận.
Hình ảnh ấn tượng trong bộ phim chính là chùm bóng bay rực rỡ sắc màu giữa không khí ảm đạm và nhạt một màu xám của mùa đông Hà Nội. Đó cũng chính là sợi dây níu giữ tuổi thơ của cô con gái.
Những mùa đông khác có nhiều phân đoạn rất cảm động và chân thật. Đó là nỗi buồn xen lẫn thất vọng của người cha khi lần nào mở thư con gái gửi về cũng chỉ là những đồng tiền lạnh lẽo, không có lấy một dòng nhắn hỏi. Hay là cảnh người cha thẫn thờ trước mâm cơm đạm bạc, chốc chốc lại ngước nhìn đồng hồ ngóng trông con về. Những hình ảnh đối lập đan xen nhau - đôi giày cũ nát của người cha và đôi guốc cao gót đỏ chót, hào nhoáng của đứa con; mùa đông lạnh và chùm bóng bay rực rỡ - đem đến cho khán giả nhiều cảm động khi nghĩ về người cha của chính mình.
Ngay đầu phim, những người sản xuất đã dẫn một câu nói rất hay của J.F.Balde: “Khi người cha cho con, cha con cùng cười. Khi người con cho cha, cha con cùng khóc”.
Hãy xem để cảm nhận tình cảm của mỗi người cha dành cho những đứa con của mình nhé.
Câu chuyện về người cha và con gái chắc chắn khiến nhiều người cảm động.