Đêm chung kết cuộc thi Hoa khôi Áo dài – Đường tới vương miện vừa khép lại với chiến thắng thuộc về Trần Ngọc Lan Khuê. Cùng với những tranh cãi quen thuộc xung quanh tân hoa khôi, vẫn còn nhiều điều khiến khán giả Việt chưa thực sự hài lòng về đêm thi quyết định. Những “hạt sạn” này là điểm chung của khá nhiều đấu trường nhan sắc Việt Nam.
Trần Ngọc Lan Khuê - tân hoa khôi áo dài Việt Nam
Kịch bản quá dài
Có thể nói trong đêm chung kết Hoa khôi Áo dài, việc chương trình bị kéo dài quá lâu là một “hạt sạn” khó nhằn. Ngoài các phần trình diễn quan trọng là áo dài, bikini, trang phục dạ hội và ứng xử; đêm thi còn xen lẫn rất nhiều màn biểu diễn ca nhạc, clip phát biểu của thí sinh, xen kẽ các màn giao lưu với khách mời cũng như trao giải phụ.
Việc lên kịch bản dài tới 2 tiếng như vậy vô tình làm chương trình có phần loãng và “nhạt”.
Đây cũng là lỗi tương tự mà kịch bản chung kết Hoa hậu Việt Nam 2012 cũng từng mắc phải. Đêm đăng quang năm đó kéo dài tới 4 tiếng đồng hồ, tạo nên sự mệt mỏi cho không ít khán giả đang ngồi trước màn hình. Tuy nhiên, những người làm chương trình đã khắc phục được nhược điểm này và có sự sắp xếp hợp lý hơn trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2014.
Đêm chung kết Hoa khôi Áo dài Việt Nam có quá nhiều màn biểu diễn ca nhạc xen kẽ.
Vương miện không chắc chắn
Giây phút đăng quang là thời điểm rực rỡ nhất của các tân hoa hậu. Tuy nhiên, khoảnh khắc ấy đôi khi lại kém đẹp chỉ vì… chiếc vương miện. Trong phút trao giải Hoa khôi Áo dài, nhiều người bất giác thấy thương Lan Khuê vì cô phải liên tục giơ tay đỡ chiếc vương miện 1,1 tỷ đồng. Hoa hậu Thế giới Ivian Sarcos cũng phải chỉnh sửa nhiều lần giúp cô vì lo nó rơi xuống đất.
Lỗi tương tự cũng từng xảy ra trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006 khi Mai Phương Thúy lên nhận giải với chiếc vương miện đội lệch. Thùy Dung, Hoa hậu Việt Nam 2008 còn bối rối hơn và đánh rơi luôn vương miện quý giá xuống đất. Câu chuyện này tưởng chừng đã quá cũ nhưng đến giờ vẫn là một “hạt sạn” mà hầu như cuộc thi nào khán giả cũng phải “nhặt”.
Cả Ivian Sarcos và Lan Khuê đều lo lắng về độ chắc chắn của chiếc vương miện.
Năm 2008, Thùy Dung đánh rơi luôn vương miện xuống đất ngay sau khi đăng quang.
Màn giao lưu vô thưởng, vô phạt của khách mời
Vào sát đêm chung kết, Hoa khôi Áo dài được “làm nóng” hơn nhiều nhờ sự xuất hiện của Ivian Sarcos, Hoa hậu Thế giới 2011. Khán giả đều hy vọng vào sự góp mặt ấn tượng của cô trong đêm thi quyết định. Tuy nhiên, màn giao lưu vô thưởng, vô phạt của người đẹp Venezuela khiến không ít người thất vọng.
Phần trò chuyện với Ivian Sarcos được thực hiện rải rác ở phần đầu và giữa chương trình, với những câu hỏi, trả lời dường như đã được cài sẵn chưa thực sự tạo điểm nhấn. Có người cho rằng lỗi kém thu hút một phần là do khả năng dẫn dắt chưa tốt của MC Thu Hằng. Có khán giả còn đăng tải trên diễn đàn nổi tiếng của phụ nữ, chê chương trình đêm chung kết khiến cuộc thi bị mang tính chất “ao làng”, dù được xây dựng bởi đội ngũ hết sức chuyên nghiệp.
BTC mời cả hoa hậu thế giới 2011 sang nhưng dường như chưa biết tận dụng sự xuất hiện của người đẹp này để "làm nóng" chương trình.
Sự cố về âm nhạc
Sự cố âm nhạc có vẻ là lỗi “muôn thuở” trong các chương trình trao giải. Điển hình là trong đêm chung kết Hoa khôi Áo dài vừa qua, màn biểu diễn của Hà Trần với ca khúc Thăng hoa và bài hát Bay vào ngày xanh cũng bị nhiều cư dân mạng chê là chưa thực sự phù hợp với chương trình và hệ thống âm thanh chưa tốt.
Một khán giả khẳng định trước đây đã quen với một ca khúc Bay vào ngày xanh du dương, êm ái chứ không phải giai điệu bập bùng như trong bản mix mà Hà Trần, Hồng Nhung và Uyên Linh thể hiện. Ca khúc Thăng hoa của Hà Trần cũng bị chê vì không hiểu do đâu, người nghe rất khó nắm bắt được ca từ. Trang phục và điệu nhảy của Hà Trần cũng bị một số khán giả khẳng định là "không hiểu đẹp ở chỗ nào".
Sự cố tương tự cũng xảy ra trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2014 vào tháng 12 vừa qua. Rất nhiều khán giả có mặt tại sân khấu nhạc nước Vinpearl (Phú Quốc) đều cho biết họ khó nghe rõ ca từ của những bài hát mà Tùng Dương, Hồ Ngọc Hà thể hiện, và vì vậy càng khó cảm thụ giai điệu.
Nhiều khán giả cho biết họ không nghe rõ ca từ trong bài hát của Tùng Dương tại sân khấu nhạc nước Vinpeal Phú Quốc.
Cho đến những tiểu tiết khác
Ở cuộc thi Hoa khôi Áo dài, dù mang tầm cỡ lớn, hướng ra quốc tế nhưng theo ý kiến một số khán giả, quy mô về sân khấu của đêm chung kết có phần nhỏ hẹp, chưa thực sự hoành tráng xứng tầm.
Trong khi đó, Hoa hậu Việt Nam, một đấu trường dày dặn kinh nghiệm, luôn được tổ chức tại những địa điểm đẹp với sân khấu dàn dựng công phu lại vướng vào những lỗi khác. Cụ thể là trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2014, sân khấu đẹp nhưng được dựng rất xa. Khán giả ngồi dưới chỉ thấy thí sinh bé như… con kiến trình diễn phía trên.
Thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2014 "chào sân" trong trang phục áo dài ở vị trí rất xa, lại không có ai giới thiệu thông tin.
Ở phần trình diễn áo dài đầu tiên, các thí sinh bước ra theo tốp mà không thấy ai xướng danh, đọc thông tin. Màn hình lớn cũng không chiếu cận mặt các “bóng hồng” khiến khán giả xem truyền hình trực tiếp không ngớt ngơ ngác.
Trong màn trao giải cho hoa hậu và 2 á hậu, dàn thí sinh 38 cô bước ra sân khấu để đợi đại diện nhà tài trợ trao hoa. Tuy nhiên, có lẽ do không được dặn trước, một tốp thí sinh bất ngờ rời khỏi hàng và lùi vào sân khấu, bỏ khuyết một chỗ trống khó hiểu trên sàn diễn chung kết.
Vào những năm trước đó, phần trao giải của cuộc thi này cũng như Hoa hậu các dân tộc Việt Nam còn bị chê vì thường xuyên để thí sinh bị “ngợp” trong các dải băng cũng như đại diện trao giải. Tuy nhiên năm nay, BTC HHVN 2014 đã khắc phục được nhược điểm này.