Nhóm cho vay nặng lãi qua mạng với lãi suất hơn 2.000% một năm vừa bị triệt phá sẽ bị xử lý thế nào?
Thứ năm, 26/05/2022 16:45

Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP. Hà Nội) đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ triệt phá đường dây cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê quy mô xuyên quốc gia, liên quan đến gần 300 đối tượng.

Theo cơ quan công an, ngày 24/5, các tổ công tác đồng loạt triệt phá 7 cơ sở của tổ chức cho vay lãi nặng dưới hình thức "tín dụng đen" ở 3 tỉnh, TP: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Đồng thời, đưa gần 300 đối tượng và thu giữ toàn bộ tang vật có liên quan về trụ sở cơ quan điều tra.

Bắt nhóm cho vay nặng lãi tới hơn 2.000% một năm , cắt ghép ảnh để bôi xấu con nợ - Ảnh 1.

Các nghi phạm trong đường dây tại trụ sở cảnh sát. (Ảnh: CACC)

Theo tài liệu điều tra, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn TP. Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện hiện tượng cho vay qua app và đòi nợ dưới hình thức "tín dụng đen". Người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2 - 30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào. Sau đó, các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này. Theo đó, người vay sẽ phải thanh toán trong vòng 3-5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân.

Nếu "con nợ" không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, "lãi mẹ đẻ lãi con" lên tới 1.570% - 2.190%/năm. Khi người vay không thanh toán được, các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ được phân cấp khác nhau nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần từ "con nợ" đến người thân của họ và toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại mà "con nợ" cung cấp trước đó. Thậm chí, các đối tượng còn cắt ghép hình ảnh của "con nợ" rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ uy tín, hạ danh dự, làm nhục để thúc ép "con nợ", hoặc người nhà phải trả tiền, gây bức xúc trong dư luận.

Công an Hà Nội đã xác định người điều hành chính hệ thống cho vay, đòi nợ tại Việt Nam là Nguyễn Quang Vũ (SN 1987, trú tại Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội). Ngoài ra, cơ quan công an cũng xác định đối tượng quản lý phụ trách toàn bộ hệ thống đòi nợ tại Việt Nam là Zhang Min (Mẫn, SN 1986, người Trung Quốc). Mẫn chịu trách nhiệm quản lý, đốc thúc các trưởng bộ phận đòi nợ của khách hàng.

Theo lời khai của Nguyễn Quang Vũ, đối tượng cầm đầu hệ thống này là người Trung Quốc, tuy nhiên, khi đối tượng này không có mặt, Vũ sẽ được ủy quyền, chịu trách nhiệm ký các giấy tờ liên quan đến ngân hàng, hợp đồng với khách hàng được công ty nhận đòi nợ thuê… Vũ được công ty trả số tiền lương là 44 triệu đồng/tháng.

Vũ cũng khai nhận, để hợp thức hóa việc cho vay lãi nặng và đòi nợ, các đối tượng thành lập công ty cầm đồ, lập 3 app vay là "cashvn", "vaynhanhpro" và "ovay". Cho đến thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng vay qua hệ thống 3 app trên khoảng gần 1 triệu người. Mỗi tháng, số tiền các đối tượng giải ngân cho vay khoảng 100 tỷ đồng.

Để lôi kéo khách hàng, nhóm này quảng bá rầm rộ qua mạng xã hội với những điều kiện vay vô cùng đơn giản, nhanh chóng.

Nhóm cho vay nặng lãi qua mạng với lãi suất hơn 2.000% một năm sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Nhiều tài liệu, thiết bị trong vụ án được thu giữ. (Ảnh: VOV)

Liên quan đến vụ án, trao đổi với Tri thức trực tuyến, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội) cho biết hoạt động vi phạm pháp luật liên quan cho vay lãi nặng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp với đặc trưng là giải ngân không cần tài sản thế chấp. Nhiều người nhận thức được mức độ rủi ro nhưng vẫn chấp nhận vay tiền, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.

Mức lãi suất 1.570-2.190% một năm là quá cao so với mức lãi suất trần của Bộ luật Dân sự (tối đa 20%/năm). Do đó, kẻ cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo và thực hiện hành vi sẽ bị truy tố về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, theo Điều 201 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Với quy mô của đường dây nói trên, hành vi cho vay nặng lãi đã diễn ra trong khoảng thời gian dài, số tiền thu lợi bất chính lớn, các nghi phạm có thể sẽ bị truy tố theo Khoản 2, Điều 201 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù, hoặc phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung lên đến 100 triệu đồng, đồng thời cấm đảm nhiệm các công việc liên quan đến cho vay vốn trong khoảng 1-5 năm.

Trong vụ án này, những "mắt xích" của đường dây còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hành vi xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác và cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Chế tài xử phạt sẽ phụ thuộc vào vai trò của từng người.

Những người làm thuê, thực hiện hành vi lần đầu theo sự chỉ đạo sẽ bị xử phạt 2-3 triệu đồng theo Điểm a, Khoản 3, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hoặc 10-20 triệu đồng theo Điểm g, Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Những người cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác, quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt cho tội danh này là phạt cảnh cáo, phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phapluat.suckhoedoisong.vn

Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/nhom-cho-vay-nang-lai-qua-mang-voi-lai-suat-hon-2000-mot-nam-vua-.. Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/nhom-cho-vay-nang-lai-qua-mang-voi-lai-suat-hon-2000-mot-nam-vua-bi-triet-pha-se-bi-xu-ly-the-nao-162220526141923638.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Cho vay nặng lãi , tín dụng đen , tin pháp luật