Những đứa trẻ "chui ra" từ bãi quặng

Những đứa trẻ này ra đời cũng là lúc những người đàn ông đi về bên kia biên giới, để lại gánh nặng cho những cô gái bản vò võ một mình nuôi con trong gian khó.

Thôn Thanh Vân (xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) nằm uốn mình quanh dãy núi đá lớn. Được biết đến là mảnh đất giàu tài nguyên nhưng người dân nơi này lại nghèo rớt mùng tơi, nhìn quanh chỉ lô nhô những ngôi nhà mái lá. Từ khi xuất hiện ngành công nghiệp khai khoáng công nhân người Trung Quốc lũ lượt kéo sang. Những cuộc tình chớp nhoáng giữa những người công nhân này với những cô gái bản đã để lại những đứa trẻ. Hỏi cha những đứa trẻ, người dân bản chỉ chua xót “chúng được chui ra từ bãi quặng”.

Những “ám hiệu” chớp nhoáng

Đến Thanh Vân, trưởng thôn Bàn Văn Năng bảo ở đây có nhiều trường hợp quan hệ với những công nhân người Trung Quốc và có con. Đã nghèo, nay lại thêm những đứa bé không cha nên cuộc sống của những người phụ nữ trong bản lại thêm khó. Nhiều trường hợp mới lớn trong bản cũng đã bị lôi kéo, dụ dỗ vào những cuộc tình “mùa vụ”, nhưng may mắn chỉ có khoảng chục trường hợp để lại “sản phẩm”. Ông Năng nói: “Khổ lắm, đã vào tận nhà khuyên chúng nó. Ở cuộc họp cũng đã nói to là đừng có nên quan hệ với những loại người như thế. Nhưng mà chúng nó nào có nghe đâu, bây giờ thì khổ thế đấy”.

Ông Năng chỉ cho chúng tôi đến nhà chị Đặng Thị Minh (38 tuổi) là một trường hợp đã có con với công nhân người Trung Quốc. Con đường vào nhà chị Minh uốn lượn theo triền dốc. Trong ngôi nhà ấy, đứa gái con của chị mới gần được một tháng tuổi vẫn còn đỏ hỏn nằm trong nôi. Chị Đặng Thị Minh vừa làm công việc lặt vặt xung quanh nhà, thi thoảng chạy vào đưa nôi cho con, chị cười và nói rất hồn nhiên: “Con Trung Quốc đấy!”.

Mẹ con chị Đặng Thị Minh trong ngôi nhà xiêu vẹo

Chị Minh cũng đã có một đứa con trai đầu với người chồng trước, nhưng cũng không có hôn thú gì. Năm nay, con trai chị đã 8 tuổi, đang học lớp 2. Đứa trẻ ấy coi như không có cha, nó được sinh ra thì bố nó cũng đi mất. “Bố nó là người quê ở Phú Thọ, lúc thằng nhỏ sinh ra thì bố nó cũng không yêu thương nữa, bỏ về dưới xuôi rồi”- chị Minh kể. Nay, bé gái mới sinh cũng có hoàn cảnh giống anh trai, “mồ côi” cha khi mới lọt lòng mẹ. Người bố đã về bên kia biên giới và không hề biết mình đã có một đứa con. Mẹ đứa trẻ cũng không biết là nếu biết có con thì người đó có quay lại thăm hay không?.

Chị Minh kể: “Bố nó tên là A Nhóc hay A Nhọng gì đó, hình như là A Nhóc. Tôi thấy người ta gọi như thế. Quen nhau là do người ta giới thiệu cho đấy. Không biết tiếng nhau đâu, thích gì thì hắn ra hiệu thôi, ra hiệu bằng tay hết. Chúng tôi quen nhau được một năm rồi. Hôm tôi sinh con cũng nói chuyện với một vài người, họ cũng đã nói chuyện với thằng A Châu (một công nhân người Trung Quốc còn trên mỏ quặng-PV) chuyển lời cho A Nhóc. Chắc là A Nhóc nó cũng biết rồi đấy”.

Cuộc tình chóng vánh của chị Minh với người công nhân Trung Quốc diễn ra như thế. Không ai biết tiếng của ai, không nói chuyện được nhưng họ lại quan hệ với nhau. “Kể cũng tài, chúng nó ra hiệu với nhau rồi cũng có con được. Đã nghèo lại còn nuôi hai đứa con trong cảnh côi cút, rõ khổ. Khi chúng nó qua lại, chúng tôi đã đến tận nhà bảo ban. Khi biết nó có thai, cũng vận động nó bỏ đi nhưng nó không nghe”- Ông Lương Minh Sơn, Phó trưởng thôn Thanh Vân cho biết.

Một trường hợp nữa là chị Lý Thị Mai (24 tuổi), Mai cũng sinh ra một đứa con trai với người công nhân Trung Quốc. Đứa bé đã 5 tháng tuổi, bụ bẫm, trắng trẻo. Mai kể: “Bố của nó tên là Láy Săn Huy, 29 tuổi, công nhân của mỏ quặng trên núi. Chúng tôi quen nhau đến nay là được hai năm. Không biết tiếng nhau đâu nhờ người phiên dịch cho thôi. Bố nó về Trung Quốc rồi. Tôi nhờ người liên lạc qua điện thoại thì bố nó bảo chỉ cho được cái nhà, không sang nữa nên tôi phải tự nuôi con”.

Còn rất nhiều trường hợp có quan hệ với người Trung Quốc nhưng không dám nhận hoặc may mắn chưa để lại hậu quả

Ngôi nhà mà Mai ở là một ngôi nhà cấp bốn khá khang trang. Đấy là tài sản duy nhất được người công nhân Trung Quốc “bù đắp” cho Mai khi nhiều lần Mai trao tình cho gã. Ngôi nhà có trị giá khoảng 30 triệu đồng. So với trong bản thì đó cũng là ngôi nhà bề thế, bởi theo nhiều người thì dân bản ít có người xây được nhà to như thế. Bên trong thì trống hoác chẳng có vật dụng gì nhưng với Lý Thị Mai thì đó có lẽ cũng là điều may mắn lắm rồi.

Nhiều phụ nữ, thiếu nữ ở thôn Thanh Vân có quan hệ tình cảm “mùa vụ” với công nhân Trung Quốc thì ai cũng biết. Người ta bàn tán ì xèo, mỗi người phụ nữ trong bản “tình chóng vánh” với những công nhân ấy thì mỗi người một mục đích riêng. Có người quá lứa lỡ thì thì xin một đứa con, người thì lợi dụng để có một tí lời. Nhưng có rất nhiều thiếu nữ đang trong độ tuổi mới lớn cũng bị dụ dỗ, lừa phỉnh để trao thân cho những công nhân Trung Quốc khiến người ta chua xót.

Chuyện một cô gái vẫn còn tuổi học sinh tên Lý T.V từng ăn nằm với một công nhân người Trung Quốc rồi mang thai. Nhưng éo le là khi người công nhân nọ trở về nước cũng dắt theo cô bán cho ổ mại dâm. Mấy tháng sau mới chạy trốn được về thì hóa điên, hóa dại. Chẳng biết tên tuổi gã là gì, mà gã cũng cao chạy xa bay nên V và gia đình đành ngậm ngùi chịu bao cay đắng.

Bắt quen được với một người đàn bà đã từng bán nước ở mỏ quặng, chị này cho tôi biết: “Bây giờ còn ít đấy, công nhân Trung Quốc rút về gần hết rồi. Giờ chủ yếu là công nhân người Việt mình thôi. Nhiều thằng sang đây ăn no rồi làm bậy. Chỉ khổ những đứa trẻ mới lớn trong bản, trao tình cho chúng nó rồi chúng nó lặn mất tăm, biết đâu mà tìm. Nhưng bây giờ người Trung Quốc rút về rồi, ít người dám nhận đó là con của công nhân Trung Quốc lắm. Có trường hợp là giáo viên mầm non cũng có con rơi, con vãi với đám người đó. Nhưng ai người ta nhận, người ta bảo là đi thụ tinh nhân tạo về thôi. Ở cây 27 (Kilomet 27-PV) cũng có mỏ quặng do công nhân Trung Quốc khai thác, người ta bàn tán là ở đó cũng có nhiều trường hợp quan hệ với công nhân Trung Quốc lắm”.

Nhiều người dân nơi đây thì tỏ ra bức xúc, chị Bàn Thị Lâm bày tỏ: “Không thể hiểu nổi những người phụ nữ như thế. Tiếng còn không biết thì lấy đâu ra tình cảm? Hay là vì mấy đồng tiền mà chấp nhận cảnh nuôi con một mình?”.

“Thân cò” vò võ nuôi con

Không ai dám chắc là những người phụ nữ kia có “tình yêu không biên giới” với những công nhân Trung Quốc khi mà tiếng không biết, không cần nói chuyện. Thế nhưng một điều mà người ta dám chắc là những người phụ nữ ấy đang phải một mình nuôi con trong hoàn cảnh éo le. Đã nghèo nay lại càng khốn đốn hơn.

Nhà của chị Đặng Thị Minh được xây dựng lên từ đất, rơm rạ và lá rừng. Mỗi khi cơn gió đi qua có thể làm nó xiêu vẹo, lung lay. Nhưng trong ngôi nhà ấy, chị Minh đang phải nuôi hai đứa con không cha, một đứa là con rơi của người Trung Quốc.

Chị Minh cho biết, nhà chỉ có gần 1 sào ruộng để trồng ngô và khoai lang. Mỗi tháng nhà chị phải ăn đong khoảng 30 cân gạo, thịt thà thì bữa có, bữa không. Số tiền đó cũng là số tiền mà nhà nước hỗ trợ vì gia đình chị Minh thuộc diện hộ nghèo, nghèo nhất thôn Thanh Vân. Đứa con đầu của chị Minh đi học lớp 2 cũng được nhà trường hỗ trợ, một năm khoảng 700 nghìn  để có thể tới trường học lấy cái chữ.

Công việc chính của chị Minh là làm ruộng, ngoài ra chị thường đi làm thuê, làm mùa vụ cho những ai cần lao động gặt lúa hoặc làm đất, phụ cho những thợ xây nhà. Thời gian rảnh cũng có khị chị Minh lên núi để đi mót quặng về bán. Số tiền kiếm được không được bao nhiêu nhưng cũng đỡ đần cho ba mẹ con khá nhiều. Chị Minh tâm sự: “Không biết các gia đình khác như thế nào, chứ gia đình tôi được ăn thịt thì khó lắm. Khi nào thèm thì lại phải cùng thằng lớn đi bắt nhái về làm để ăn chứ ra chợ mua thịt heo thì không có tiền mua đâu. Có đất trồng ngô, mỗi năm cũng chỉ thu hoạch được tạ ngô thôi, cũng không chăn nuôi được con gì nên khó khăn lắm”.

Khi được hỏi khó khăn như thế sao còn đẻ con rơi Trung Quốc làm gì? Chị Minh cúi đầu gượng cười nhưng trong hai khóe mắt long lanh những giọt nước lăn dài xuống gò má. Thấy vậy, ông phó thôn Lương Minh Sơn nói vẻ bực dọc: “Đã bảo chúng mày bao nhiêu lần rồi, đừng có quan hệ với mấy cái loại người không ra gì đấy. Bây giờ thì còn khóc cái nỗi gì? Nó về Trung Quốc rồi, tên còn chả biết, tiếng cũng không thì ở vậy mà nuôi con. Những cái loại đó tao đã bảo chỉ là hạng qua đường thôi. Không chịu nghe thì khổ, mà khổ mấy đứa trẻ con chứ chúng mày chắc gì khổ hả? Thôi mưa rồi kia kìa, còn không cất ngô đang phơi vào”. Chị Minh lật đật chạy ra khi ông phó thôn nhắc nhở. Những cơn gió kèm theo mưa rừng tạo ra cảm giác lạnh lùa vào nhà qua kẽ lá xào xạc.

Có được ngôi nhà 3 gian xây kiên cố mà người công nhân Trung Quốc  “bù đắp”, Lý Thị Mai vẫn còn hơn chị Minh rất nhiều. Bố mẹ của Mai cũng biết hoàn cảnh của con gái nên vẫn thường xuyên giúp đỡ lúc cái này, khi cái kia. Mai bảo: “Em làm ruộng thôi, không có nghề nghiệp gì đâu. Nói là làm ruộng nhưng em cũng không có sào ruộng nào cả, toàn làm ké bố mẹ em. Nhà đông anh em, 9 anh chị em cơ ạ. Đã xây dựng được 6 người rồi nên cũng đỡ hơn nhiều lắm. May mắn cháu bé cũng khỏe mạnh. Em cũng phải cố mà làm thuê, làm mướn nuôi con chứ người ta có hỗ trợ nuôi nấng gì đâu. Anh bảo có mỗi cái nhà đấy, không có nghề thì cũng khổ lắm”.

Ông Lý Văn Thao, bố của Mai nói: “Nói với nó như nước đổ lá khoai, tự làm tự chiu thôi. Bây giờ thì khó rồi. Tôi làm ruộng, nhưng ít ruộng nương lắm có được nhiều đâu. Phải đi chở quặng thuê lấy tiền nữa. Mỗi một ngày chở một xe công nông quặng cũng chỉ có được 180 nghìn đồng. Đấy, bữa rồi còn bị trừ béng đi 20 nghìn đồng ứng tiền mua rượu mà. Cháu đẻ ra thì vẫn phải đỡ đần nhưng mà khổ thì vẫn khổ cả nhà”.

Ngôi nhà Láy Săn Huy xây cho Lý Thị Mai

Hệ lụy buồn từ bãi quặng

Bãi quặng nằm trên đỉnh núi của thôn Thanh Vân, từ bãi quặng vào thôn cũng chỉ 1 cây số. Ở đây chủ yếu là quặng sắt. Trước đây, người ta khai thác nhỏ lẻ và tự phát, nhưng từ khi công ty Nam Sinh (đơn vị liên doanh với công ty của Trung Quốc) được cấp phép khai thác quặng sắt ở khu vực này thì công nhân đến ở rất nhiều. Trong số đó có rất đông những công nhân người Trung Quốc sang thăm dò, xây dựng công trình để phục vụ cho việc khai thác quặng. Ngoài giờ làm hoặc vào buổi tối những công nhân này thường đi vào bản nhờ người phiên dịch, hoặc tự ra hiệu để có thể qua lại với gái bản.

Chuyện những đứa con rơi người Trung Quốc được sinh ra trong thôn cũng là một đề tài gây xôn xao cả một vùng quê. Nhìn những chiếc xe tải chở quặng qua lại người dân ì xèo: “Đất đai thì cũng màu mỡ, giàu tài nguyên đấy. Sống ở mỏ quặng mà người dân có đỡ nghèo được đâu. Bây giờ còn rước thêm những đứa con ngoài giá thú như thế thì thêm vất vả thôi chứ khá giả thì chưa dám nói đến. Tội mấy đứa trẻ, sinh ở Trạm y tế xã, cũng có giấy chứng sinh đàng hoàng, khai sinh đàng hoàng. Nhưng mà cũng chua chát lắm chứ, chúng toàn phải mang họ mẹ thôi, có bố đâu. Đã thế bên dưới còn ghi dòng chữ “con ngoài giá thú” tội cho chúng thật!”.

Con của Lý Thị Mai được đặt cái tên khá hay Lý Láy Phong. Cái tên được ghép từ họ mẹ và họ bố. Nhưng khi khai sinh, bé Phong vẫn phải mang họ mẹ, vẫn có dòng chữ “con ngoài giá thú” trong tờ giấy khai sinh. Còn bé gái của chị Đặng Thị Minh thì còn chưa khai sinh, chị Minh tâm sự: “Cũng không biết đặt tên là gì. Nhưng ngày mai vẫn phải qua Ủy ban xã khai sinh cho nó. May nó cũng ngoan, chẳng mấy khi quấy khóc cả. Bú mẹ xong thì lăn ra nôi ngủ thế kia đấy”.

Bí thư xã Hùng Đức Ngô Minh Hòa: “Chuyện như thế là điều đương nhiên, không thể cấm được”.

Về phần chính quyền địa phương, ông Ngô Minh Hòa –Bí thư xã Hùng Đức cho biết: “Những trường hợp đẻ con rơi người Trung Quốc là có thật. Khi mỏ quặng được cấp phép khai thác cho đơn vị liên doanh với người nước ngoài, có nhiều người lao động người Trung Quốc vào địa phương nên cũng phức tạp. Chúng tôi luôn đặt ra hai nhiệm vụ chính là phát triển kinh tế địa phương và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Nhìn chung thì cũng không có gì ảnh hưởng lớn lắm. Khi bàn giao cho công ty Hằng Nguyên khai thác mỏ quặng sắt ở khu vực thôn Thanh Vân họ đều chấp hành tốt mọi quy định của địa phương. Họ cũng đã đền bù thỏa đáng cho người dân địa phương, không ai có thắc mắc hay kiện cáo gì cả. Chúng tôi cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền cho người dân, chúng tôi đã tuyên truyền trên hệ thống loa đài, qua các kênh như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên.... Nhưng do nhận thức hạn chế nên vẫn còn xảy ra những trường hợp đáng tiếc là sinh con ngoài giá thú như vậy”.

Cũng theo ông Ngô Minh Hòa thì mỏ quặng sắt của thôn Thanh Vân, xã Hùng Đức đi vào hoạt động từ năm 2011. Mới đầu do phải xây dựng cơ sở hạ tầng cùng với việc khai thác thăm dò nên có một lực lượng lớn công nhân người Trung Quốc có mặt trên địa bàn. Số lượng người Trung Quốc cũng được chính quyền địa phương tìm hiểu và báo cáo thường xuyên lên cấp trên. Có thời điểm số lượng người lao động Trung Quốc như công nhân, kỹ sư có mặt trên địa bàn trung bình là 40 người. Tuy nhiên, những người lao động có yếu tố nước ngoài theo quy định thì cứ khoảng 2 đến 3 tháng là họ lại rút về nước.

Số lượng quặng sắt ở xã Hùng Đức cũng được khai thác khá lớn. Những nhiệm vụ mà chính quyền địa phương đặt ra theo ông Hòa cũng cơ bản hoàn thành tốt đẹp. Tình hình an ninh trật tự địa phương vẫn được giữ vững. Nhưng người lao động nước ngoài sang làm ăn xảy ra chuyện như thế là điều đương nhiên. Không thể cấm được.

Về phần khai sinh cho những đứa trẻ này ông Ngô Minh Hòa cho biết: “UBND xã cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai sinh cho những cháu này bình thường như những đứa trẻ khác. Những đứa trẻ này sẽ được khai sinh theo họ của mẹ”.

Về phần những đứa trẻ “ngoài giá thú” này thì phía gia đình sẽ phải tự lao động để chăm sóc chúng cho nên người. Chính vì vậy việc phát triển của những đứa trẻ này sẽ là rất khó khăn. Đó là cái giá phải trả cho những người phụ nữ dại dột đã nhẹ dạ tin vào tình cảm “mùa vụ” của những lao động người Trung Quốc. Đó cũng là bài học cảnh tỉnh cho người dân những nơi có lao động  người nước ngoài, nếu không có những biện pháp tuyên truyền hữu hiệu sẽ không thể tránh khỏi những hệ lụy buồn.

Box: Ông Lương Minh Sơn, Phó trưởng thôn Thanh Vân buồn bã: “Không biết nó cho được bao nhiêu tiền mà dại dột như thế. Khổ nhục mà không nhìn ra, vài đồng bạc mờ mắt hết cả. Những đứa bé thì nó có tội tình gì đâu, chúng cũng cần được thương yêu, chăm sóc như bao đứa trẻ khác lớn lên trong thôn vậy thôi. Nhưng, thiếu thốn cứ dồn đến như thế thì chúng làm gì có tương lai. Nay mai khó khăn, đói khổ lại gây ra nhiều hệ lụy chứ, tệ nạn từ đó mà ra chứ đâu nữa”.