Nhát dao đoạn nghĩa vợ chồng

21 tuổi, Ba cưới vợ. Gọi là cưới cho oai chứ thực ra gia đình hắn và vợ đều nghèo, yêu thương thì đôi bên làm vài mâm cơm mời hàng xóm chứ cũng chẳng rình rang.

Cuộc sống khốn khó, mâu thuẫn giữa vợ chồng hắn nảy sinh chỉ sau vài chục ngày chung sống.

Cứ dăm bữa nửa tháng, hàng xóm lại thấy Ba lôi vợ hành hạ. Đánh riết bằng chân tay cũng chán, có lần cáu tiết vì xin tiền không được, hắn cầm dao chém vào cổ vợ. Sau nhát dao dứt tình, đoạn nghĩa ấy, vợ Ba vác quần áo về nhà mẹ đẻ, còn hắn ra Tòa đối mặt với bản án tù.

Chém vợ vì… 500.000 đồng

Ngày 25/9/2013, khi bị TAND huyện Quế Phong, Nghệ An đưa ra xét xử vì tội “Cố ý gây thương tích”, Vi Văn Ba (SN 1988, người dân tộc Thái ở bản Chiếng, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, Nghệ An) liên tục tìm cách quanh co chối tội. Hắn khai rằng, vì giận vợ không đưa tiền nên mới cầm dao để dọa. Dao kiếm vô tình, cổ vợ hắn “chảy máu” là điều nằm ngoài ý muốn. Thế nhưng, Ba đâu biết rằng, chuyện hắn thường xuyên dùng vũ lực đối với vợ đã “danh nổi như cồn”.

Bà Vi Thị Loan, cô của vợ và cũng là hàng xóm của Ba, kể rằng: “Tuần nào, tháng nào thằng Ba cũng đánh vợ, nhẹ thì vài cái bạt tai, nặng thì đấm đá, chửi rủa cả đêm. Hàng xóm láng giềng ai chả biết, thế nhưng thời gian đâu mà can gián mãi. Chỉ khổ thân cô vợ, mỗi lần chồng đánh chỉ biết lạy lục van xin. Lạy lục chán thì trốn chui, trốn lủi, khi thì bụi cây, hốc đá, khi thì gầm giường nhà hàng xóm. Có đận nó bị chồng đánh thâm tím hết cả mặt mũi, suốt tuần không dám bước chân ra khỏi nhà vì xấu hổ”.

Đến ngay cả bà Ngân Thị Xuân (SN 1963), mẹ ruột của Ba cũng phải thừa nhận thói vũ phu của con mình. Bà Xuân bảo: “Tôi biết thằng Ba cục tính và hay đánh vợ, nhưng tôi già rồi, sức đâu mà can nổi. Thấy con như vậy tôi chỉ biết dùng lời khuyên bảo, nói mãi mà nó có chịu nghe đâu. Có lần thằng Ba đi uống rượu về, chân nọ rối chân kia, nó chửi vợ ngay từ khi mới ngật ngưỡng đến đầu hồi. Chửi chán, nó lôi vợ ra đánh, tôi chạy vào can còn bị nó đẩy cho ngã ngửa ra hè...”.

Vi Văn Ba tại Tòa

Và đến giờ, khi nhắc lại cái chuyện con trai mình dùng dao chém vào cổ vợ, bà Xuân vẫn không khỏi bàng hoàng. Hôm đó là ngày 5/6/2013, Ba đi làm giúp và có uống rượu ở gia đình anh Lô Văn Long, người ở bản bên. Tàn cuộc rượu, Ba rủ anh Long về nhà mình rồi cùng đi sửa máy cưa. Khi về đến nhà, Ba thấy vợ là Vi Thị Nghiệp (SN 1992) đang lúi húi nấu cơm chiều. Ba vào bếp bảo vợ đưa cho mình 500.000 đồng để đi sửa máy cưa. Hắn hỏi vậy vì nghĩ rằng sáng đó bà Xuân có bán mấy tấm gỗ cho lái buôn, tiền thu được chắc đã đưa cả cho Nghiệp giữ. Thế nhưng, tiền bán gỗ bà Xuân vẫn cầm nên Nghiệp trả lời chồng “mẹ chưa đưa, trong nhà không còn đồng nào cả”.

Thấy bị mất mặt với anh Long, cộng thêm bản tính vũ phu, Ba lao vào đánh vợ. Sau khi tát Nghiệp vài cái, hắn liền vớ lấy con dao ở cạnh bếp rồi chém một nhát vào cổ vợ. Nhìn thấy máu ở cổ Nghiệp ứa ra, hắn sợ quá quăng dao bỏ chạy. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh, khi anh Long chạy xuống bếp thì đã thấy Nghiệp đang dùng tay ôm lấy cổ, máu chảy đầm đìa. Sau đó, anh Long liền chở Nghiệp lên bệnh viện huyện để điều trị vết thương.

Còn về phần Ba, sau khi gây án, hắn chạy một mạch vào rừng ẩn nấp. Nhưng rồi nghĩ có chạy trốn mãi rồi cũng sẽ có ngày bị bắt nên ngay trong tối hôm đó, hắn đến Đồn biên phòng Hạnh Dịch để đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Gia đình tan nát vì bạo lực   

Trước Tòa, chị Nghiệp kể rằng, tính đến giờ, chị không thể nào nhớ hết những lần bị chồng đánh đập. “Lấy nhau mới được ba bốn tháng, tôi đã bị chồng đánh rồi. Chả cần có lý do gì, anh ấy cứ uống rượu vào là đánh. Mà nhiều khi Ba cũng chẳng cần đến rượu, thích thì đánh thôi. Ngay cả khi tôi bụng mang dạ chửa mà cũng có thoát đâu, có ngày tôi còn bị đánh đến 3,4 lần, ngất lên ngất xuống, chết đi sống lại mà không biết mình bị đánh vì lý do gì. Tôi gắng nhịn đến bây giờ cũng chỉ vì con gái…”, Nghiệp kể trong nước mắt.

Cuộc sống vợ chồng đối với Nghiệp là cả một chuỗi bi kịch đớn đau. Vợ chồng Nghiệp lấy nhau năm 2009 và có hai đứa con. Đứa đầu sinh năm 2009 nhưng cháu bị ốm và mất khi mới tròn một tuổi. Năm 2011, vợ chồng Nghiệp sinh con thứ hai là Vi Thị Hồng Như. Từ đầu đến cuối phiên tòa, Như bám riết lấy mẹ. Thỉnh thoảng cô bé mới dám len lén nhìn trộm ông bố đang vịn vành móng ngựa. Như sợ bố có lẽ do phải chứng kiến quá nhiều hành động bạo lực của bố đối với mẹ. Ngay cả lúc Ba cố tình đưa tay về phía con, Như cũng nhất quyết không rời khỏi bàn tay mẹ.

Khi được nói lời sau cùng trước khi Tòa nghị án, Ba chỉ khẽ lí nhí trong miệng: “Lúc đó, vì bị cáo cứ nghĩ vợ mình nói dối chuyện không có tiền nên mới tức giận. Hơn nữa, tại hôm đó bị cáo uống hơi nhiều, không làm chủ được mình nên mới gây ra tội. Giờ bị cáo biết lỗi rồi, bị cáo thật lòng xin lỗi vợ con và xin lỗi mẹ…”. Nói xong câu ấy, Ba quay mặt hướng về phía dưới, mong gặp được ánh mắt cảm từ vợ con, song cả Nghiệp và con gái đều im lặng cúi đầu.

Còn mẹ Ba, bà Ngân Thị Xuân cũng nước mắt ngắn dài. Người đàn bà lam lũ, bần hàn ấy tất tả đến phòng xử án từ khi phiên xử chưa kịp bắt đầu. Gia đình thuộc diện nghèo, chồng mất sớm, một tay bà phải lo toan nuôi 4 đứa con. Sáng, bà phải đi vay lấy mấy chục ngàn để thuê xe ôm. Bà không có tiền để mua quà cho con trai. Bà chỉ nhìn con mà khóc. Khi nghe Tòa tuyên Ba phải chịu hình phạt 2 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, bà Xuân đứng như chôn chân trong phòng xử án. Đến khi Ba bị dẫn giải đi, bà mới chạy theo níu tay con: “Cố gắng cải tạo tốt nghe con!”.