Mặc dù tất cả những huyền thoại về biển cả cùng những hiện tượng bí ẩn đều ít nhiều thiếu tính xác thực, nhưng câu chuyện về những con tàu ma vẫn tiếp tục lan truyền với vô vàn suy đoán đáng sợ và nỗi ám ảnh kinh hoàng.
Trong số những lời đồn thổi được thêu dệt cùng năm tháng ấy, có những bí mật về những con tàu ma bí ẩn nhất của thế giới hàng hải mà đến này vẫn khiến nhiều người phải "dựng tóc gáy".
Tàu Flying Dutchman
Trong văn hóa dân gian hàng hải, Người Hà Lan Bay (Flying Dutchman) là con tàu để lại ảnh hưởng sâu rộng nhất, truyền cảm hứng tới vô số tác phẩm nghệ thuật từ hội họa, phim ảnh, sách đến nhạc kịch, thơ ca…
Tương truyền, vào năm 1641, thuyền trưởng Van der Decken cùng thủy thủ đoàn đang đưa con tàu trở về Hà Lan sau chuyến Viễn Đông thuận lợi. Không may, khi về gần đến mũi Hảo Vọng, toàn bộ thủy thủ đoàn cùng con thuyền đã bị bão biển nuốt chửng mà không để lại bất cứ một dấu vết nào.
Sau rất nhiều nỗ lực chống lại cơn bão không thành, khi nhận ra cái chết đang đến rất gần, thuyền trưởng Van der Decken đã hét lên một cách điên dại, thề sẽ trở lại mũi Hảo Vọng dù có phải ở trên biển cho đến Ngày tận thế.
Kể từ đó, theo truyền thuyết, mỗi khi xuất hiện bão ở quanh mũi đất này, nếu nhìn vào mắt bão, người ta cho rằng có thể nhìn thấy hình ảnh của con tàu ma quái và vị thuyền trưởng của nó đang buộc phải hứng chịu lời nguyền lang thang mãi mãi trên đại dương mênh mông.T
Tàu chở hàng MV Joyita
Năm 1955, tàu chở hàng MV Joyita cùng với 25 hành khách và thủy thủ đoàn đã biến mất một cách khó hiểu tại khu vực Nam Thái Bình Dương. 5 tuần sau đó, nó được tìm thấy trong tình trạng rất xấu nhưng không bị chìm hẳn. "Số phận của toàn bộ thủy thủ đoàn và hành khách ra sao?" là câu hỏi cho đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải đáp hợp lý.
MV Joyita là một con tàu bằng gỗ dài 21m, được hãng Wilmington Boat Works (Los Angeles, Mỹ) đóng vào năm 1931 với mô hình ban đầu là du thuyền sang trọng, có kết cấu giúp chống chìm.
Khoảng 5 giờ sáng ngày 3/10/1955, Joyita khởi hành từ bến cảng Apia của Samoa đến quần đảo Tokelau, quãng đường dài khoảng 430 km. Theo kế hoạch, nó phải dời đi từ trưa hôm trước nhưng bị hoãn lại vì động cơ mạn trái gặp sự cố.
Mang theo 16 thủy thủ và 9 hành khách, hàng hóa trên tàu bao gồm vật tư y tế, gỗ, thực phẩm và dầu, chuyến đi của Joyita dự kiến chỉ mất từ 41 đến 48 tiếng và sẽ tới Tokelau vào ngày 5/10 sau đó chở cùi dừa khô quay về.
Ngày 6/10, thông báo từ cảng Fakaofo cho biết, đã quá hạn nhưng bóng dáng con tàu vẫn chưa thấy đâu, họ cũng không nhận thấy tín hiệu báo nguy nào. Ngay lập tức, các biện pháp cứu nạn được triển khai. Từ ngày 6 đến 12/10, lực lượng Không quân Hoàng gia New Zealand đã tìm kiếm trên phạm vi khá rộng lớn, nhưng không đạt kết quả.
5 tuần sau, vào ngày 10/11, Gerald Douglas, thuyền trưởng của tàu buôn Tuvalu phát hiện con tàu tại nơi cách điểm đến dự kiến khoảng 1.000 km. Con tàu đã bị chìm một phần và không có một ai trên tàu, 4 tấn hàng hóa cũng không còn tăm tích.
Tàu Mary Celeste
Có lẽ câu chuyện về những con tàu ma có thật nổi tiếng nhất thuộc về tàu Mary Celeste. Mary Celeste được tìm thấy khi đang trôi dạt ở Đại Tây Dương vào năm 1872 trong tình trạng hoàn hảo không có hỏng hóc gì với các cánh buồm đã được căng lên, tư trang của các thuyền viên còn nguyên vẹn và tầng hầm chứa 1.500 thùng rượu chưa dùng đến. Những thứ duy nhất biến mất là thuyền cứu sinh, nhật ký đi biển của thuyền trưởng và điều quan trọng nhất – toàn bộ thủy thủ đoàn.
Điều này khiến cho giả thuyết con tàu bị cướp biển tấn công bị loại bỏ, dẫn đến những lời đồn đại như thủy thủ đoàn nổi loạn, vòi rồng xuất hiện hay những người trên tàu phát điên vì ăn phải thức ăn có độc... ra đời.
Tuy nhiên, lời giải thích hợp lý nhất có lẽ là do bão biển hoặc vấn đề kỹ thuật, thủy thủ đoàn đã buộc phải ngay lập tức rời tàu bằng thuyền cứu sinh và rồi chết trên biển sau đó. Ngoài ra, huyền thoại về con tàu ma Mary Celeste còn ghi nhận cả dấu ấn của những bóng ma, quái vật biển và thậm chí là người ngoài hành tinh.
Carroll A. Deering - tàu có 5 cột buồm
Con tàu thương mại có 5 cột buồm này được tìm thấy trong tình trạng bị mắc cạn tại vùng biển ngoài khơi Cape Hatteras, Bắc Carolina năm 1921 khi nó rời cảng Rio de Janeiro của Brazil để trở về cảng Norfolk, bang Virginia (Mỹ). Toàn bộ thủy thủ đoàn, đồ đạc cá nhân, xuồng cứu sinh đều mất tích.
Có giả thuyết cho rằng, có thể con tàu đã bị cướp biển hoặc bọn buôn lậu tấn công, tàu gặp bão hoặc các thủy thủ đã nổi loạn rồi rời tàu. Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể giải thích thỏa đáng về sự mất tích của Carroll A. Deering và đây được cho là một trong những bí mật hàng hải lớn nhất trong lịch sử.
Tàu Baychimo
Được sử dụng làm phương tiện chuyên chở và buôn bán da động vật dọc theo bờ biển Canada, tàu Baychimo không lạ gì với thời tiết khắc nghiệt. Ngày 8-10-1931, tàu Baychimo đã bị mắc kẹt trong băng. Sau đó, nó thoát ra được nhưng đến ngày 24-11 thì mất tích và được cho là đã bị chìm. Tuy nhiên, 3 ngày sau, nó xuất hiện trở lại tại vùng biển cách đó chừng 45 dặm. Khi đó, thủy thủ đoàn đã rời bỏ tàu.
Những thập kỷ sau đó, tàu Baychimo lại xuất hiện, và một số người thậm chí còn trèo lên tàu. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy tàu Baychimo là vào năm 1969 khi nó mắc kẹt trong băng ngoài khơi bờ biển Alaska. Từ đó, không ai biết tin tức gì về nó nữa.