Khác với những cây thị “trần tục”, cây thị gần 600 năm tuổi ở đây hễ bói bao nhiêu quả thì y như rằng năm ấy trong làng có bấy nhiêu người thi đỗ đại học...
Không chỉ thế, còn có chuyện những người trần mắt thịt không biết trót mạo phạm đến “thần thị” đều khó tránh khỏi lưỡi hái tử thần…. Những chuyện bí ẩn đến khó tin xung quanh ngôi miếu và cây thị đến nay vẫn chưa ai hóa giải.
“Báu vật” đền làng
Cách Hà Nội 40 cây số, dọc theo Quốc lộ 1A chúng tôi đã tìm đến huyện Yên Phong - mảnh đất có truyền thống khoa bảng, nổi tiếng nhất nhì xứ Kinh bắc với nhiều lễ hội có tầm ảnh hưởng văn hóa lâu đời: hội chùa Dâu; hội đền Đô; hội đền Bà Chúa Kho; di tích trống Cấm…. Đặc biệt hơn trong chuyến đi tác nghiệp ngày hôm ấy, chúng tôi đã được các bậc cao niên trong làng kể lại những câu chuyện kỳ lạ về ngôi miếu cổ và cây thị thiêng gần 600 năm tuổi.
Ông Trần Thế Thử (70 tuổi) là người trông coi đền lâu năm đã chứng kiến những sự đổi thay xung quanh ngôi đền cho hay: chẳng biết cây thị có từ bao giờ, khi cụ sinh ra và lớn lên, cây thị đã có rồi. Đến nay “thần thị” đã 600 năm tuổi, trong những năm chinh chiến loạn lạc cây thị là vị thần cứu tinh cho cả dân làng. Nhờ cấu tạo đặc biệt, bên trong thân cây hoàn toàn rỗng nhưng cành lá vẫn sum suê sống khỏe với thời gian. Người dân Phú Mẫn cũng nhờ lòng bộng của cây để trốn khỏi sự truy đuổi của kẻ thù.
Thời kỳ chống giặc Pháp xâm lược, cư dân các xóm đều về đây cư ngụ để trốn bị bắt đi phu, đi lính. Trong lúc bị giặc truy đuổi ráo riết, một số thanh niên trong làng đã liều mình chui vào ẩn nấp trong lòng bộng, hoặc trèo lên cây thị đợi đến khi giặc đi rồi mới chui ra. Nhờ thần thị mà suốt những năm tháng chiến tranh, cả quân dân Phú Mẫn đã thoát khỏi họng súng của quân thù.
Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bom rơi xuống vùng đất này cũng chệch hướng hoặc không thể nổ, bởi có cây thị “báu vật” và ngôi mộ thiêng của Ngài bảo vệ. Từ đó người dân trong vùng vẫn giữ nguyên miếu và cử người thay phiên nhau quét dọn, thờ cúng theo lễ tiết. Hằng năm theo tục lệ của làng hễ nhà ai có đám sá đều phải mang lễ vật ra đền làng thờ cúng sau đó đánh trống trình báo với các thần, có như vậy các ngài mới chứng dám và phù hộ cho. Với lòng thành kính suốt bao đời nay, người dân ở đây đã được thần cây, thần miếu bao bọc, che chở.
Điều lạ kỳ, cây thị mọc lên ngay tại vị trí gần phần mộ Ngài, dù đã trăm năm tuổi nhưng cây thị bên miếu cành lá vẫn xanh tốt, sum suê, bộ rễ xù xì nổi lên mặt đất với những hình thù kỳ dị, thân cây to đến bảy tám người ôm không xuể. Tán lá đồ sộ che mát một khuôn viên rộng đến hàng chục mét vuông, dù trưa hè chói chang xung quanh miếu vẫn râm mát lạ thường. Mang trong mình nhiều giai thoại và những câu chuyện kể ly kỳ, cây thị đã trở thành một “báu vật”, một phần văn hóa gắn với người dân Phú Mẫn suốt bao đời nay.
Ông Thử kể lại: sở dĩ cây thị linh thiêng như có vị thần che chở cho làng cũng bởi gần gốc cây là phần mộ của Quý Minh đại vương, theo sổ sách cũ ghi lại Quý Minh đại vương là một vị tướng thời Hùng Vương thứ XVIII. Tương truyền rằng sau khi mất, ở vị trí Quý Minh đại vương hóa, đất đùn lên thành nấm mồ, dân làng đã tự tay xây mộ và thờ cúng Ngài cẩn thận.
Quanh khu vực này có hơn 20 địa phương cùng thờ cúng, tuy nhiên chỉ có nơi đây được cho là nơi có thể lập đàn tràng cầu đảo mỗi khi mùa màng thất bát do thiên tai, hạn hán gây ra. Theo truyền thuyết, vào thời vua Lê Lương Dục, niên hiệu Hồng Thuận (1509 - 1516) đã sai Thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm, Trưởng hàn lâm viện đến cầu đảo ở miếu Phù đổng Thiên vương. Đêm ấy Thám hoa được báo mộng rằng: "Nay nền xã tắc đang lâm tai hạn, chỉ có thần núi Hàm Sơn có một bầu nước nên đến đó cầu".
Theo mộng, Thám hoa cùng tùy tùng về đền thần Quý Minh lập đàn cầu đảo, quả nhiên trời đổ mưa to. Thám hoa tự thấy rằng mộng ở miếu Phù đổng là linh ứng bèn tâu với nhà vua. Vua Lê truyền ban thưởng cho đền một trống lớn gọi là trống Sấm và năm nghìn viên gạch rồng. Hiện nay, trống Sấm đã trở thành di sản thiêng liêng của làng, mỗi khi có thiên tai, hạn hán, người dân xứ kinh bắc lại làm lễ cầu mưa, chỉ cần gióng lên hồi trống Sấm sẽ được linh ứng. Từ đó dân làng xem trống Sấm, miếu thờ, cây thị là những báu vật trời ban, biểu tượng của làng Phú Mẫn.
Ngôi miếu thờ nằm cách cây thị vài mét về phía tay trái đền, mới đây ngôi miếu thờ đã được dân làng trùng tu lại khang trang, sạch sẽ, toàn bộ ngôi miếu được bao phủ bằng một lớp áo khoác nâu kết từ rễ cây si, trong miếu những nén nhang mới thắp giòn giọt, mùi nhang phảng phất bay ra. Chỉ tay vào cây thị, ông Thử tỏ vẻ trầm trồ: “năm ngoái cả hai cây thị trong làng đều được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Vì muốn biết chính xác tuổi của cây, làng đã mời Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam về lấy mẫu tăng trưởng của cây thị, để xác định cây bao nhiêu tuổi. Viện (khoa học Lâm nghiệp) đã kết luận, cây thị ở đền Chờ này được xác định gần 600 năm tuổi, chính xác là 573 năm tuổi, còn cây thị nhỏ nằm sâu trong làng là 407 năm tuổi. Tuy nhiên, cây thị gần 600 năm tuổi ở đền này vẫn nổi tiếng là linh thiêng hơn cả”.
Ông Trần Thế Thử (70 tuổi) - người trông coi đền lâu năm kể lại những câu chuyện bí ẩn, khó tin xung quanh ngôi mộ cổ và cây thị thần
Những câu chuyện khó tin
Người xưa có câu “thần cây đa, ma cây thị”, có lẽ xuất phát từ câu tục ngữ trên mà người dân ở đây đã đem ra lý giải về những câu chuyện “liêu trai” mà cụ Thử sắp sửa kể cho chúng tôi nghe.
Thời kỳ nước ta chống thực dân, quân Pháp sang đánh chiếm nhưng tuyệt đối không dám động chạm đến cây thị, bởi một chuyện không hay xảy ra với một tên lính Pháp. "Một hôm quân giặc càn qua, một tên lính đã vô lễ đi tiểu vào gốc cây thị. Quả nhiên, đi được một đoạn đường, tên lính lăn đùng ngã ngửa rồi mất mạng. Cũng từ đó, lính Pháp không bao giờ dám bén mảng đến khu vực cây thị nữa. Từng tận mắt chứng kiến vụ việc xảy ra với tên lính Pháp nên người làng càng tin rằng cây thị có điều gì đấy linh thiêng huyền bí không thể giải thích được" – ông Thử kể.
Tuy sống trên đất Phú Mẫn suốt mấy trăm năm nhưng từ người già đến người trẻ gần như “bất khả xâm phạm” đến ngôi miếu và cây thị. Theo các vị cao niên trong làng kể lại, bao đời nay người dân Phú Mẫn khi đi qua miếu đều phải cúi đầu để tỏ lòng thành kính, nếu trong suy nghĩ có ý báng bổ, mạo phạm thì thế nào về đến nhà cũng bị thần miếu bắt mất hồn. Dân làng cũng kiêng kị đi ngang miếu vào xế trưa và lúc nhập nhoạng tối, có việc gì cần thiết cũng phải đi vòng đường khác bởi nếu hợp vía thì thể nào cũng bị thần cây bắt giấu vào trong miếu, sau mấy ngày đêm mới thả cho về.
Trước đây, những đứa trẻ nghịch ngợm giữa buổi trưa, trèo vào trong đền hái trộm thị về ăn nhưng chưa trèo được nửa cây thì bị ngã xuống đất. Cũng có một vài người dân ở vùng khác không biết đến chặt cành thị về làm củi không hiểu sao đang khỏe mạnh bỗng nhiên đổ bệnh đến “thập tử nhất sinh”. Thấy vậy, họ đã đem những cành thị khô đến gốc cây trả lại.
Cho đến bây giờ người ta vẫn không tài nào hóa giải được câu chuyện bí ẩn về “thần thị”. Ông Thử suy tư một hồi lâu rồi kể lại: “Chẳng biết là có một sự trùng hợp nào không nhưng từ thời phong kiến cho đến nay, cây thị bói được bao nhiêu quả thì y như rằng năm đó trong làng có bấy nhiêu người thi đỗ đại học. Thời nay cũng vậy, mỗi khi các cháu ở làng chuẩn bị đi thi đại học, các cụ đã dự đoán được năm nay có bao nhiêu cháu đỗ đạt với điểm số cao và vào các trường đại học lớn qua việc căn cứ vào số quả thị trên cây, qủa thị càng to thì càng nhiều người đỗ đạt cao. Năm nay, cây thị bói được 27 quả đến thời điểm này tính cả làng có đúng 27 cháu đỗ đại học vào các trường lớn".
Cũng theo lời ông Thử: đó là vào những đêm khuya thanh vắng, gió mát, mỗi khi đi đóng cửa đền ông lại nghe thấy những tiếng động kỳ lạ ngỡ như tiếng người hú gọi. Ban đầu nghe có vẻ rờn rợn nhưng sau rồi nghe quen mới biết hóa ra do thân cây thị rỗng bên trong khi gió thổi vào hốc cây đã tạo nên những tiếng động lạ. Lâu dần thành quen, nhiều khi lại cứ nghĩ tiếng sáo du dương, văng vẳng ai thổi đâu đó nghe vui tai.
Khác với cây thị thường, cây thị ở đền Chờ bói rất hiếm quả, vào mùa gió Nam (gió phơn mùa hạ) trái thị chín vàng sẽ theo gió rơi xuống sân đền, ai muốn nhặt đem về nhà thì phải vào miếu xin. Mỗi mùa như vậy trên cây rơi xuống chưa đầy chục trái, vì vậy dân làng rất quý, khi đem quả thị về nhà thì người dân cung kính bỏ lên bàn thờ chứ không nỡ ăn. Người già, trẻ nhỏ trong làng hít hà hương quả thị để cầu mong sự chở che, bao bọc, đỗ đạt cao của thần miếu, thần cây.
Có lẽ những câu chuyện mà ông Thử và người dân sống quanh ngôi đền kể lại có một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng cho đến nay vẫn chưa một ai có thể lý giải được những chuyện li kỳ, khó tin này. Ban quản lý đền khẳng định trong thời gian tới, cùng với dân làng sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo vệ ngôi mộ và cây thị để ngôi đền Chờ mãi là nơi linh thiêng – nơi gắn với một phần văn hóa không thể thiếu của người dân Phú Mẫn suốt bao đời.