Đó là Vũ Minh Trí, sinh năm 1973, người vừa được bổ nhiệm làm CEO Microsoft Việt Nam. Trước đó, anh từng làm CEO của một số tập đoàn đa quốc gia
Vũ Minh Trí kể: “Những năm đầu 1990, việc chọn trường rất đơn giản, thích thì chọn chứ ít ai nghĩ nhiều đến yếu tố danh giá kiểu “nhất y, nhì dược”. Tôi cũng thế và đã trở thành sinh viên ngành kỹ sư hóa dầu Trường ĐH Bách khoa TP. HCM theo cách đó”.
Khẳng định tên tuổi
Từ thời sinh viên, Trí đã được đánh giá cao về sức học, năng khiếu lãnh đạo như một tố chất bẩm sinh. Sau khi tốt nghiệp với đề tài về dầu khí, anh được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tuyển thẳng. “Nhà mặt phố, bố làm dầu khí”, người ta hay nói thế và khi ấy ai cũng bảo Trí may mắn. Nhưng sau một thời gian miệt mài ở phòng thí nghiệm của tập đoàn, chàng kỹ sư trẻ cảm thấy mất hứng thú với những công việc khô khan, trùng lặp. “Vẻ như tôi chọn nhầm nghề. Soi vào gương, thấy đó không phải hình ảnh của mình. Cứ như vậy, chẳng lẽ 5-10 năm sau mình sẽ là một kỹ sư già? Đắn đo vài lần, tôi quyết định chia tay ngành dầu khí” - Trí cho biết.
Trong suốt 10 năm, Vũ Minh Trí trải qua công việc sales, marketing ở nhiều tập đoàn đa quốc gia như P&G, BP, BAT… Rồi chàng kỹ sư năm nào bước lên tầm cao mới với vai trò CEO của Sony Ericsson. Giai đoạn năm 2006-2007, khi Vũ Minh Trí về Sony Ericsson, thị phần của hãng chỉ là 2%. Dưới bàn tay của CEO trẻ này, con số đó nhanh chóng cán mức 12%, rồi tăng chóng mặt đến 600%.
Năm 2008, Trí chia tay Sony Ericsson, được mời về làm CEO cho Yahoo! Việt Nam. Lúc này, trên thế giới và tại Việt Nam, Yahoo! đã là “gã khổng lồ” trong làng công nghệ. Và từ đây, “thương hiệu” Vũ Minh Trí được biết đến nhiều hơn khi anh xin giấy phép thành lập công ty internet nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam - điều mà đến giờ vẫn chưa có ai làm, ngoài Vũ Minh Trí. Đam mê công nghệ và hiểu tâm lý cư dân mạng, Trí và Yahoo! luôn quyết tâm phải làm cho khách hàng hài lòng ngay cả khi cung cấp dịch vụ miễn phí, đó là phải bảo mật thông tin cá nhân cho họ. Sự thành công của Yahoo! Việt Nam, nhất là blog trực tuyến Yahoo! 360, ghi đậm dấu ấn Vũ Minh Trí.
Tầm nhìn xa
Hai năm sau, kết thúc hợp đồng tại Yahoo! Việt Nam, anh về với Qualcomm, cũng vai trò CEO phụ trách khu vực Đông Dương và Thái Lan. Tại đây, anh cảm thấy hài lòng vì được làm theo triết lý riêng của mình: Đối thủ cũng chính là đối tác, vì thế phải hỗ trợ nhau cùng thúc đẩy thị trường điện thoại công nghệ 3G phát triển.
Nhiệm vụ của CEO Vũ Minh Trí ở Qualcomm là tập trung phát triển công nghệ 3G và điện thoại di động bằng cách phối hợp với các mạng viễn thông nâng cao chất lượng mạng. Rồi Qualcomm ký hợp đồng bán chip cho các OEM (Originally Equipment Manufacturer - nhà sản xuất thiết bị gốc) của Trung Quốc và Đài Loan. Sau đó, các OEM bán điện thoại di động có chip Qualcomm cho những thương hiệu Việt Nam như Q-Mobile hay FPT, khuyến khích khách hàng chuyển từ công nghệ 2G sang 3G. Và đến giờ, dòng smartphone (điện thoại thông minh) vẫn tăng trưởng rất nhanh, chiếm lĩnh thị trường điện thoại với các dòng máy dưới 150 USD, “chạy ào ào” trên nền tảng 3G. Điều đó chứng minh cho tầm nhìn xa của Vũ Minh Trí.
“Người ta nhớ đến “Trí Qualcomm” nhiều hơn so với khi tôi làm ở Yahoo! nhưng chưa chắc đó là nơi thành công nhất” - anh chia sẻ. Với một người giàu khát vọng như Vũ Minh Trí, sự thành công không dừng lại ở bấy nhiêu đó mà phải đầy lên theo năm tháng.
Góp sức phát triển công nghệ cao
Đang sôi nổi trò chuyện về những bước đi mới trong ngành công nghệ, chợt nhắc đến lĩnh vực sản xuất điện thoại di động của Việt Nam, Vũ Minh Trí trở nên suy tư. Anh kể rằng mỗi lần đến thăm các trung tâm công nghệ trên thế giới, anh đều tự hỏi: Điện thoại “made in Vietnam” đang ở đâu? Bao giờ có?... Đến nay, ngành thiết bị đầu cuối các nước đều phụ thuộc vào “công xưởng thế giới” Trung Quốc. Bằng nhiều chính sách mở, Trung Quốc lôi kéo các nhà máy trên thế giới về nước mình rồi tranh thủ học hỏi công nghệ, cách làm. Đến giờ, công nhân của Trung Quốc có thể làm được tất cả quy trình lắp ráp, phát triển thiết bị đầu cuối, có khi còn giỏi hơn cả kỹ sư điện tử của Việt Nam. Các hãng điện thoại nổi tiếng như Nokia, Samsung, LG, Apple… đều đặt nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc. Mỗi năm, Việt Nam có 21 triệu chiếc điện thoại di động mới được bán ra, trong đó dòng smartphone chiếm khoảng 20% nhưng chủ yếu là của đối tác nước ngoài. “Chúng ta không có gì ngoài lắp ráp. Một chiếc điện thoại giá 100 USD, trị giá phần lắp ráp chỉ chiếm… vài USD, phần thiết kế, phát triển sản phẩm chiếm đến 30%-40%...” - Vũ Minh Trí ưu tư.
Có lẽ vì thế mà thay vì hài lòng với thành công, Vũ Minh Trí lại bộc bạch: “Tôi nể anh Thân Trọng Phúc (cựu tổng giám đốc Intel Việt Nam) vì đã dày công đưa nhà máy Intel về đặt ở Khu Công nghệ cao TP. HCM; phục anh Võ Quang Huệ (tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam) với nhà máy viết phần mềm cho những thiết bị tự động cao cấp đặt tại KCN Long Thành - Đồng Nai”.
Giờ đây, khi đảm nhận cương vị mới, rất quan trọng là CEO của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Microsoft tại Việt Nam, anh vẫn hằng ngày âm thầm góp từng “viên gạch” xây nền móng cho ngành công nghệ cao của nước nhà. “Microsoft Việt Nam vẫn đi theo chiến lược chung của tập đoàn nhưng sẽ được sáng tạo và đổi mới để phù hợp với thị trường Việt Nam. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình và quyết tâm lèo lái con thuyền Microsoft tiến những bước vững chắc để mang đến những sản phẩm, giải pháp công nghệ hữu ích nhất cho người dân Việt”.
Bên mái ấm gia đình Bạn đời của Vũ Minh Trí cũng là bạn học từ thời đại học, gắn bó nhiều năm nên rất hiểu tính chồng. Từ khi anh bận rộn chinh phục những vị trí mới, chị lùi lại phía sau thầm lặng chăm lo cho gia đình. “Vợ tôi thích nấu ăn, làm bánh, khi ở nhà cô ấy sẽ có thời gian làm theo sở thích của mình” - anh chia sẻ. Trí cho biết giai đoạn này anh rất bận rộn nên hy vọng sau 45 tuổi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, nhất là 2 nhóc xinh xắn của mình. |