Nhờn dư luận

Sợ dư luận không chỉ sợ mang tai mang tiếng, mà còn sợ bị lạc đường...

Nếu có ai đó kỳ công ngồi cộng trừ các vấn đề tiêu cực được nêu ra qua vài kỳ họp Quốc hội, rồi so sánh với việc chúng được khắc phục, sửa chữa, loại bỏ đến đâu, sẽ phải tiếc cho sự nhiệt tâm của mình đã bị vô hiệu hóa đơn giản như thế nào. Dù sao thì việc đó còn có thể làm được. Nhưng việc tính đếm, cộng trừ thiệt hại, tổn thất mà toàn xã hội phải gánh chịu do đầu tư trí tuệ, công sức, thời gian, lòng chân thành và lòng tin không đúng chỗ, thì không phép tính tự nhiên nào thực hiện được đầy đủ.

Trong cuốn từ điển Đào Duy Anh xuất bản bởi Minh Tân năm 1950, từ “dư”, ngoài những nghĩa khác, còn được giải thích là “công chúng”, từ “luận” là bàn bạc, suy xét, phê bình. Vì thế từ ghép “dư luận” có thể hiểu là bàn bạc của công chúng, suy xét của công chúng hay phê bình của công chúng đều được cả, đều nhằm nói lên cái nghĩa mà mọi ngươi đang hiểu là “tiếng nói của số đông”. Cụ thể hơn thì “dư luận” là tiếng nói mang tính nhận định của nhiều người, của cộng đồng về một vấn đề nào đó ít nhiều liên quan đến họ. (Mọi người bàn thảo, bình phẩm, cổ vũ hay lên án…). Vì là tiếng nói, quan điểm của nhiều người nên dư luận không bao giờ thống nhất về cách nhìn nhận, cách đánh giá vấn đề đang được xã hội quan tâm. Nhưng chính vì thế mà dư luận luôn là một sức mạnh. Thậm chí với đời sống bình thường, trong xã hội dân sự, dư luận đóng vai trò chủ đạo trong việc điều tiết các loại hành vi của tổ chức hay cá nhân. Không ai, không lực lượng nào có thể bất chấp mãi được dư luận, kể cả khi họ có trong tay binh hùng tướng mạnh hay tiềm lực kinh tế khổng lồ.

Phạm vi nhỏ là dư luận trong một tổ chức, cộng đồng. Lớn chút nữa là quốc gia, khu vực. Lớn nhất là dư luận thế giới. Dù lớn hay nhỏ, cách tác động của dư luận vẫn theo một cách duy nhất là tạo áp lực tinh thần. Dư luận thực chất là thể hiện gián tiếp ý chí của đám đông.

Xã hội càng văn minh thì càng cởi mở về thông tin, tức là càng coi trọng dư luận, trước hết bởi vai trò gây sức ép của nó. Một sự kiện, một lời nói, một việc làm nào đó…nhờ internet, sẽ nhanh chóng lan truyền ra cả cộng đồng, bị đặt dưới mối quan tâm của hàng triệu người. Hàng triệu người ấy lập tức tỏ thái độ, đưa ra những bình phẩm, phán xét…để cuối cùng sự kiện, lời nói, việc làm nào đó đáng được cổ vũ hay cần phải bị lên án. Sức mạnh tinh thần nhanh chóng biến thành sức mạnh vật chất dưới mọi biểu hiện. Nếu chỉ là vấn đề đạo đức, thẩm mỹ, thuần phong mỹ tục…thì nó gây sức ép để thay đổi theo hướng mà số đông muốn. Còn nếu liên quan đến pháp luật thì dư luận can dự vào những quyết định hình sự.

Vì thế dư luận là một lực lượng xã hội không ai được coi thường. Một vụ xả thải của công ty Vê-dan, sự kiện chôn thuốc bảo vệ thực vật của Nicotex, những vụ bạo hành trẻ em, hàng trăm vụ tham nhũng lớn nhỏ, hàng chục vụ cá lớn nuốt cá bé trong kinh doanh vi phạm đạo đức nghề nghiệp và luật cạnh tranh, những tranh chấp dân sự về nhà cửa đất đai…tất tần tật đều nhờ dư luận mà không thể thoái thác trách nhiệm giải quyết. Nếu chỉ các bên liên quan biết với nhau, nếu thông tin bị bưng bít, chắc chắn rất nhiều trong số những vụ đó rơi vào im lặng, thỏa thuận ngầm, đi đêm để qua mặt luật pháp, thậm chí mất hút ngay khi vừa xay ra.

Điều đó cho thấy, sợ dư luận là một thái độ còn lành mạnh về mặt đạo đức. Sợ dư luận không chỉ sợ mang tai mang tiếng, mà còn sợ bị lạc đường. Vì sợ dư luận mà người ta biết dừng lại khi đứng trước ranh giới của tội ác. Vì biết sợ dư luận mà người ta điều chỉnh hành vi ngay khi nó mới còn trong dự định, để không bị lên án. Vì biết sợ dư luận mà kẻ mạnh không thể áp đặt những tiêu chuẩn phi lý cho kẻ yếu hơn mình. Tức là dư luận góp vào việc tạo ra công lý, thậm chí tạo ra sự công bằng.

Nhưng có vẻ như những biểu hiện ấy đang dần trở thành quá vãng, ít nhất là trong xã hội ta. Nếu như trước đây việc làm sai trái nào đó bị đưa lên mặt báo, là cả một nỗi kinh hoàng thật sự với người gây ra hoặc phải chịu trách nhiệm, thì giờ đây điều đó chỉ còn cái vẻ hình thức bên ngoài. Báo chí có thể cứ tha hồ nói, tha hồ phê phán, tha hồ gây áp lực…tạo lên những cơn sóng thần dư luận, nhưng đối tượng bị chỉ trích chỉ giả vờ run sợ. Thực chất họ chả coi ra gì. Họ chỉ cần duy nhất môn võ lì là hóa giải tất cả. Nói mãi thì rồi cũng phải mệt. Mọi người có thể bị thu hút lúc đầu, nhưng chả ai đủ kiên nhẫn để theo dõi cả một quá trình mà họ biết sẽ rất dài. Trong khi xã hội thì sự kiện nóng này chưa kịp nguội, đã lại có những sự kiện nóng hơn, đáng quan tâm hơn, hấp dẫn hơn về mặt nội dung. Dư luận luôn mệt mỏi, bỏ cuộc trước khi vấn đề, do chính đòi hỏi của dư luận, phải đi đến ngã ngũ.

Hiện tượng này tạm gọi là nhờn dư luận. Chúng ta chỉ cần theo dõi quá trình chất vấn và trả lời chất vẫn trên diễn đàn quốc hội cũng đã đủ thấy. Dăm bảy năm trước, thậm chí vài ba năm trước, bất cứ vấn đề nóng nào của đất nước đều khiến không chỉ các đại biểu chú ý, những người có trách nhiệm giải trình quan tâm bằng nỗi lo lắng có thật, mà cử chi cũng kiên nhẫn theo dõi. Còn giờ đây, chỉ người đưa ra câu hỏi và cử chi sốt sắng, còn phần lớn nhân vật chính là người phải trả lời thì đã kịp tìm ra phương thuốc kháng lại rất hiệu quả là trả lời mà như không trả lời. (Tôi nói phần lớn vì vẫn còn những người dám đối mặt một cách trung thực và không ngại nhận trách nhiệm).

Phương thuốc đó chỉ đơn giản là câu giờ. Câu giờ có nhiều cách. Hoãn việc trả lời, với đủ lý do, nào là còn tổng hợp, nào là quên văn bản, tìm cách thay việc phải trả lời thẳng trên nghị trường cho cả nước nghe, bằng cách trả lời riêng theo đường công văn, thực chất là không trả lời gì cả, kịp cho đến khi vấn đề tự nguội; không thoái thác được thì trả lời vòng vo, giải thích dài dòng để phân tán sự chú ý, chiếm hết quỹ thời gian và làm mất kiên nhẫn đối tượng theo dõi. Nhưng cách mà các vị này hay dùng nhất là cứ trả lời, hỏi gì đáp nấy ở mức có kiểm soát; cứ hứa: hứa to hứa nhỏ đều rất thành khẩn; cứ nhận thiếu xót…thậm chí rất thống thiết, bởi thiếu xót thì thánh thần cũng khó tránh. Nhận thiếu xót cũng dễ làm mủi lòng người quan tâm. Nhưng điểm quan trọng nhất là thực hiện lời hứa, thực hiện việc sửa chữa, sửa sai, khắc phục yếu kém, tức là phải trả lời đến cùng vấn đề dư luận nêu ra, thì họ lờ tịt đi một cách có chủ ý, bằng thái độ thi gan với một sự lì lợm đầy bản lĩnh. Họ biết rõ không ai đủ sức lì lợm được như họ, bởi còn biết bao vấn đề khác phải quan tâm. Và thế là bao nhiêu công sức dư luận bỏ ra để tìm vấn đề, xới vấn đề, hâm nóng vẫn đề; bao nhiêu sự chú ý mang tính chính trị, gây áp lực xã hội, cuối cũng không cần phải tốn thêm chút sức nào cũng tự tan, tự nguội đi hoặc biến mất. Khoảng cách giữa hai lần họp Quốc hội, khoảng cách của những sự kiện luôn vừa đủ để cho mọi người lại có vô khối vấn đề để quan tâm mà quên những vấn đề trước đây.

Điều đó cho thấy bệnh nhờn dư luận, tưởng chỉ là phép tu từ ngôn ngữ, thực chất là một căn bệnh đã hiện hình, có triệu chứng lâm sàng, có biểu hiện bệnh lý rõ ràng và có sức hủy hoại rất khủng khiếp. Tức là ngoài nạn tham nhũng của cải dưới dạng vật chất đang ngày một trầm trọng, làm suy kiệt nguồn lực quốc gia, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nạn tham nhũng lòng tin, làm nản chí mọi thiện ý với đất nước. Của cải mất có thể tìm lại được, làm bù được. Nhưng một khi lòng tin đã mất thì vô phương cứu chữa. Cần phải sớm có chế tài với loại tham nhũng này nếu muốn chống lại có hiệu quả nạn tham nhũng kia.