Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư số 08/2013/TT-TTCP hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.
Mục tiêu chính của thông tư là nhằm tăng cường sự minh bạch trong sở hữu tài sản của nhiều đối tượng, cũng như hướng đến khả năng có thể góp phần hạn chế tham nhũng.
Như VnEconomy đề cập ở bản tin trước, trong 9 loại tài sản phải kê khai, Thông tư 08 có độ bao quát rộng khi quy định cả các loại tài sản như cây cảnh, bộ bàn ghế, tranh, ảnh, đồ mỹ nghệ…
Như theo quy định trên, những tài sản trên có giá trị quy đổi mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên phải kê khai, thì việc xác định giá trị hẳn không dễ dàng. Ví như, để định giá một cây cảnh sẽ cần một loạt các tiêu chí có thể định lượng, nhưng cũng rất khó định lượng như “gu” người mua, sở thích, hoặc tình trạng không có hóa đơn khi giao dịch mặt hàng này… Hay bộ bàn ghế lâu đời, hẳn cần nhiều tiêu chí để tham chiếu xác định giá trị…
Theo Thông tư 08, để tránh sự không minh bạch trong kê khai, các đơn vị chuyên trách sẽ thực hiện xác minh lại và thời hạn xác minh lại là 20 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định xác minh lại, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày làm việc. Trong công đoạn này, hẳn là sẽ cần sự phối hợp của các đầu mối chuyên môn, thậm chí chuyên gia ở những loại tài sản đặc thù.
Dù sẽ có những khó khăn khi triển khai trên thực tế, song Thông tư 08 đã có sự bao quát khá rộng về các loại tài sản, thu nhập, đặc biệt là quy định cụ thể các đối tượng phải thực hiện kê khai.
Cụ thể, có 9 nhóm đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập, bắt đầu từ ngày 16/12/2013, thời điểm Thông tư 08 có hiệu lực.
1. Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, hội đồng nhân dân.
2. Cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương (có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 trở lên) trong cơ quan, đơn vị của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức, đơn vị khác được giao biên chế và có sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước.
3. Sĩ quan chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó tiểu đoàn trưởng trở lên trong quân đội nhân dân; sĩ quan chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó trưởng công an phường, thị trấn, phó đội trưởng trở lên trong công an nhân dân.
4. Người giữ chức vụ tương đương phó trưởng phòng trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập như: bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ quan báo, tạp chí, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
5. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của Nhà nước.
6. Người làm việc trong doanh nghiệp nhà nước gồm:
- Thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý tương đương từ phó trưởng phòng trở lên.
- Người được cử làm đại diện phần vốn của Nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp nhà nước và người đó giữ chức danh quản lý từ phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp liên doanh, liên kết).
7. Bí thư, phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; chỉ huy trưởng quân sự, công chức địa chính, xây dựng, tài chính, tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn; trưởng công an xã.
8. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thẩm phán, thư ký toà án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước.
9. Công chức, viên chức không giữ chức vụ trong các cơ quan của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội nhân dân, công an nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập nhưng được bố trí thường xuyên làm các công việc sau:
- Quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước quy định theo danh mục của Thông tư.
- Trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong các lĩnh vực quy định theo danh mục của Thông tư.
Cũng theo Thông tư 08, một nội dung đáng chú ý khác là Chánh văn phòng Trung ương Đảng sẽ chịu trách nhiệm tổ chức công khai bản kê khai của Tổng bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng và những người thường xuyên làm việc tại Văn phòng Trung ương Đảng.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức công khai bản kê khai của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước và những người làm việc thường xuyên tại Văn phòng Chủ tịch nước.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tổ chức công khai bản kê khai của Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những người làm việc thường xuyên tại Văn phòng Quốc hội.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tổ chức công khai bản kê khai của Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng Chính phủ và những người làm việc thường xuyên tại Văn phòng Chính phủ.
Chánh văn phòng cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp (tỉnh, huyện) tổ chức công khai bản kê khai của bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cùng cấp và những người làm việc thường xuyên tại cơ quan do mình quản lý.
Thời điểm công khai được thực hiện trong khoảng thời gian từ sau khi hoàn thành việc kiểm tra bản kê khai đến ngày 31/3 hàng năm.