Việc quy hoạch sau mâu thuẫn với quy hoạch trước đã khiến chính quyền các địa phương rất bối rối…
Theo UBND huyện Hoài Đức, đồ án quy hoạch phân khu đô thị S2, S3, S4 trên địa bàn huyện này vẫn chưa cập nhật được các dự án đất dịch vụ thực hiện theo Nghị định 17 của Chính phủ, do vậy dẫn đến hiện tượng các quy hoạch chồng lấn lẫn nhau. Cụ thể, một số dự án đất dịch vụ đã triển khai từ trước của các xã Di Trạch, Lại Yên, An Thượng, La Phù nay lại được quy hoạch đất công cộng, đất cây xanh.
Mới đây, Sở quy hoạch kiến trúc, Viện quy hoạch xây dựng, UBND huyện Hoài Đức và các xã nằm trong khu vực dự kiến quy hoạch phân khu S2 đã rà soát, cho ý kiến về các đồ án nằm trong phạm vi phân khu. Theo hồ sơ thuyết minh tổng hợp quy hoạch phân khu thì riêng xã Di Trạch có khoảng 12 ha đã được quy hoạch đất dịch vụ bị ảnh hưởng bởi trục Hồ Tây - Ba Vì và hồ nước, cây xanh nằm trong đồ án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch. Trong khi đó, tổng diện tích đất dịch vụ của xã này chỉ có 20,6 ha. Việc các quy hoạch chồng lấn khiến lãnh đạo xã này lo ngại không có đủ đất dịch vụ để trả cho dân. Nhiều người dân cũng tỏ ý bức xúc khi các dự án đất dịch vụ đã triển khai chậm chạp nay lại có nguy cơ không thể thực hiện được bởi… hết đất.
Không chỉ có xã Di Trạch, tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch còn xảy ra đối với các dự án đất dịch vụ của các xã Kim Chung, An Thượng, Vân Canh, Lại Yên… Điều đáng nói, quy hoạch các dự án đất dịch vụ đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và phần lớn các dự án này đang được triển khai.
Lãnh đạo huyện Hoài Đức cho biết, các dự án đất dịch vụ trong toàn huyện có tổng diện tích khoảng 240 ha liên quan đến 12 xã, thị trấn, trong đó 166 ha đã có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án. Quy hoạch phân khu do chưa cập nhật được các dự án này nên đã dẫn đến việc xây dựng quy hoạch cây xanh, hồ nước chồng lên quy hoạch cũ.
Theo văn bản số 248 của UBND huyện Hoài Đức, tại cả 3 phân khu, các đồ án còn có những đánh giá sơ sài, chưa đầy đủ. Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị do Viện quy hoạch xây dựng trình Sở quy hoạch kiến trúc thẩm định thì tại nhiều vị trí đất dịch vụ đang triển khai trên địa bàn huyện này vẫn bố trí chồng lấn các khu chức năng không phù hợp với mục đích sử dụng đất dẫn đến thiếu quỹ đất dịch vụ. Việc này sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ dự án, gây ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ngày 21/12/2011, UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản số 375-TB/UBND thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh tại cuộc họp về công tác giao đất dịch vụ, đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Theo đó, thành phố sẽ thực hiện đúng các chính sách và các phương án giao đất mà các địa phương đã phê duyệt; việc giao đất cho các hộ gia đình phải xong trước tháng 6/2013. |
Liên quan đến việc đóng góp ý kiến cho các quy hoạch phân khu, UBND huyện Hoài Đức đã đề nghị bổ sung đất để bảo tồn và phát triển làng nghề, đất dành cho các dự án đất dịch vụ, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật… Riêng đường vành đai 3,5 trước đây tỉnh Hà Tây đã có quy hoạch mặt cắt 42m, nay quy hoạch 60m sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các dự án đô thị, đất dịch vụ, khu dân cư trên địa bàn. Do vậy, để thuận lợi cho việc triển khai những dự án liên quan, huyện này đề nghị nên giữ nguyên mặt cắt 42m.
Về đất dịch vụ, UBND huyện cũng đề nghị bổ sung vào quy hoạch các dự án đất dịch vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đang thực hiện dự án của các xã La Phù, Di Trạch, Kim Chung, Vân Canh… Các dự án đất dịch vụ đã triển khai của các xã Di Trạch, Lại Yên… nay bị quy hoạch khác chồng lấn được đề nghị điều chỉnh sang đất ở.
Cũng liên quan đến vấn đề này, một cán bộ của UBND xã Di Trạch cho biết, xã này đã có văn bản đề nghị thành phố Hà Nội không bố trí hồ nước, cây xanh trong quy hoạch đồ án khu đất dịch vụ Kim Chung- Di Trạch (diện tích khoảng 7 ha). Phần diện tích khoảng 5 ha đất dịch vụ bị ảnh hưởng của trục Hồ Tây- Ba Vì được đề nghị bố trí vào khu đất của đô thị Kim Chung- Di Trạch để giao đất cho các hộ, giúp người dân bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống.