Những laptop tầm trung đáng mua

Lenovo G580, HP Pavilion Chromebook 14, Asus Transformer Book T100 và Toshiba Satellite U845T đều có mức giá tương đối dễ chịu.

Lenovo G580

Với mức giá khá “mềm”, Lenovo G580 cho khả năng xử lý tương đối tốt với các tác vụ thiết yếu như lướt Web, dùng mạng xã hội, e-mail, soạn thảo văn bản, nghe nhạc/xem phim hay thậm chí chỉnh sửa ảnh/video ở cấp độ thấp. Tốc độ khởi động của Lenovo G580 nhanh nhờ chạy trên nền tảng hệ điều hành Windows 8. Máy có bàn phím đầy đủ và được tích hợp cả ổ quang. Loa và webcam chạy “ngon”. Tuy nhiên, về tổng thể thiết kế máy khá dày và nặng. Pin của Lenovo G580 chạy chưa được 4 tiếng – tương đối thấp với một chiếc laptop thông thường. Do máy sử dụng Windows 8 – vốn tiện dụng hơn với các loại màn hình cảm ứng – nên việc điều khiển bằng chuột chạm thông thường có thể khiến người dùng cảm thấy bỡ ngỡ lúc đầu. G580 có khá nhiều phiên bản với các mức cấu hình khác nhau. Tuy nhiên, với cấu hình như ở dưới đây thì máy có giá gần 500USD.

So với những mẫu laptop “yếu liễu đào tơ” thì G580 khá dày dặn, mà cũng nhờ thế mà bàn phím của máy xem ra có vẻ chắc chắn hơn. Kích thước và kiểu dáng phím bấm cũng thuận tiện, nói chung là tốt duy chỉ có phím Shift phải là hơi lỏng một chút. Tất nhiên, bàn phím của máy không có blacklit như hầu hết các mẫu máy bình dân khác. Tuy nhiên, máy vẫn được trang bị phần mềm khôi phục và backup hệ thống oneKey của Lenovo, vốn chỉ xuất hiện trên các dòng máy cao cấp. Màn hình của G580 chỉ là LCD với độ phân giải gốc 1,366x768 pixel – xem ra khá lạc lõng trong thời màn hình HD ngày nay.

Cấu hình cơ bản của G580 gồm vi xử lý Intel Core i5 i5-3210M / 2.5 GHz ( 3.1 GHz ) ( Dual-Core ), RAM 4GB, ổ cứng 500 GB - Serial ATA-300, màn hình 15,6-inch (1366 x 768 pixel), đồ họa Intel HD Graphics 4000, ổ quang DVD, hệ điều hành Windows 8. Giá tham khảo: 499USD.

HP Pavilion Chromebook 14

HP Pavilion Chromebook 14 là một trong số ít mẫu laptop chạy hệ điều hành Chrome của Google. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi máy này khó dùng và phải mất thời gian thì mới quen dùng được. Tuy thuộc dòng Chromebooks nhưng mẫu máy này lại trông giống một chiếc laptop cổ điển hơn với màn hình lớn và thiết kế gọn nhẹ. Tuy nhiên, so với các mẫu Chromebooks khác thì Pavilion Chromebook 14 có hiệu suất kém hơn và thời lượng dùng pin cũng ngắn hơn. Máy cũng không có kết nối băng rộng di động, vốn là tính năng không thể thiếu trên các mẫu máy Chromebooks khác.

Rõ ràng Pavilion Chromebook 14 là sản phẩm HP nhắm tới người dùng ít tiền nhưng vẫn đáp ứng đủ các yêu cầu sử dụng cơ bản. Nhờ có màn hình lớn 14-inch mà các thao tác duyệt web và sử dụng thông thường cũng dễ dàng và tiện dụng hơn. Tất nhiên, với mức giá chỉ có 329USD, người dùng không thể hy vọng máy có cấu hình cao. Thêm vào đó, hệ điều hành Chrome cũng không mấy thông dụng, nhiều tác vụ căn chỉnh có lẽ phải mày mò.

Cấu hình cơ bản của Pavilion Chromebook 14 bao gồm vi xử lý Intel Celeron 847 / 1.1 GHz (Dual-Core), RAM 2GB, ổ cứng 16GB, màn hình 14-inch (1366 x 768 pixel), đồ họa Intel HD Graphics, không có ổ quang, hệ điều hành Google Chrome. Giá tham khảo: 299USD.

Asus Transformer Book T100

Book T100 là một trong số ít các mẫu laptop bình dân chạy trên bản Windows 8.1 mới nhất. Máy có bàn phím đầy đủ, pin “trâu” và trên thực tế bạn khó có thể tìm thấy một chiếc máy nào “ngon” tương đương với cái giá 350USD. Tuy nhiên, Book T100 cũng có những yếu điểm nhất định, chẳng hạn như trải nghiệm bàn phím kém, máy to và màn hình không không sắc nét. Tuy vậy, T100 là một trong số ít các mẫu laptop được trang bị chip Bay Trail Atom mới hơn, cho hiệu suất tốt hơn và pin bền hơn. Tuy có màn hình cảm ứng độ phân giải 1,366x768-pixel nhưng chất lượng không được tốt lắm.

Nếu là một chiếc tablet thì T100 tương đối ổn, nhưng nó vẫn dày hơn và lớn hơn so với iPad hoặc một chiếc tablet Android thông thường. Máy không quá nặng nhưng thiết kế của nó cho người ta cảm giác đặt trên mặt bàn thì tiện dùng hơn cầm trên tay. T100 là dạng máy lai, có nghĩa bàn phím và màn hình có thể tách rời được – khi đó máy sẽ thành một chiếc tablet dùng màn hình cảm ứng. Còn nếu không nó sẽ là một chiếc laptop bình thường. Máy không có camera mặt sau nên chắc chắn bạn sẽ không thể dùng nó để chụp ảnh hay làm việc gì đó tương tự. T100 chỉ có camera 1.3 megapixel ở mặt trước, đủ dùng để chát Skype. Nói chung với mức giá 350USD, T100 là lựa chọn khá tốt cho nhu cầu sử dụng linh hoạt, kết hợp giữa nhu cầu công việc và giải trí khá tiện dụng.

Cấu hình cơ bản của T100: Màn hình 10,1-inch, hệ điều hành Windows 8.1, RAM 2 GB, vi xử lý Intel, trọng lượng 1,08kg. Giá tham khảo: 350USD.

Toshiba Satellite U845T

Mỏng và nhẹ cùng với thiết kế vỏ nhôm cao cấp và ổ cứng SSD 128GB, thực ra Satellite U845T thuộc dòng máy cao cấp thì đúng hơn. Tuy nhiên, với mức giá trên 700USD thì đây vẫn là chiếc laptop hấp dẫn, có nhiều tính năng hữu ích và ưu hơn hẳn so với các đối thủ cùng loại.

Máy được trang bị màn hình cảm ứng 14-inch, chip Core i5 và thiết kế vỏ nhôm chắc chắn. Trên thị trường có khá nhiều máy dùng Core i5 cùng chủng loại được bán với giá thấp hơn 100USD nhưng lại dùng vỏ nhựa và cồng kềnh hơn nhiều so với Satellite U845T. Tuy nhiên, bàn phím của U845T lại rất chán – không khác gì các mẫu máy Toshiba khác với phím space bé tí và trải nghiệm dùng kém hẳn dù có blacklit. Trong khi đó, độ phân giải màn hình cũng chỉ dừng lại ở 1,366x768 điểm ảnh, giống như các mẫu laptop rẻ tiền khác. Bù lại hiệu suất sử dụng và thời lượng dùng pin của máy là nhỉnh hơn mức thông thường. U845T có thể chạy liên lục 6 tiếng với các tác vụ sử dụng thông thường. Nói chung, dùng U845T cho mục đích công việc là tương đối thoái mái và tiện dụng.

Cấu hình cơ bản của Satellite U845T gồm vi xử lý thế hệ 3 Intel Core i5 i5-3337U / 1.8 GHz ( 2.7 GHz ), RAM 6GB, ổ cứng SSD 128GB, hệ điều hành Windows 8, màn hình 14(1366 x 768 pixel), đồ họa  Intel HD Graphics 4000, không có ổ quang. Giá tham khảo: 799USD.