Vượt qua hơn 100km từ TP Lào Cai trên con đường quanh co, hiểm trở và nhấp nhô sỏi đá, chúng tôi đến được trường Tiểu học số 1 (xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai).
Ngôi trường nằm trên một quả đồi giữa không gian tĩnh lặng và heo hút. Thế nhưng, giờ ra chơi, sân trường trở nên náo nhiệt hơn bởi đầy ắp tiếng cười nói của học trò.
Hơn 3 năm gắn bó với học sinh nghèo vùng cao, cô giáo Hứa Thị Huế (quê Yên Bái), không thể quên ngày 8/3 đầu tiên khi về trường Tiểu học Sín Chéng. Không có ai tặng hoa, cũng chẳng có quà nhân ngày Quốc tế Phụ nữ nhưng cô Huế lại nhận được biết bao tình cảm chân thành của học sinh dân tộc Mông.
Đối với giáo viên vùng cao, món quà lớn nhất trong ngày 8/3 chính là tình yêu thương của học trò dành cho họ
“Cuộc sống thiếu thốn nhưng chưa chan tình cảm. Nhiều khi các em dù rất yêu quý mình nhưng lại không biết cách bày tỏ hay ngại ngùng. Ngày 8/3 đầu tiên khi nhận công tác tại trường, không có quà hay hoa mà chỉ đơn giản là các em đứng lên rồi cùng nói chúc mừng cô. Cảm xúc lúc đó là vừa buồn lại vừa vui. Buồn vì chưa quen phong tục và cuộc sống còn xa lạ, nhưng niềm vui lại lớn hơn rất nhiều vì các em dù là người dân tộc, không quen với ngày lễ này nhưng vẫn nhớ đến cô giáo”, cô Huế bộc bạch.
Vượt hàng trăm cây số từ đồng bằng đến huyện vùng cao khó khăn Si Ma Cai, cô giáo Nguyễn Thị Đỏ (quê Hải Dương) đã gắn bó với học sinh trường Tiểu học Sín Chéng được gần 4 năm.
Với cô, món quà ý nghĩa nhất trong ngày 8/3 là các em học sinh đến lớp đầy đủ. Tiếng đọc bài của các em dù chưa thật sõi những đó lại là món quà tặng có ý nghĩa nhất. Cô Huế bày tỏ: “Các em đến với chúng tôi bằng tấm lòng. Có thể là ngắt hoa rừng tặng, hoặc có thể là tặng thầy cô bằng những bài hát….Đơn giản vậy thôi nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy rất vui”.
Không chỉ được nhận những món quà tình cảm từ các em học sinh, mà năm nào cũng vậy, vào ngày 8/3, ban giám hiệu nhà trường đều tổ chức thi nấu ăn. Các thầy giáo là người đảm nhiệm vai trò đầu bếp và coi đó là quà tặng những đồng nghiệp nữ của mình.
Thầy Đỗ Ngọc Tân thổ lộ: “Các cô giáo khi lên công tác ở đây rất thiệt thòi, phải sống xa nhà, có nhiều cô khóc vì tủi thân. Vậy nên, các thầy trong trường luôn tổ chức nấu ăn và đảm nhận mọi công việc. Chúng tôi coi đó là món quá tặng một nửa thế giới và bù đắp phần nào cho các cô giáo”.
Từ miền xuôi lên vùng cao làm nhiệm vụ trồng người, thiếu thốn trăm bề, thậm chí nhiều cô giáo đã hy sinh cả tuổi thanh xuân và hàng ngày phải đối diện với bao khó khăn, nhưng khó khăn ấy đã được thay thế bằng tình yêu thương của bà con đồng bào vùng cao, các học trò và đồng nghiệp dành cho các cô giáo.