Bố nghi phạm cho hay: “Tôi khẳng định họ đưa con tôi vào điều trị tâm thần là muốn xóa bỏ hồ sơ phạm tội một cách hợp pháp, chứ không có ý tốt đẹp nào khác. Mỗi tháng chúng tôi thăm con một lần, nó đều kêu oan, không giết người. Không ai tin, cứ cho rằng nó bị tâm thần nói không chính xác”.
Án mạng không nhân chứng
Vào lúc 15h30 ngày 7/2/2012, một người hàng xóm phát hiện bà Trần Ngọc Lệ (SN 1954, ngụ ô 3, ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) nằm chết trong nhà. Cơ quan chức năng nhận tin báo đã đến hiện trường điều tra, xác định nạn nhân mới chết, thi thể vẫn còn hơi ấm.
Kết quả giám định tử thi cho thấy nạn nhân tử vong do bị vật cứng đập vào đầu nhiều nhát và bị cắt cổ bởi vật bén, nghi là dao. Hai nhẫn vàng trên tay nạn nhân không còn nhưng các tài sản có giá trị trong nhà vẫn còn nguyên.
Căn cứ vào nhiều yếu tố tại hiện trường, cơ quan điều tra xác định đây là vụ giết người cướp tài sản. Thời điểm xảy ra sự việc, có 3 người quen với nạn nhân đang ngồi uống trà trước hiên nhà hàng xóm sát vách. Không ai trông thấy hung thủ đào thoát ra ngoài.
Bà Lê Thị Hồng Loan, người đầu tiên phát hiện sự việc, cho biết: “Trước đó tôi nghe nhiều tiếng đổ vỡ và tiếng cự cãi, nhưng cứ nghĩ không có việc gì nên không sang xem xét. Đến khi một người cháu nạn nhân tên Sinh chạy đến gặp tôi cho biết nhìn qua cửa sổ thấy bà Lệ nằm sóng soài dưới đất, tôi chạy qua xem thì thấy bà ấy đã chết”.
Người cháu nói trên ngay sau đó đã bị công an bắt giữ điều tra, tên Trần Khắc Sinh (sinh ngày 10/08/1994, ngụ xã Lộc Giang, huyện Đức Huệ, Long An), đang là thợ học việc ở tiệm sửa xe máy sát vách nhà nạn nhân. Sinh gọi nạn nhân là bà cô ruột (em gái của ông nội – NV), thường gọi bà Út.
Quá trình điều tra, cảnh sát xác định Sinh là thủ phạm giết bà, cướp tài sản. Sau khi nghi phạm nhận tội và thực nghiệm hiện trường, công an cho rằng Sinh có dấu hiệu tâm thần phân liệt lập tức đưa vào Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai) giám định.
Theo trình bày của nghi phạm và gia đình, thời điểm bị bắt Sinh mới 17 tuổi nhưng suốt quá trình tạm giữ điều tra, cơ quan chức năng không hề thông báo cho gia đình. Sau 3 tháng bị tạm giam, nghi phạm được chuyển đi điều trị ở Bệnh viện Tâm thần trung ương 2. Lúc này gia đình mới hay khi Sinh gọi điện về nói đưa đi bệnh viện.
Ba tháng bị tống vào trại tâm thần
Từ tháng 5/2012 đến tháng 9/2013, Sinh phải chịu cảnh sống chung với những bệnh nhân tâm thần. “Ăn theo chế độ, ngủ theo yêu cầu” và bao giờ cũng tiêm thuốc mê để ngủ say trong đêm.
Bố nghi phạm nói: “Một người bình thường sống chung với người tâm thần, uống thuốc tâm thần liệu có được bình thường hay không? Tôi khẳng định họ đưa con tôi vào điều trị tâm thần là muốn xóa bỏ hồ sơ phạm tội một cách hợp pháp, chứ không có ý tốt đẹp nào khác.”
Tháng 9/2013, Sinh rời bệnh viện vì có quyết định đã điều trị xong. Phía công an ra quyết định đình chỉ vụ án, Sinh được trắng án do bị tâm thần. Việc này khiến gia đình nạn nhân và nghi phạm đều thắc mắc phản đối.
Một ngày cuối năm 2014, khi XLPL đến nhà, Sinh đang ngồi băm mì do mẹ đi mót về. Sinh rành mạch nhớ lại những gì mình đã thấy, đã nghe trong ngày xảy ra vụ án: “Ở nhà bác Tám (chủ hiệu sửa xe máy nơi Sinh học việc - PV) ăn cơm xong thì em qua nhà bà Hạnh ngủ vì em vẫn ngủ lại đây. Nhà bà Hạnh sát vách với nhà bà Út (nạn nhân – PV) nên ai nói chuyện em đều nghe. Lúc đó em thấy bà Út đang quét sân thì có một thanh niên chạy xe máy Wave màu đỏ đậu trước ngõ”.
Khoảng 10 phút sau, Sinh nghe bà nói “ra đằng sau coi có chuyện gì không”. Sau đó nhiều tiếng chó sủa dồn dập một cách bất thường.
Đi ngang qua nhà nạn nhân, Sinh còn nhìn thấy chiếc xe Wave dựng trước ngõ, người thanh niên và bà không biết đi đâu. Sinh về kể chuyện mình nghe được với chủ tiệm, ông này không quan tâm, cho rằng do người nào đánh mắng con cái trong nhà, sau đó sai Sinh ra phía sau nhà lấy chiếc lồng gà. Ra sau nhà, Sinh tò mò nhìn qua ô cửa sổ thì thấy nạn nhân nằm bất động liền báo với một người hàng xóm. Mọi người hô hào nhau mới biết bà đã chết.
Ở phía sau nhà chủ tiệm lên, Sinh qua nhà nạn nhân nhưng chiếc xe Wave ở trên đã biến mất. Những điều nghe và thấy trên được Sinh kể lại cho mọi người nghe và trong bản tường thuật ban đầu tại công an Sinh vẫn khai đúng như vậy. Nhưng sau đó Sinh bị công an kết tội.
“Người như thế làm sao đủ can đảm giết người”?
Từ ngày chàng trai làng trở về từ bệnh viện tâm thần, ngôi nhà vắng khách. Không một hàng xóm nào dám nói chuyện với bố mẹ Sinh, đặc biệt là Sinh, còn bắt con cái không được giao du với “cái ngữ tâm thần giết người” vì sợ “nghi phạm nổi điên giết luôn”.
Sinh được tha bổng về nhưng mang tiếng tâm thần nên xin việc khắp nơi không được, hàng ngày chỉ ở nhà băm mì do mẹ mót về để mang bán. Ông Trần Quang Vinh (bố Sinh) dậy từ lúc 2h sáng đi nhổ mì thuê cho những người trong khu vực. Từ sáng đến trưa được 180 ngàn đồng.
Không ai nhận vào làm, Sinh chỉ biết ở nhà giúp mẹ băm mì phơi bán.
Ông nói: “Một số người khuyên chúng tôi nên cố gắng làm kiếm tiền mà kêu oan. Nhưng kêu ở đâu, kêu thế nào, chúng tôi không biết”.
Tìm gặp những người dân địa phương, ông Phạm Minh Đạt, ấp trưởng ấp Lộc Thuận, xã Lộc Giang cho hay: “Từ nhỏ đến lớn Sinh rất hiền lành, thật thà. Nói cháu nó bị tâm thần tôi nghĩ không ra. Vì trước tới giờ nó rất bình thường, không hề có biểu hiện nào của tâm thần”.
Ông Đạt còn kể Sinh không dám đi xe máy vì chưa đủ tuổi. Do người cha bận đi làm thường không dự được đám cưới những người trong xóm nên bảo con đi thay. Dù được người thân cho phép nhưng Sinh không dám đi xe máy, sợ phạm luật, đường xa cỡ nào vẫn miệt mài đạp xe.
Ông trưởng ấp cho rằng: “Một người như thế làm sao đủ can đảm giết người, mà lại giết người thân”? Nghiên cứu học bạ 3 cấp của nghi phạm, học lực không tốt nhưng hạnh kiểm bao giờ cũng được loại tốt. Các thầy cô đều khen Sinh ngoan hiền và thật thà. Không hiểu sao cơ quan chức năng lại xác định nghi phạm bị tâm thần?.
Sự thật nào phía sau vụ án? Sinh có phải là hung thủ gây ra cái chết cho nạn nhân? Để chứng minh mình bị vu oan, Sinh thuật lại rành rọt những “đòn” nhục hình chưa từng thấy trong thời gian bị tạm giữ như không cho ngủ nhiều đêm liền, bị nhốt trong phòng bật máy lạnh “run cầm cập”...
(Còn tiếp)