Nhìn mặt đoán sức khỏe

Trong y học cổ truyền, sắc diện của gương mặt vẫn được dùng làm yếu tố để đánh giá sức khỏe.

Các thầy thuốc sẽ quan sát những vị trí trên gương mặt và trạng thái cảm xúc của người bệnh để phán đoán bệnh.

Khoa học hiện đại cũng đã công nhận mối liên quan giữa những biểu hiện trên gương mặt với tình trạng sức khỏe bên trong cơ thể. Để bảo vệ sức khỏe của mình, bạn cần hiểu rõ điều cơ thể muốn “lên tiếng” thông qua các điểm bất thường trên gương mặt. Hãy chú ý những vị trí dưới đây:

1. Trán

Vùng trán rộng lớn là “cơ quan ngôn luận” của một số bộ phận như tim, bang quang, hệ thống ruột non. Khi da trên trán bị ửng đỏ, bong tróc có nghĩa là hệ thống tiêu hóa đang “lên tiếng” vì thiếu chất bôi trơn. Trong khi đó, những vết xung huyết lại chứng tỏ khả năng khử độc kém hiệu quả của ruột. Nếu bạn có cả hai dấu hiệu này trên trán, cần phải chú ý nhiều hơn đến bộ máy tiêu hóa.

Trước tiên, nên hạn chế các bữa tiệc, ngủ đủ giấc đồng thời tránh những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn cho đến khi vùng da trên trán sáng bóng trở lại.

2. Chân mày

Đôi chân mày chính là bộ phận “truyền thông” cho gan. Những dấu hiệu bất thường có thể xuất hiện trên chân mày khi bạn đã tiêu thụ quá nhiều chất cồn và các chất độc khác. Trong y học cổ truyền, bệnh về gan còn được cho là có nguồn gốc từ những cơn giận dữ. Một cặp chân mày cau có là dấu hiệu thể hiện trạng thái tức giận điển hình nhất.

Để hạn chế nguy cơ gây tổn hại cho gan, bạn cần biết cách kiềm chế cảm xúc, giữ tinh thần luôn thư thái.

3. Miệng

Đây là bộ phận có mối tương quan với dạ dày. Đôi môi sẽ bộc lộ những điều “thầm kín” của hệ thống dạ dày và ruột. Trong khi đó, khu vực da xung quanh miệng trải rộng xuống hàm lại kết nối khá chặt chẽ với ruột kết. Những vết hoặc điểm khác thường xuất hiện trên môi có thể là dấu hiệu cho thấy khả năng hoạt động của ruột đang suy giảm, tình trạng đầy hơi hay chán ăn do dị ứng thực phẩm.

4. Hai gò má

Tình trạng phát ban nhẹ ở vùng da của hai gò má cho thấy cơ thể đang bị thiếu ô-xy vì gò má có liên quan đến hệ thống hô hấp. Hãy tập yoga để cải thiện khả năng hít thở, giúp thở đầy và sâu hơn.

Nếu hút thuốc lá thường xuyên, vùng da ở hai má sẽ có hiện tượng thay đổi màu sắc, xuất hiện nếp nhăn hay bị xung huyết, vỡ các mao mạch. Tình trạng này cũng sẽ xảy khi bạn bị cảm cúm.

Nếu hai má bị ửng đỏ, bạn có thể đã sử dụng quá nhiều các chất kích thích như cà phê, chất cồn hay nước uống có ga…

5. Cằm

Cằm chính là bộ phận phản ánh “sức khỏe” của thận và bàng quang. Đây là khu vực sẽ bộc lộ tình trạng mất cân bằng hóc-môn của cơ thể. Khi trên cằm xuất hiện những điểm xung huyết da, tức là thận đang phải làm việc quá sức. Vấn đề này thường có nguyên nhân từ stress.

Cằm cũng là vùng biểu lộ dấu hiệu mệt mỏi của tuyến thượng thận. Nếu phải đối mặt với tình trạng căng thẳng quá mức, các tuyến hóc-môn nằm phía trên thận sẽ giải phóng ra cortisol nhiều hơn.