Những năm gần đây, tệ ăn xin chèo kéo người đi đường, khách du lịch đã thực sự trở thành vấn nạn, phần nào làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách. Vấn đề này không những chưa được giải quyết một cách triệt để mà còn xuất hiện thêm nhiều biến tướng trong đó có hình thức "xin đểu"…
Trong xã hội, có những người rơi vào bước đường cùng phải cầu cạnh tới sự giúp đỡ của người khác để sống qua ngày, hình ảnh những cụ già, em nhỏ, cho đến những thanh niên khuyết tật lang thang trên khắp các con phố, vỉa hè, bến xe… khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng. Nhưng trong số những người đó, có không ít kẻ lười lao động giả danh, trà trộn vào những người ăn xin, sống dựa vào sự thương hại của người khác.
Thủ đoạn mà những đối tượng "ăn xin lịch sự" thì vô cùng biến hóa, khó có thể lường trước được, nhập vai có thể là thanh niên, trung niên, cũng có khi là các cụ ông, cụ bà… Biến tướng ở chỗ vẻ ngoài càng đứng đắn, lịch sự thì càng dễ hành nghề.
Ông Điểm ở đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy bất bình: "Tôi đang ngồi uống café, thấy một thanh niên, dắt xe máy BKS Thái Nguyên vẻ mệt nhọc tiến lại kể hoàn cảnh đang đi thì xe hết xăng, xin tôi 20 nghìn đồng. Nhìn người ta không may, tôi cũng động lòng, đưa cho anh ta 20 nghìn, rồi còn chỉ cho anh ta cây xăng gần nhất. Sau lời cảm ơn rối rít, tôi thấy hắn dắt bộ xe khoảng 10m thì lên xe nổ máy vọt đi, tôi mới biết mình bị lừa".
Bạn Thu, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, gặp một hoàn cảnh dở khóc, dở cười: "Trong một lần đứng chờ xe buýt, tôi gặp một cụ bà xin 10 nghìn đồng đi xe buýt, thật sự, lúc đó tôi cũng chỉ đủ tiền đi xe về nhà, nên nói một cách lễ phép là cháu không có, bà cụ nhìn tôi một hồi rồi buông lời chanh chua, "chúng mày là sinh viên, có ăn, có học mà không biết điều, thấy người ta vậy đã không giúp đỡ lại còn tỏ thái độ nọ kia…", tôi thật sự ngỡ ngàng nhưng không đôi co với bà cụ làm gì, chỉ có điều tôi không ngờ bà cụ lại có suy nghĩ thiển cận và nói ra những lời khó nghe như vậy".
Giả danh những người ăn xin đã đành, chí ít thì chúng cũng phải nhất thời hy sinh thể diện bản thân để có được bộ dạng rách rưới hay nghèo khổ hòng "cầu cạnh" lòng thương của mọi người. Đằng này chúng còn ngang nhiên, lộ liễu "xin đểu", dọa dẫm những người đi đường bằng thói côn đồ mà những người "bị xin" không thể từ chối. Những đối tượng này hầu hết ở lứa tuổi thanh niên và trung niên, chúng thường xuất hiện ở cổng các trường đại học. Ban đầu, chúng khoanh vùng đối tượng từ xa, lọt vào tầm ngắm của những kẻ "xin đểu" này thường là học sinh, sinh viên. Xin một cách lịch sự, tử tế không được, chúng mới chuyển sang hăm dọa bằng lời nói hoặc hành động làm không ít người sợ hãi.
Từng là nạn nhân của tệ "xin đểu", bạn Hà sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền kể lại: "Có lần đi qua khu vực Trường Đại học Sư phạm, đang đi thì thấy một người đàn ông đứng trên vỉa hè vẫy, gọi tôi lại một cách khẩn thiết, tôi tưởng có chuyện gì nên không ngần ngại rẽ vào vỉa hè. Người đàn ông đó sấn sổ hỏi xin tôi 10 nghìn đồng đi xe buýt mà không đưa ra một lý do nào cả. Tôi thấy lạ, vì ông ta chẳng có vẻ gì là người ăn xin, mà cũng chẳng có vẻ “hoàn cảnh” để tôi phải cho tiền ông ta cả. Tôi trả lời, "không có" và định quay xe bỏ đi thì gã đó rút trong người ra một cái xi lanh, làm tôi đứng tim, lúc đó chỉ nghĩ, thôi chỉ có 10 nghìn đồng... nhỡ đâu gã ta nghiện thật thì…".
Không ít người đã trở thành nạn nhân của những kẻ lưu manh đó, nhưng thay vì báo công an thì họ lại nghĩ "thôi thì mất ít tiền để tránh chuốc lấy phiền phức", khiến cho những đối tượng này càng được dịp lộng hành.
Khó nhận biết để ngăn chặn tệ nạn này nên mọi người hãy cảnh giác với những quái chiêu của những kẻ "xin đểu" để bảo vệ chính bản thân mình.