Nhọc nhằn đời sống diêm dân ngày cận Tết

Giá cả bấp bênh, thu nhập của người dân dựa vào nghề làm muối chỉ đạt dưới 1 triệu đồng/người/tháng, nhưng những diêm dân tại xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc và huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá vẫn phải gắn bó với nghề.

Bám trụ với làng?

Đến thôn Tam Hòa xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa những ngày cận tết, không khí kém phần tấp nập, khác hẳn với không khí tấp nập sắm tết tại những vùng quê khác. Bác Hà hớt hải cầm trên tay chiếc làn trong đó đựng bánh kẹo và một ít thực phẩm khô, “tết năm nay nhà tôi chỉ có gần 2 triệu tiền tiêu tết thôi, ở nhà có nuôi được mấy con gà và có sẵn đồ biển rồi…” bác Hà bộc bạch khi được hỏi về việc sắm tết.

Thôn Tam Hoà, xã Hoà Lộc có 638 hộ với 3000 nhân khẩu sống bằng nghề làm muối. Tuy nhiên, con số này ngày càng giảm dần do thu nhập từ nghề làm muối không đảm bảo cuộc sống. Nghề làm muối ở vùng quê này đã có từ rất lâu đời. Hầu hết bà con sống gần biển đều biết làm muối, trước tiên để sử dụng trong gia đình, sau đó là tiêu thụ trên thị trường. Để làm ra được hạt muối trắng tinh khiết cần những công đoạn không hề đơn giản, nó đòi hỏi người làm muối phải có sức khoẻ, sự kiên trì và khả năng chịu đựng gian khổ. Khi nhiệt độ ngoài trời cao tới 45 độ C giữa trưa hè nắng gắt, thì người dân càng phải có mặt trên ruộng muối.

Nhọc nhằn đời sống diêm dân

“Nghề làm muối khó khăn, vất vả nhưng thu nhập của người dân từ nghề này vô cùng thấp. Mỗi năm, một người chỉ đạt khoảng hơn 5 triệu đồng, nghĩa là chưa được 600 trăm nghìn đồng/ tháng. Chính vì vậy những năm qua lao động chính của địa phương hầu hết đều phải bỏ làng đi làm ăn xa”, chị Bùi Thị Dung, người dân thôn Tam Hòa cho biết. Hiện nay, những người sống bằng nghề làm muối là những cụ già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Hoà Lộc có những cụ đã ngoài 80 tuổi vẫn còn phải bám trụ với nghề, còn sức khoẻ thì vẫn còn phải lao động. Trẻ em mới 9, 10 tuổi vẫn phải hàng ngày theo mẹ ra ruộng muối.

“ Năm nào cũng vậy, ra tết là thanh niên trai tráng và đàn ông trong làng đều đi nơi khác làm ăn, kiếm thêm thu nhập. Trong làng chỉ còn lại phụ nữ, người già và trẻ em. Thiếu vắng trụ cột trong gia đình, nhưng không còn  cách nào khác. Nếu cứ ở nhà, trông chờ vào ruộng muối thì cả nhà sẽ không có gạo ăn”. Chị Bùi Thị Dung tâm sự.

Hướng đi nào cho nghề làm muối

Đến làng muối Bắc Châu thuộc xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, người diêm dân đang say sưa đổ nước vào máng và chờ đợi để nạo những lớp muối trắng tinh khiết trên bề mặt ruộng. Cái nắng lúc này khá gay gắt tuy nhiên vẫn “non” so với quá trình hình thành được hạt muối. Được biết thu nhập của người dân nơi đây có phần cao hơn thu nhập của diêm dân vùng biển Hậu Lộc, nhưng cũng chịu chung cảnh vất vả và thu nhập thấp. Người diêm dân này cho biết: “thu nhập của chúng tôi phụ thuộc vào thời tiết, nếu trời nắng như chính vụ từ tháng 3 đến tháng 6 thì thu nhập được hơn 1 triệu đồng/tháng, còn vụ chiêm bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 12 thì nhu nhập thấp, nhiều hộ không làm muối mà đi trồng cây thuốc lào, gia đình tôi không có đất trồng thuốc lào nên phải “bòn” muối ở ruộng để kiếm thêm thu nhập…”

Cánh đồng muối Bắc Châu (Tĩnh Gia) vụ chiêm, người diêm dân đang cào lại ruộng chuẩn bị cho vụ mùa năm 2012 (ảnh: Hải Đăng)

Công việc làm muối khó khăn là vậy, nhưng giá cả lại rất bấp bênh, khiến cho đời sống của diêm dân vô cùng khó khăn. Anh Nguyễn Văn Huy, người dân trong thôn Tam Hoà cho biết, thời kỳ giá muối cao nhất là 1.200 đồng/ kg, nhưng lại vào mùa mưa nên sản lượng muối không cao. Có thời gian giá muối giảm xuống chỉ còn 600 đồng/kg, nhưng người dân vẫn phải bán, không dám dự trữ  vì muối là mặt hàng không để được lâu.

Tam Hoà là thôn không có đất trồng lúa, mà chỉ có những cánh đồng muối. Trong khi đó làm muối chỉ có thể thực hiện được vào những ngày nắng to. Do đó tập trung chủ yếu vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6 hàng năm. Thời gian còn lại không có nắng, người dân chỉ còn biết “ ngồi chơi xơi nước”. Còn bà con diêm dân ở xã Hải Châu, Tĩnh Gia ngoài những cánh đồng muối, còn có thêm những cánh đồng thuốc lào dài tít tắp, ngoài làm muối vào vụ mùa, vụ chiêm người dân có thể trồng thêm cây thuốc lào để tăng thu nhập.

Làm ra hạt muối đã khó, việc tiêu thụ muối còn khó hơn. Hiện nay, lãnh đạo xã Hoà Lộc vẫn đang tìm được giải pháp để ổn định đầu ra cho hạt muối của diêm dân. Hợp tác xã Tam Hoà đã cố gắng đấu mối với các doanh nghiệp tiêu thụ muối nhưng hiệu quả không cao. Đầu ra của muối từ trước đến nay chủ yếu vẫn do người dân tự tìm mối và tiêu thụ. Thị trường chính vẫn là các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Muối làm ra được chính người người dân trong làng đem lên các huyện, chủ yếu là các huyện miền núi để tiêu thụ.

Năm 2011, với chính sách thu mua muối của nhà nước, đời sống của diêm dân có phần khấm khá hơn, tuy nhiên cũng chỉ được một thời gian ngắn, sau đó giá cả lại bấp bênh và đời sống của người dân lại khó khăn trở lại. Hiện nay, xã Hoà Lộc vẫn có tới 2.500 lao động thiếu việc làm, riêng thôn Tam Hoà chiếm tới 1.200 lao động.

Ông Mai Danh Mạc, Chủ tịch uỷ ban nhân dân xã Hoà Lộc cho biết, “giá muối bấp bênh một phần do nguồn muối ngoại nhập có chất lượng cao hơn, do đó được đa số người dân lựa chọn. Xã cũng đã chỉ đạo cho dân làm muối sạch nhưng chi phí rất cao, nên người dân cũng chỉ làm được một thời gian ngắn”. “Hiện nay trên địa bàn Hoà Lộc nói riêng và Hậu Lộc nói chung đang hình thành những công ty, những khu công nghiệp để giải quyết việc làm cho khoảng gần 7.000 lao động trên địa bàn toàn huyện. Trong tương lai, số lao động thiếu việc làm của xã Hoà Lộc sẽ giảm xuống”.

Để đời sống của diêm dân bớt khó khăn, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm đồng bộ của ban lãnh đạo. Quan trọng nhất là ổn định được đầu ra của hạt muối. Bên cạnh đó, cần có chính sách cải tạo đồng muối, hỗ trợ cho diêm dân. Với hy vọng sang năm mới 2012 này, thị trường muối sẽ ổn định hơn và đời sống của bà con diêm dân sẽ bớt phần cơ cực.