Chỉ vì một phút không kiềm chế được bản thân, Lục Văn Cường đã tự viết lên tấn bi kịch cuộc đời. Không những đẩy mình lên “đoạn đầu đài”, Cường còn khiến cả một đại gia đình chìm lút trong đau khổ. Nỗi đau ấy, thời gian cũng khó bề bôi xóa.
Án mạng kinh hoàng ngày Quốc khánh
Đến giờ, hơn một năm đã trôi qua, nhưng nhiều người dân xã Minh Hòa, Hữu Lũng, Lạng Sơn vẫn kinh hãi khi nhắc nhớ đến vụ án mạng xảy ra đúng vào ngày Quốc khánh, 2/9/2011. Chỉ vì những mâu thuẫn gia đình triền miên, không lối thoát, Lục Văn Cường đã trút lên đầu đứa cháu vô tội của mình hai nhát dao chí mạng. Người ta không khỏi căm phẫn vì hành vi tàn độc, man rợ của ông chú mất nhân tính này khi đang tâm hạ sát cháu bé chưa đầy 3 tuổi. Tất cả, bắt nguồn từ cuộc hôn nhân không hạnh phúc của Cường…
Năm 2004, Cường kết hôn với chị Lăng Thị Thuận, người cùng xã. Cuộc sống vợ chồng cũng chỉ hạnh phúc được mấy năm đầu. Nhưng, kể từ khi chị Thuận sinh con, kinh tế gia đình khó khăn, hai vợ chồng bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Lý do thì nhiều, nhưng chủ yếu bắt nguồn từ việc Thuận thường xuyên phải đi làm xa, không có thời gian quan tâm đến mọi việc trong gia đình, nên tình cảm vợ chồng cũng vì thế mà rạn nứt. Mỗi lần cãi vã, Thuận thường bỏ về nhà bố mẹ đẻ.
Nằm trong buồng biệt giam chờ ngày trả án, đêm nào Cường cũng chỉ lo cho tương lai của con trai.
Tình trạng đó kéo dài đến khoảng đầu năm 2010 thì hai vợ chồng Cường chính thức ly thân. Thuận dọn đồ đạc về nhà bố mẹ ở ít ngày rồi bỏ xuống Lục Ngạn, Bắc Giang để làm thuê. Chán cảnh gà trống nuôi con, Cường thỉnh thoảng gọi điện mong vợ quay về đoàn tụ gia đình, nhưng Thuận nhất quyết không đồng ý.
Ngày 2/9/2011, sau khi biết tin vợ mình mới về và đang ở nhà anh trai ruột là Lăng Văn Vang, Cường tức tốc sang tìm. Trên đường đi, Cường nhiều lần gọi điện cho vợ nhưng đều từ chối hoặc không nghe máy. Khi sang đến nhà anh vợ, Cường mượn điện thoại của anh Vang để gọi. Ban đầu Thuận cũng nghe, nhưng sau phát hiện ra chồng gọi thì chị ta cúp máy. Cường trả lại điện thoại cho anh Vang rồi tức giận bỏ ra quán ngồi uống rượu giải khuây.
Càng uống càng uất ức, đến khoảng 16h cùng ngày, Cường về nhà lấy một con dao rồi tiếp tục đến nhà anh Vang lần nữa, quyết tìm vợ cho bằng được. Lúc này, anh Vang đang phát cỏ trong vườn, hai con anh là cháu Lăng Thị Nguyệt và Lăng Tuấn Minh cũng ngồi chơi gần đó. Cường lại mượn điện thoại của anh Vang để gọi vợ. Lần này thì Thuận nghe máy. Hai vợ chồng lời qua tiếng lại, Cường nói muốn vợ quay về chung sống nhưng Thuận không đồng ý. Quá uất ức, Cường dọa: “Nếu cô không về, tôi sẽ giết người để vào tù!”. Nghĩ chồng mình chỉ nóng giận nên mới nói như vậy, Thuận thách thức: “Tôi cũng đã xác định rồi, vợ chồng không sống với nhau được nữa. Còn tùy anh, muốn chém ai thì chém, muốn giết ai thì giết…!”.
Thuận cũng không ngờ, chỉ vì câu nói không suy nghĩ ấy của mình mà đẩy Cường vào cơn điên loạn. Như con thú hoang bị dồn đến chân tường, Cường gây án không chút đắn đo. Khi liếc trông thấy hai đứa con anh Vang đang ngồi chơi ở gần đó, Cường cầm dao tiến lại gần rồi vung lên chém liền hai nhát vào đầu cháu Minh…
Dù được bố đưa đi cấp cứu, nhưng vì hai vết thương quá nặng, cháu Lương Tuấn Minh đã chết trên đường đến bệnh viện. Lục Văn Cường bị bắt và lĩnh án tử hình.
Cường gây nên thảm án, để lại đớn đau, vất vả cho cả đại gia đình.
Ông Lục Văn Sến (bố tử tù Lục Văn Cường), và đứa cháu nội Lục Đức Long mới được hơn 5 tuổi.
Từ buồng biệt giam, lo con mình thơ dại!
Hành động rồ dại, mất nhân tính của Cường đã phải trả giá. Nhưng, đằng sau vụ án thương tâm này, còn đọng lại rất nhiều nỗi đau dai dẳng khác. Trong một phút không kìm chế được bản thân, Lục Văn Cường không chỉ tước đi sinh mạng một cháu bé chưa đầy ba tuổi, mà còn đẩy chính anh ta lên “đoạn đầu đài”. Và, cũng vì hai nhát dao oan nghiệt đó đã khiến hai bà mẹ đớn đau hóa đá. Một người mới ngoài 30 tuổi tiễn con thơ về nơi chín suối, người kia ngoài 60 tuổi đưa con mình vào chốn biệt giam chờ ngày “dựa cột”, mỗi người mỗi cảnh, nỗi đau nào cũng lớn lao.
Kể từ khi con trai mất, chị Lành Thị Hương cũng gác lại chuyện đi làm thuê dưới thành phố để ở nhà chăm sóc chồng và cô con gái. Mỗi bữa cơm, chị thường chuẩn bị thêm một cái bát, một đôi đũa để vào vị trí mà cháu Minh lúc còn sống vẫn hay ngồi. Chị bảo, “lỡ cháu có về còn có bát mà ăn!”. Đêm xuống, chị lại lôi mấy cái ảnh con trong điện thoại ra ngắm nghía. Còn chồng chị, anh Lăng Văn Vang, cũng chẳng khá khẩm hơn vợ là bao. Nỗi đau mất con làm anh trông già đi đến hàng chục tuổi. Từ bấy đến giờ, lúc nào anh cũng tự trách mình đã không bảo vệ được con trước lưỡi dao của tên thủ ác…
Trong trại giam, Lục Văn Cường lý giải rằng, hành động của mình lúc đó là do bồng bột, nóng giận, thiếu suy nghĩ, hệ quả của việc không được ăn học đàng hoàng. Nhưng, dù có biện minh hay bấu víu vào lý gì đi chăng nữa, Cường cũng không thể phủ nhận hành vi tàn độc của mình.
Lăng Thị Thuận: “Tôi ân hận vì đã nói những lời vô trách nhiệm với chồng…”.
Giờ đây, Cường tiếc nuối, ân hận rất nhiều, nhưng, tất cả đã quá muộn màng. Đêm nào, Cường cũng chỉ nghĩ đến đứa con thơ dại. Cường bảo, giá như anh ta bình tâm để giải quyết những mâu thuẫn, khúc mắc giữa hai vợ chồng một cách êm thấm thì đâu nên nỗi. Đồng thời, Cường cũng không quên “hờn trách” vợ, “giá như vợ mình nghe máy, không từ chối một cách phũ phàng như thế thì đâu đến nỗi đẩy anh ta vào cơn điên loạn; giá như cô ấy không buông lời thách đố…”.
Kể từ khi Cường bị bắt, lĩnh “án tử” rồi vào buồng biệt giam chờ ngày trả án, vợ Cường, Lăng Thị Thuận, cũng bỏ nhà đi biệt tích, con trai thì về sống với ông bà. Bố mẹ Cường, năm nay đều ngoài 60, tuổi già như lá vàng trước gió. Từ ngày con trai mình gây ra thảm án, hai vợ chồng già sống khép mình trong căn nhà nằm hoang biệt trên nóc một quả đồi. Vốn dĩ đã thuộc diện hộ nghèo nhất nhì của xã, nay lại phải chăm sovs cho cháu Lục Đức Long (SN 2007), cuộc sống của ông bà càng thêm khốn khó. Nhưng, những thiếu thốn về vật chất đó, nó cũng không thấm tháp gì so với nỗi đau tinh thần mà ông bà phải gánh chịu.
Đã đi gần hết cuộc đời, tưởng sẽ được hưởng cảnh điền viên lúc tuổi già, nào ngờ, bao đớn đau, tai họa ập xuống khiến vợ chồng ông Lục Văn Sến và bà Vi Thị Giáo gần như không cách nào gượng dậy. Ông bà chỉ lo sau này mình “về với tổ tiên”, không biết tương lai của đứa cháu nội sẽ ra sao, ai sẽ chăm lo, nuôi nấng cháu thành người?
Trong mái đầu non nớt của Lục Đức Long, cháu cũng lờ mờ nhận ra sự vắng mặt lâu ngày của cả bố và mẹ. Ai hỏi thăm, Long cũng rành rẽ rằng, “bố cháu đi tù, mẹ bỏ đi rồi!”. Mỗi lần ông bà cho vào trại, Long đều ôm riết lấy cổ bố hôn hít mãi không thôi. Những lúc đó, Cường chỉ lặng lẽ khóc. Có lẽ, chút tình phụ tử ấy sẽ là nguồn động viên, an ủi cho một kẻ tử tù như Lục Văn Cường trong chuỗi ngày phía trước.
Lục Văn Cường: “Giá như tôi biết bình tâm để giải quyết chuyện gia đình…”.
Chị Lành Thị Hương, mẹ cháu Lăng Tuấn Minh: “Đêm nào tôi cũng mơ thấy con mình kêu cứu…”.
Tử tù Lục Văn Cường trước cơ quan công an.
Lục Văn Cường: “Tôi chỉ lo cho con trai…”.
Bà Vi Thị Giáo, mẹ tử từ Lục Văn Cường: “Sau này không biết cháu tôi sẽ sống ra sao?”.