Thế nhưng, không ít khách hàng phải giật mình, khi biết bưởi để đến 6-7 tháng vẫn tươi. Họ hoang mang, lo lắng liệu loại quả "lành" nhất này có chứa hoá chất giúp tươi lâu?
Bưởi để 6-7 tháng vẫn tươi nguyên?
Theo phản ánh của chị Nguyễn H.N. (đường Xuân Thuỷ, Hà Nội), từ trước tết Nguyên đán, chị đã mua hơn 20 quả bưởi Năm roi tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với giá 25 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, cho đến tận ngày 9/6 vừa qua, chị H.N. mới phát hiện ra, vẫn còn 2 quả bưởi mua từ Tết sót lại dưới gầm tủ.
Điều khiến chị vô cùng ngạc nhiên là trái bưởi vẫn tươi nguyên nhưng đã chuyển sang màu vàng sẫm, bóng (khi mua là màu hanh vàng-PV). Thấy lạ bởi bưởi vẫn tươi nguyên sau 6-7 tháng, chị H.N. bổ ra, múi bưởi vẫn mọng nước, không bị nẫu và đặc biệt vị vẫn ngon như lúc mới mua.
Đem trái bưởi còn lại đến làm bằng chứng cho phóng viên, chị H.N. bức xúc nói: "Tôi vốn có bệnh về tim mạch, các bác sỹ khuyên nên dùng bưởi thường xuyên sẽ có lợi cho sức khoẻ. Vì thế, hầu như ngày nào tôi cũng ăn một quả.
Thế nhưng, sau khi vô tình phát hiện 2 quả bưởi đã mua từ 7 tháng trước mà vẫn tươi nguyên nên tôi rất hoang mang. Liệu những quả bưởi tôi đã mua có bị "tắm" hoá chất? Bây giờ, đến loại quả "lành" nhất cũng có chất bảo quản độc hại thì người tiêu dùng biết tin vào đâu?".
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ hoa quả nội mà rất nhiều loại hoa quả nhập khẩu (có tem nhập khẩu-PV) được bày bán tại các siêu thị như: Nho Mỹ, Úc, táo New Zealand, Mỹ; chery Canada..., có thể để lâu 1-2 tháng vẫn tươi nguyên.
Trên Webtretho.com, nhiều bà nội trợ đã không ngớt lời phàn nàn về các loại hoa quả ngoại nhập. Một nickname viết: "Năm ngoái mình có mua táo Mỹ ở siêu thị Lotte, còn 1 quả để trong tủ lạnh. Thế mà sau 1 tháng, quả táo vẫn tươi ngon. Mình để táo lên nóc tủ lạnh xem nó "sống" đến bao lâu. Vậy mà hơn 2 tháng sau táo vẫn tươi, chỉ hơi mốc ở phần dưới (do tiếp xúc với tủ lạnh)".
Nhiều nơi vẫn dùng hóa chất "tắm" cho hoa quả
Bên cạnh đó, đem thắc mắc về "tuổi thọ" của quả bưởi mà chị H.N. đã cung cấp cho PV báo ĐS&PL đến TS. vật lý Nguyễn Văn Khải - "ông già ôzôn", chúng tôi nhận được câu trả lời: "Thông thường một quả bưởi nếu không bị giập sẽ để được khoảng nửa tháng đến một tháng. Chẳng hạn, bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn cũng chỉ bảo quản được một tháng là nó đã héo quắt.
Mới đây, tôi có hướng dẫn bà con bảo quản bưởi Đông Tảo (Hưng Yên) bằng cách ngâm nước Anolyt và sau đó bọc túi nilon. Những quả bưởi đó hái từ ngày 4/1 nhưng đến ngày 17/4 bổ ra ăn vẫn rất ngon. Nhưng nói chung cũng chỉ nên để lâu từng ấy thời gian, còn để lâu hơn nữa thì hạt sẽ nảy mầm và ăn không tốt", TS. Khải dẫn chứng.
Đã từng phát hiện mẫu quả chứa chất gây vô sinh
Cách đây một năm, cục Bảo vệ thực vật, bộ NN&PTNT kiểm nghiệm và phát hiện trên một số mẫu nho, mận và lựu được nhập khẩu từ Trung Quốc có chứa carbendazim và tebuconazole với lượng dư vượt quá mức cho phép tới gần 5 lần. Đây là những chất có thể gây vô sinh và nguy hại cho sức khỏe con người.
Thuốc diệt nấm tebuconazole được cục Quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ xác định có thể gây ra rủi ro với liều dùng cao, gây hại cho gan và đặc biệt kích ứng mắt, khá độc khi bị nhiễm qua đường miệng và mắt.
Trao đổi với PV, TS. Khải kể rằng: "Còn nhớ, một lần tôi đi hướng dẫn bà con Bắc Sơn (Lạng Sơn) cách bảo quản quýt. Tôi thấy họ đem ra những bọc túi nilon màu đen, nồng nặc mùi clo, tôi phải thốt lên: "Túi nilon mà không thể ngửi được thì làm sao bọc được hoa quả?". Và sau đó, ban Dân tộc Lạng Sơn và sở KH-CN Lạng Sơn đã cung cấp loại túi nilon trắng đảm bảo chất lượng cho bà con.
Rồi có lần, tôi còn chứng kiến có người lấy mì chính ngâm với hoa quả cho ngọt. Hay chuyện cách đây cũng đã dăm bảy năm, tôi và một số nhà báo đã đi tìm hiểu thông tin về việc các thương lái ngâm cam với nước rửa chén (trong đó chủ yếu là clo và lưu huỳnh-PV) để chuyển từ miền Nam ra Bắc. Dùng nước rửa chén bảo quản sẽ làm cho quả cam bóng đẹp nhưng ngược lại rất nhanh hỏng".
Ông Khải kể rằng, người ta, ngoài việc tạo hương liệu, mùi thơm còn sử dụng chất có tính diệt khuẩn nhằm kéo dài thời gian lên men, chống nấm mốc... Họ sử dụng hoá chất một cách tuỳ tiện... Nhiều nơi họ sử dụng các chất độc hại để bảo quản bưởi, cam. TS. Khải nêu rõ: "Nếu bảo quản bằng thuốc diệt cỏ như 2,45T; 2,4D thì sau khoảng 2-3 tháng, hạt cũng sẽ mọc rễ. Ăn vào sẽ rất nguy hiểm”.
Đưa ra lời khuyên cho người dân, vị chuyên gia này nhấn mạnh: Chúng ta không nên ăn những hoa quả trái mùa bởi đã trái mùa thì luôn phải bảo quản. Ngoài ra, nếu gặp những loại quả mua được một vài tháng rồi mà vẫn tươi nguyên thì người dân nên tránh. Còn nếu mua được loại quả mà vẫn còn lá thì có thể tin tưởng về độ an toàn, bởi nếu dùng chất hoá học để bảo quản thì lá của chúng cũng chỉ để được ba bốn ngày là úa và rụng.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, cục trưởng cục Bảo vệ thực vật (bộ NN&PTNT) cho rằng: "Một số loại bưởi như bưởi Diễn, bưởi Năm roi có thể để được khoảng từ 6 đến 8 tháng. Nếu trong điều kiện mát, lạnh như mùa đông thì còn có thể để được lâu hơn. Thậm chí, nếu bôi vào cuống của quả bưởi một ít vôi, lại càng để được lâu. Đó là đặc điểm và điều rất bình thường với quả bưởi, người mua không nên lo lắng. Bưởi Việt Nam của chúng ta không cần phải ngâm hóa chất gì hết mà vẫn có thể để lâu được. Còn khi xuất sang nước ngoài, nhiều nước họ yêu cầu ngâm hóa chất nhưng đó là những hóa chất có tác dụng xử lý mầm bệnh, vi khuẩn chứ không có độc hại. Thế nên, người dân không phải lo lắng khi gặp những trường hợp như trên". Tuy nhiên, ông Hồng khuyến cáo, tốt nhất, người tiêu dùng nên sử dụng trái cây trong nước để bảo đảm tươi ngon, mua trái cây đúng mùa. Để hạn chế hóa chất tồn dư, người tiêu dùng nên ngâm trái cây trong nước muối loãng 30 phút và gọt, bóc vỏ trước khi ăn. |