Những lá thư tuyệt mệnh của mẹ mìn tự tử hòng trốn tội buôn người

Để triệt phá đường dây buôn người do Nguyễn Thị Hồng Phượng cầm đầu, giải cứu 15 nạn nhân, lực lượng chức năng đã mất hàng tháng trời theo dõi, đấu tranh.

Từng là nạn nhân của nạn buôn người, năm 2012 - 2013, Phượng đã móc nối với chính kẻ bán mình hình thành đường dây mua bán người mới, đưa sang Trung Quốc bán trót lọt 17 phụ nữ, kiếm lời trên 2 tỷ đồng.

Hành trình bị lừa bán từ miền Tây sang Trung Quốc

Ngày 15/2/2014, tại khu vực biên giới xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (BPCKQT) Lào Cai phát hiện hai phụ nữ nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam. Một cô gái (SN 1990) quê ở An Giang, một cô gái (SN 1982) quê ở tỉnh Kiên Giang.

Cô gái quê An Giang kể, đầu năm 2013, một người đàn ông bán vé số đã rủ cô gái sang Trung Quốc làm thuê. Người này tiếp tục giới thiệu cô gặp một “trung gian”, hứa hẹn đưa nạn nhân sang Trung Quốc làm thuê với mức lương tháng từ 10 - 15 triệu đồng, 6 tháng được về thăm gia đình một lần. Sau đó, cô được dẫn đến nhà Nguyễn Thị Hồng Phượng (SN 1975, ngụ phường Châu Phú B, Châu Đốc, An Giang) để làm thủ tục xuất cảnh. Cùng làm thủ tục xuất cảnh với nạn nhân còn có 3 phụ nữ khác cùng quê An Giang. Cuối tháng 3/2013, bốn cô gái được đưa lên TP.HCM và đi máy bay ra Hà Nội. Ngày 23/3/2013, bốn cô xuất cảnh bằng hộ chiếu phổ thông qua cửa khẩu Móng Cái sang Đông Hưng (Trung Quốc).

Cô gái quê ở Kiên Giang kể, đầu tháng 12/2012, cô được một người rủ đi Trung Quốc làm thuê với lương tháng 12 triệu đồng, mọi thủ tục xuất cảnh có người khác lo. Thấy có điều kiện làm việc tốt, cô đã rủ em gái cùng đi. Đầu tháng 1/2013, người này dẫn hai chị em cô đến nhà một phụ nữ ở Phú Hòa, Kiên Giang. Ở đây 5 ngày thì người phụ nữ đó đưa hai chị em ra bến xe Long Xuyên và giao cho Nguyễn Thị Hồng Phượng để lên TP.HCM. Trên đường đi Phượng còn đón thêm 3 phụ nữ khác. Đến Sài Gòn, Phượng đưa 5 người đi máy bay ra Hà Nội, sau đó đi xe khách đến Quảng Ninh. Ngày 24/1/2013, Phượng đưa tất cả xuất cảnh bằng hộ chiếu phổ thông qua cửa khẩu Móng Cái sang Đông Hưng.

Tại đây có một người đàn ông Trung Quốc chờ sẵn. Phượng giới thiệu đó là chồng mình rồi tất cả lên xe về xã Trương Lầu (huyện Nhữ Nam, tỉnh Hà Nam). Vợ chồng Phượng đã ép và bán 9 phụ nữ cùng đi cho một số người đàn ông Trung Quốc làm vợ, giá từ 5,8 - 6,3 vạn NDT (180 - 200 triệu VNĐ).

Ngày 12/2/2014, lợi dụng gia đình chồng đi làm, hai cô gái đã bỏ trốn về Việt Nam và làm đơn tố cáo Phượng và một số đối tượng khác lừa sang Trung Quốc bán.

Bi kịch nạn nhân thành mẹ mìn

Vào cuộc điều tra, trinh sát nhận thấy đường dây mua bán người của Nguyễn Thị Hồng Phượng hoạt động ở 3 tỉnh phía Nam là An Giang, Hậu Giang và Kiên Giang với nhiều đối tượng tham gia. “Chân rết” cò mồi, lừa đảo nạn nhân gồm có vợ chồng Út Nghiệp và một số người bán vé số khác như Nguyễn Thị Xoàng (còn gọi là Tư Phú Hòa, SN 1965, cùng ngụ Vĩnh Thành, Châu Thành, An Giang), Phan Thị Duyên. Hàng ngày lợi dụng việc bán vé số gặp nhiều người, vợ chồng Út Nghiệp đã dụ dỗ những phụ nữ có điều kiện kinh tế khó khăn, tình duyên dang dở, văn hóa thấp sang Trung Quốc làm việc với mức lương cao để săn người giao cho Hường. Xoàng và Duyên thì rủ rê những phụ nữ ở gần nhà… rao bán để được trả công 1,5 triệu đồng/người.

“Mẹ mìn” Xoàng và vợ chồng Út Nghiệp khi biết “bà trùm” bị bắt, thì đã bỏ trốn. Riêng đối tượng Duyên đã đến Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tự thú.

Riêng “bà trùm” Nguyễn Thị Hồng Phượng, cũng từng là một nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc. Khoảng tháng 8/2012, khi đang làm nghề sửa móng tay dạo ở Long Xuyên (An Giang), qua vợ chồng Út Nghiệp giới thiệu, Phượng gặp một “mẹ mìn” và tâm sự về cuộc sống khó khăn. Phượng đã được giới thiệu gặp một phụ nữ người Bắc ở TP.HCM, lấy chồng Trung Quốc. Sau đó, “mẹ mìn” này đã dẫn Phượng sang Trung Quốc và bán cho một người đàn ông hơn 12 tuổi ở Hà Nam với giá 4,6 vạn NDT (gần 150 triệu đồng).

Sau một thời gian, Phượng muốn về Việt Nam nhưng chồng ra điều kiện phải đưa con trai Phượng sang Trung Quốc làm con tin mới được về. Thực tâm Phượng không muốn sang Trung Quốc nữa, tuy nhiên người chồng đang giữ con trai, còn gạ gẫm Phượng tìm những người phụ nữ Việt Nam đưa sang Trung Quốc bán. Vì hám lợi nên Phượng đã quay lại liên lạc với chính Nguyễn Thị Hường để lập một “nhánh” của đường dây buôn người mới.

Từ cuối năm 2012 đến 2013, Phượng đã móc nối với Hường đưa sang Trung Quốc tổng cộng 6 đợt người với tổng số 19 nạn nhân. Hai bên thỏa thuận, tùy từng độ tuổi, mỗi nạn nhân, Phượng sẽ trả cho Hường từ 40 - 55 triệu đồng. Phượng cùng chồng đã gả bán trót lọt được 17 nạn nhân cho 17 người đàn ông Trung Quốc. Còn 2 người vì không chịu bị gả bán nên Phượng đã đưa về Việt Nam. Tổng cộng Phượng đã đưa cho chị em Hường 680 triệu đồng; vợ chồng Phượng hưởng lợi 1,39 tỷ đồng.

Lực lượng đánh án lấy lời khai của đối tượng Nguyễn Thị Hường

Mẹ mìn nhẫn tâm vẫn biết yêu

Trở lại diễn biến phá án, sau khi hai nạn nhân bỏ trốn, lo sợ bị lộ, Phượng viết thư tuyệt mệnh cho các con và người tình rồi uống thuốc sâu tự vẫn nhưng được gia đình phát hiện đưa đi cấp cứu. Ngày 24/2/2014, Phượng bỏ trốn đi Campuchia thì bị bắt giữ.

Cơ quan điều tra sau đó đã thu giữ được bức thư:

“Anh yêu!

Chắc là anh cũng không ngờ khi anh đọc được lá thư này thì em đã không còn trên đời này nữa rồi. Em thật sự rất thương anh vì anh là người đàn ông có trách nhiệm và thương em rất thật lòng, nhưng em lại là người đến sau vì mình có duyên mà không có nợ đành hẹn lại kiếp sau nhé anh. Em cũng là người có con nên em không vì ích kỷ cho bản thân mình, mà giành lấy anh để con anh phải khổ. Em rất cảm ơn vì những lo lắng của anh bao lâu nay. Anh thật sự là người đàn ông tốt. Nếu có kiếp sau em sẽ xin được là vợ anh từ đầu anh nhé. Vong linh em sẽ theo che chở cho anh và em xin anh luôn nhớ về em và luôn thương em đến suốt đời nhé anh. Xin anh dòm ngó và giúp đỡ con em trong những lúc nó cần anh giúp nhé… Tạm biệt anh”.

Thì ra lừa bán 19 phụ nữ, làm cho 19 cuộc đời khốn khổ, nhưng Phượng vẫn biết yêu. Người tình của “bà trùm” là một người đàn ông gần nhà. Phượng yêu, nhưng vì người tình đã có gia đình nên “hẹn làm vợ anh trong kiếp sau”. Tuy nhiên, không phải vì yêu mà Phượng uống thuốc sâu tự vẫn.

Nguyên nhân là khi 2 nạn nhân bỏ trốn, “chồng” Trung Quốc của họ đã điện báo cho “chồng” của Phượng. Nhận được điện thoại, Phượng đã gọi điện liên lạc với hai nạn nhân bỏ trốn, nói họ hãy quay trở lại nhà chồng mình. Phượng hứa sẽ trả lại tiền cho những người đàn ông Trung Quốc và giúp hai cô gái bỏ trốn kiếm việc làm trả nợ, “hoặc nếu không muốn ở Trung Quốc thì khi về đến biên giới Việt Nam hãy liên lạc với chị để cử người đón”. Đương nhiên hai nạn nhân không tin lời Phượng nữa nên đã tắt di động, cắt liên lạc. Nghi ngờ sự việc có thể bị bại lộ, cuối tháng 2/2014, Phượng có ý định ra tự thú nhưng sợ hãi. Buồn chán, Phượng viết thư tuyệt mệnh rồi uống thuốc sâu tự tử. Gia đình phát hiện, đưa đi cấp cứu. Ngày 24/2/2014, Phượng bỏ trốn đi Campuchia thì bị bắt giữ.

Phượng có một quá khứ bất hạnh, không biết cha mình là ai, còn mẹ đã mất từ khi Phượng một tuổi. Đứa trẻ ở với dì ruột. Học hết lớp 8, Phượng nghỉ học phụ dì bán cà phê, 20 tuổi lấy chồng và 30 tuổi ly hôn, một nách nuôi hai con nhỏ. Cuộc sống khốn khó khiến Phượng có mong muốn sang Trung Quốc tìm cơ hội đổi đời nhưng rồi “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Phượng đã chấp nhận đánh đổi, phải trả giá và chọn cái chết như một sự sám hối. Phượng đã viết thư tuyệt mệnh gửi con gái 12 tuổi với đầy sự ân hận:

“Con gái yêu của mẹ!

Mẹ xin lỗi vì đã sanh ra con mà lại bỏ con ra đi như vậy trong khi con rất cần tình thương và sự săn sóc của mẹ. Nhưng mẹ phải lựa chọn con đường này để đổi lại sự bình yên và đầy đủ vật chất cho anh em con rồi nên bây giờ mẹ phải trả cái giá mình gây ra thôi con. Sau này lớn lên, con sẽ hiểu và tha thứ cho mẹ nhé con. Con hãy sống ngoan ngoãn vâng lời anh chị, bà Sáu và ngoại và cậu mợ nghe con. Và nhất là ráng học cho giỏi để sau này đời con không phải khổ như mẹ và anh Hai con vậy. Hãy biết tự chăm sóc cho mình và con luôn nhớ tới mẹ và hãy nghĩ là mẹ lúc nào cũng ở bên con nghe.

Nếu có kiếp sau thì mẹ cũng muốn con vẫn tiếp tục làm con gái ngoan của mẹ, đứa con mà mẹ luôn cầu nguyện và mong muốn ơn trên ban cho. Nhưng mẹ con mình có duyên đến đây thôi con nhé. Mẹ sẽ luôn theo sát bên con để che chở cho con gái của mẹ.

Xin con đừng căm hận mẹ nhé con gái yêu thương của mẹ.

Hôn con thật nhiều”.

Đời mẹ mìn là vậy, còn số phận các nạn nhân khác thì sao?

Đời “vợ mua”

Cho đến nay, cơ quan chức năng Trung Quốc đã trao trả 15 nạn nhân còn lại và các nạn nhân đã trở về với gia đình. Người bị mua bán có độ tuổi từ 18 đến gần 40. Hầu hết các nạn nhân đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hôn nhân lỡ dở. Khi chúng tôi liên lạc với người nhà và chính nạn nhân, được biết là các nạn nhân khi bị bán sang Trung Quốc đều đã điện thoại báo cho gia đình biết nhưng không người thân nào của nạn nhân đi báo công an. Tất cả chỉ biết được rằng con cháu mình đã lấy chồng Trung Quốc, không ai bị bán làm gái mại dâm. Người sợ báo công an thì người thân bị đánh đập, bị giết; người thì do điều kiện quá khó khăn, trình độ thấp nên thấy con, cháu lấy được chồng, sinh con, đẻ cái thì chỉ biết hi vọng con cháu mình có cuộc sống tốt đẹp ở xứ người...

Cuộc sống “vợ mua” có người may mắn lấy được người chồng tốt; có người lấy phải người chồng không ra gì, gia đình chồng cay nghiệt. Một số người mới sang, không biết tiếng nên không biết mình bị bán ở vùng nào. Theo mô tả của Phượng thì các nạn nhân đều lấy chồng ở vùng nông thôn nghèo, trong cùng một huyện. Một số đứa trẻ đã ra đời từ các cuộc hôn nhân mua bán đó; một số đang mang thai. Do đó, trong số 15 nạn nhân trở về, có nhiều người muốn ở lại Trung Quốc…

Ông Hà Văn Hệ (ngụ Thoại Sơn, An Giang, cha một nạn nhân) cho biết: “Vợ chồng con tôi bỏ nhau. Nó đi để lại nhà một đứa con nhỏ cho tôi nuôi. Trước đây, nó ở nhà phụ với anh Hai và chị dâu đi bán dưa leo cũng đủ sống. Nó khờ nên bị dụ đi, bảo lấy chồng Trung Quốc sung sướng lắm. Ở Việt Nam nó chẳng có cơ hội lấy chồng lần hai nên theo người ta đi. Giờ đi rồi nghe bảo cuộc sống cơ cực lắm nhưng nó không muốn về”.

Một nạn nhân khác (39 tuổi, quê Châu Thành, An Giang) có hai con nhỏ. Khi bị lừa bán lấy chồng Trung Quốc, gia đình, người thân không có điều kiện nuôi hai cháu nhỏ nên đã gửi hai con vào tu ở chùa Tam Bửu và Bửu Lân. Em trai thiếu phụ này cho biết: “Khi chị tôi đi mãi không về, tôi đã đến hỏi Phượng số điện thoại mới của chị. Lúc đầu Phượng không cho, phải mất mấy bữa đứng đợi ở cửa Phượng mới cho tôi số điện thoại để liên lạc với chị. Phượng dặn tôi không được báo công an. Mấy anh em tôi kêu chị tôi về đi nhưng chị bảo không về”.

Cuộc đời cô gái trẻ Trần Lê Diễm Loan (19 tuổi, quê Phụng Hiệp, Hậu Giang) cay đắng nhất. Khi bị công an Trung Quốc tập trung lại để đưa về Việt Nam, Loan nhờ một người biết tiếng Việt nói với gia đình chồng mang cho Loan mấy bộ quần áo nhưng bà mẹ chồng từ chối nói rằng: “Mày đi về rồi, quần áo tao đốt luôn, không đưa gì hết”. Loan kể người chồng Trung Quốc làm nghề sửa xe, khoảng 21 tuổi, gia đình nghèo và mẹ chồng rất ác nghiệt. Cô của Loan lo lắng: “Hiện cháu tôi đã mang bầu hai tháng. Tôi rất lo vì trở về quê nó sẽ sống bằng gì. Bố mẹ nó bỏ nhau, trước đây nó ở với ông ngoại, ổng nghèo dữ lắm, lấy gì nuôi cháu”.