Đến hẹn lại lên, kỳ thi đại học thường khiến cả xã hội quan tâm. Các sĩ tử lo lắng là một nhẽ, các phụ huynh cũng thấp thỏm, lo từng miếng cơm, giấc ngủ khi đưa con lai “kinh ứng thí”. Đằng sau những câu chuyện này là giấc mơ giảng đường cháy bỏng của mỗi gia đình.
Bị cướp sạch tiền, bố bấn loạn phải nhập viện
Sáng 1/7, hai cha con ông Nguyễn Văn Thông (SN 1969, trú tại Phước Tuy, Duy Phước, Diên Khánh, Khánh Hòa) đi tàu từ Khánh Hòa ra Huế thi vào trường Đại học Y dược với tâm trạng phấn khởi. Hai cha con đến Huế được một người quen dẫn vào trọ gần trường để tiện việc thi cử, ăn ở. Được xếp vào khu ký túc xá Đống Đa nhưng do nóng quá nên hai cha con quyết định sang nhọ nhờ nhà bà Thái Thị Bạch Mai (61 tuổi, trú tại đường Nguyễn Huệ, TP Huế). Tại đây, sóng gió ập đến hai cha con họ.
Sáng 9/7, trong lúc Minh đang ôn bài chuẩn bị cho đợt thi thì cha bảo về gấp không cho thi nữa. Thấy thái độ lạ của cha, Minh ngơ ngác không hiểu chuyện gì, chỉ cun cút làm theo nhưng trong lòng vô cùng hoang mang. Ra đến bến xe phía Nam, TP Huế, tinh thần của ông Thông càng trở nên bấn loạn, thậm chí khi gọi điện cho vợ, ông Thông còn bảo có người đang băm thịt ông ra. Khi mọi người xung quanh xúm vào hỏi thăm, ông ôm con khóc lóc lảm nhảm. Thấy vậy, Đội trật tự xe hỗ trợ đưa ông Thông vào phòng bảo vệ thì ông liên tục la hét, cắn xé dây điện. Sau đó, lực lượng chức năng đã đưa ông Thông về bệnh viện tâm thần Huế ngay trong đêm. Còn Minh được đón chở về nơi trọ cũ và được các anh chị sinh viên nhiệt tình giúp đỡ.
Hai vợ chồng ông Thông tại bệnh viện. (Ảnh: VTC News).
Sự việc bắt nguồn từ việc số tiền 10 triệu đồng mang theo “không cánh mà bay” nên ông Thông hoang mang rơi vào hoàn cảnh bế tắc.
18 giờ khóc cạn nước mắt tìm con giữa Thủ đô
Đó là cô Phan Thị Mừng trú tại xóm miền núi Hang Leo, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, Thái Nguyên – phụ huynh thí sinh Đỗ Thị Kim Ngân dự thi đại học khối C trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG HN).
Sáng 6/7, cô Mừng dẫn Ngân ra Hà Nội đi thi mang theo mấy trăm ngàn làm lộ phí. Khi xe dừng tại bến Mỹ Đình, hai mẹ con phát hiện điện thoại bị mất. Sau khi tìm được chỗ trọ gần điểm thi tại trường THCS Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), chiều tối cùng ngày, cô Mừng từ nhà trọ đi mua cơm do không thuộc đường nên bị lạc.
Bất lực, cô Mừng ra trường thi đợi, hy vọng con gái không thấy mẹ sẽ tìm ở nơi nay. Chờ mãi không thấy con đâu, cô tiếp tục lang thang tìm về nhà trọ. Cả đêm cô cứ đi mải miết như thế đến sáng sớm ngày 7/7, đội tình nguyện xung kích trường ĐH KHXH&NV phát hiện ra cô và biết được câu chuyện oái ăm trên nên đã dẫn cô trình báo công an.
Hai mẹ con chưa hết bàng hoàng vì trải qua gần một ngày hoảng sợ. (Ảnh: DT).
Nhận được tin từ chủ nhà trọ, cô Mừng hoảng loạn vội vã chạy ra bến xe Mỹ Đình tìm con. Tuy nhiên, vẫn không có chút manh mối nào. Trong lúc bối rối thì một anh xe ôm cho biết có nhìn thấy cô bé thất thần tìm xe về Thái Nguyên. Đến đầu giờ chiều 7/7, một tài xế taxi của hãng A.L xác nhận có chở Ngân về Thái Nguyên. Sau khi được bố thuyết phục, Ngân lại lên đường quay về Hà Nội gặp mẹ. Trải qua gần 1 ngày, hai mẹ con vẫn chưa hết bàng hoàng, hoang mang.
Cha chống nạng vượt 300km đưa con đi thi
Hình ảnh người bố mất một chân, một tay chống nạng khập khễnh lê từng bước khó khăn đưa con trai đi thi khiến nhiều phụ huynh và thí sinh tại điểm thi khu B trường ĐH Công nghiệp Hà Nội rơi nước mắt. Ông là Trịnh Duy Tâm (SN 1965, ở quý lộc, Yên Định, Thanh Hóa), là thương binh hạng ¼.
Người cha Trịnh Duy Tâm vượt 300 cây số đưa con đi thi đại học. (Ảnh: Soha).
Trò chuyện với PV, ông Tâm chia sẻ do gia đình neo người nên đã tự mình vượt gần 300km đưa con trai là Trịnh Minh Đức ra Hà Nội dự thi khối B. “Đưa con đi thi tuy rất vất vả và mệt, nhưng tôi vẫn thấy vui vì đó là ước mơ và là cơ hội của con. Gia đình tôi không tạo áp lực cho cháu mà thường động viên cháu cố gắng bình tĩnh, tự tin để làm bài thi thật tốt”, ông Tâm rạng ngời nói thêm.
Vì ở trọ cách điểm thi 12km nên từ 5h sáng ông Tâm đã đưa con đến điểm thi và buổi chiều từ 12h trưa. Ngồi trong quán nước chờ con, ông nhấp nhổm không yên, đôi mắt đỏ hoe luôn hướng về phía trường. Trên khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ chốc chốc lại thấy ông lấy điện thoại ra xem giờ lo lắng rồi chống nạng ra trước cổng trường đợi con. Khi thấy cậu con trai bước ra khỏi phòng thi với nụ cười nở trên môi ông mới thở phào nhẹ nhõm.