Tại hội thảo khoa học"Chẩn đoán và xử trí dị ứng đạm sữa bò ở trẻ nhũ nhi" tổ chức tại TP HCM ngày 16/6, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Gia Khánh, Phó chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Chủ tịch Hội Tiêu hóa - Gan Mật Nhi khoa Việt Nam cho biết, con số trẻ dị ứng sữa bò ở hiện nay là rất đáng quan tâm. Ước tính có khoảng 2,1% trẻ dưới 3 tuổi được chẩn đoán dị ứng, số trẻ dưới 3 tuổi nghi ngờ mắc dị ứng là 12,6 %.
"Nguồn gốc của dị ứng đạm sữa bò là do hệ miễn dịch của trẻ nhận diện sai lầm đạm trong sữa bò là một chất có hại và cố gắng bảo vệ cơ thể bằng cách "đánh lại" các chất đạm này, gây ra tình trạng dị ứng và có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa của trẻ", giáo sư Khánh lý giải.
Theo giáo sư Khánh, trẻ dị ứng đạm sữa bò có thể có một số biểu hiện lâm sàng như nôn, tiêu chảy, phân màu, phát ban, viêm da, chàm, khò khè, sốc phản vệ… Các biểu hiện có thể xuất hiện ngay sau khi uống sữa bò từ vài phút tới 2 giờ hoặc cũng có thể xuất hiện chậm sau khi uống sữa bò 48 giờ tới 1 tuần lễ. Trẻ cũng có thể có các biểu hiện bất dung nạp thức ăn không có cơ chế miễn dịch có thể lẫn với dị ứng sữa bò như bất dung nạp Lactose, độc tố, thuốc…
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, Chủ Tịch Hội Nhi Khoa Việt Nam cho biết, hiện việc chẩn đoán xác định trẻ dị ứng tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Các xét nghiệm, các test chẩn đoán chuyên môn chỉ mới có thể thực hiện tại các bệnh viện lớn, còn các bệnh viện nhỏ, bệnh viện tuyến tỉnh đa số chỉ có thể chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng, tiền sử gia đình.
Cụ thể, nhiều trường hợp sốc phản vệ ở trẻ dị ứng sữa bò chưa được chẩn đoán kịp thời. Một số thể trẻ có phản ứng dị ứng chậm dễ bị bỏ qua hoặc nhầm với bệnh khác. Một số biểu hiện kéo dài như nôn trớ, tiêu chảy kéo dài, táo bón, thiếu máu thiếu sắt, suy dinh dưỡng lâm sàng có thể chưa được chú ý tới nguyên nhân dị ứng sữa bò. Dị ứng sữa bò thường chẩn đoán lẫn với kém dung nạp Lactose tiên phát, thứ phát. Trẻ bú mẹ dị ứng với protein sữa bò do đã mẫn cảm trong thời kỳ bào thai cũng chưa được quan tâm chẩn đoán.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện vẫn chưa có phác đồ tiếp cận chẩn đoán một cách hệ thống và khoa học đối với dị ứng sữa bò ở trẻ em. Việc điều trị chỉ mới tập trung vào điều trị triệu chứng lâm sàng với những điều trị thông thường là thuốc kháng dị ứng, men tiêu hóa, vitamin, điều chỉnh cách cho trẻ bú, thay đổi chế độ ăn của mẹ và bé, tạm thời thay đổi sữa công thức đặc biệt đến khi các triệu chứng tạm ổn. Hiện vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng trong chỉ định sử dụng các loại sữa dinh dưỡng điều trị, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng tuổi.
"Cần có nhiều nghiên cứu tiếp tục, có phác đồ được chuẩn hóa quốc tế và cập nhật trong chẩn đoán, xử trí và điều trị dị ứng đạm sữa bò cho trẻ em Việt Nam", giáo sư Khanh nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội thảo, Giáo sư Colin Rudolph, Đại học California, San Francisco, Mỹ, nhà khoa học hàng đầu về dinh dưỡng và tiêu hóa nhi cho biết, điều trị dị ứng đạm sữa bò là cần loại bỏ đạm sữa bò nguyên vẹn trong chế độ ăn của trẻ và dùng công thức đạm thủy phân toàn phần hoặc amino axit thay thế (được chứng minh là dung nạp tốt với 90% trẻ dị ứng đạm sữa bò). Sản phẩm dinh dưỡng công thức đạm thủy phân một phần không dùng trong điều trị trẻ mắc chứng dị ứng này.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, những loại thay thế như sữa bò thủy phân một phần, sữa các động vật có vú khác không được khuyến cáo dùng. Thức ăn bổ sung của trẻ cần kiểm soát để không có protein sữa bò cho tới khi test âm tính. Các thức ăn khác cũng phải đưa vào từng loại với số lượng ít một khi mẹ còn đang cho bú nhưng ít nhất phải sau 16-17 tuần tuổi, chậm cho ăn các thức ăn có nguy cơ dị ứng cao như trứng, cá, bột mì. Ngay cả sữa đậu nành vẫn cần thận trọng vì khoảng 10-14% trẻ có dị ứng chéo với protein đậu nành.
Với bệnh nhi trên 12 tháng tuổi, chế độ ăn phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng, năng lượng, khoáng chất và các yếu tố vi lượng, vitamin trong chế độ ăn kiêng protein sữa bò để đảm bảo sự phát triển thể chất, tinh thần bình thường cho trẻ.Cha mẹ cần tìm kiếm sự tư vấn dinh dưỡng từ các bác sĩ để đảm bảo có được giải pháp đúng nhất khi trẻ gặp các vấn đề về tiêu hóa hoặc dinh dưỡng.