Chủ động... “nóng”
Cho đến nay, ở Việt Nam mới chỉ có mức phân loại phim theo độ tuổi đơn giản nhất, đó là 16+. Những phim bị dán nhãn 16+ (cấm khán giả dưới 16 tuổi) sẽ chỉ được phép chiếu ở rạp mà không được phổ biến rộng rãi trên truyền hình, Internet. Có thể điểm qua một số phim đã bị Hội đồng thẩm định phim quốc gia dán nhãn 16+ là “Đường đua”, “Cô dâu đại chiến 2”, “Bước khẽ tới hạnh phúc”… Nhưng còn “Căn hộ số 69”- bộ phim đang gây tranh cãi là một trường hợp hoàn toàn khác biệt.
“Căn hộ số 69” được giới thiệu là một bộ phim sitcom (hài tình huống) dài 30 tập, mỗi tập có thời lượng khoảng gần 30 phút của nhà sản xuất Nam Cito, đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân và các diễn viên Ngọc Thảo, Sỹ Thanh, Kỳ Nam vào 3 vai nhân vật chính.
Ngay từ đầu, nhóm làm phim đã tự gắn nhãn cho mình là 18+ và chọn hướng phát hành là mạng Internet bởi vì biết kịch bản có nhiều cảnh nóng, chắc chắn sẽ không thể được duyệt để chiếu trên truyền hình. Mặc dù đây là một bộ phim phát trên mạng Internet, miễn phí cho người xem nhưng có một nguồn tin cho biết nhóm sản xuất có thể sẽ nhận được tiền quảng cáo và tiền bản quyền từ trang Youtube thông qua việc tính đếm số lượng lượt người xem.
Tính đến nay, tập 1 của “Căn hộ số 69” đã có gần 3 triệu lượt người xem, nếu tính theo doanh thu 80 triệu đồng/1 triệu lượt xem thì như vậy phim bắt đầu có lãi lớn sau khi đã trừ đi chi phí sản xuất 100 triệu đồng/tập. Nội dung “Căn hộ số 69” không có gì đáng bàn, chỉ là thông qua câu chuyện nhạt nhẽo về một cô gái đi tìm phòng, thuê chung phòng với một nam thanh niên, lầm tưởng anh này là “gay” nên thoải mái có những va chạm giới tính.
Với mục đích “tiên phong trong việc sản xuất phim cho người lớn” nên nhóm làm phim đã không ngần ngại đưa vào những chi tiết khơi gợi chuyện phòng the, từ cách đặt tên phim đầy ẩn ý đến nhiều cảnh quay đặc tả hành động gợi dục của các nữ diễn viên. Chắc chắn nếu “Căn hộ số 69” tuân thủ đúng quy trình sản xuất phim hiện nay, đó là trình kịch bản lên Hội đồng duyệt kịch bản thì nó sẽ không bao giờ được cấp phép thực hiện.
Chậm trễ và tự làm khó
Tuy nhiên, điểm rắc rối của câu chuyện này nằm ở chỗ, “Căn hộ số 69” có thể “lách luật” được không, khi mà trên mạng Internet, hàng ngày có hàng ngàn các video clip do các bạn trẻ tự sản xuất, đưa lên mà chẳng cần phải thông qua kiểm duyệt hay xin cấp phép phổ biến?
Câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời chính xác từ phía các cơ quan quản lý văn hóa. Trong khi đó, Cục Điện ảnh khẳng định, bộ phim này vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật Điện ảnh, do đó “Căn hộ số 69” vi phạm Luật Điện ảnh khi không tuân thủ quy trình sản xuất và phổ biến phim.
Xem “Căn hộ số 69”, những gì người xem cảm nhận được chỉ là sự dung tục, nhảm nhí, chẳng đem lại xúc cảm thẩm mỹ nào, và đó là điều nên cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng để phân tích câu chuyện rắc rối của phim.
Thật tiếc một điều là chiều 25/6, trước sự có mặt của đông đảo giới báo chí, ông Đỗ Duy Anh- Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, người chủ trì cuộc họp báo lại cho biết “chưa xem phim nên không biết nội dung phim có vi phạm gì không”.
Giá như đã xem, ông Đỗ Duy Anh hoàn toàn có thể bình luận về khía cạnh nội dung phim không phù hợp với thuần phong mỹ tục bởi cách kể câu chuyện giới tính của “Căn hộ số 69” lai căng, xa lạ với văn hóa Việt.
Ông Anh cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang tổ chức xây dựng phân loại phim theo độ tuổi. Hy vọng đến năm 2015 có thể ra quy chế hoặc thông tư phân loại phim theo độ tuổi”. Thiết nghĩ việc chậm chễ trong việc đưa ra thông tư phân loại phim theo độ tuổi với nhiều cấp độ hơn chính là một nguyên nhân khiến Cục Điện ảnh tự đẩy mình vào thế khó xử lý những bộ phim tương tự “Căn hộ số 69”.
Kết luận của Cục Điện ảnh chỉ mới là xác định bước đầu, các bước xử lý tiếp theo vẫn phải chờ kết luận của Thanh tra Bộ VHTTDL.