Nhẫn cưới không đáng 10 ngàn và những 'phi vụ' từ thiện

Thiết nghĩ, các nhà quản lý cần có những quy định pháp luật chặt chẽ để đảm bảo đạo đức, công bằng xã hội trong công tác từ thiện.
38,5 triệu đồng và cán cân đạo đức

Mấy ngày qua, sự việc vỡ lở Công ty vàng Cửu Long Jewelry tặng nhẫn cưới bằng vàng giả cho người khiếm thị khi tài trợ đám cưới tập thể (tháng 9/2014) tại TPHCM đang khiến dư luận bất bình.

Chuyện bắt đầu khi một trong số 11 cặp vợ chồng khiếm thị được tặng nhẫn cưới ra tiệm vàng nhờ đánh bóng lại. Và họ ngỡ ngàng khi chủ tiệm cho hay đó là vàng giả vì tuổi vàng quá thấp. “Các cửa hàng bảo hàng giả nên 10 nghìn đồng cũng không mua", một người tặng nhẫn cho hay.

Lặn lội xe đò đến Ban Tổ chức và đại diện Công ty vàng Cửu Long Jewelry để hỏi, họ lại “ngỡ ngàng” rằng mặc dù công bố là cặp nhẫn trị giá 6 triệu, nhưng trong hợp đồng tài trợ thì mỗi cặp nhẫn chỉ có giá vẻn vẹn 2,5 triệu. 

6 triệu VND cho một cặp nhẫn có thể mua được khoảng gần 2 chỉ vàng 9999 theo thời giá hiện nay, như vậy chi phí cho 11 cặp là 66 triệu. Số tiền này nhỉnh hơn 38,5 triệu so với tổng số tiền tính theo hợp đồng (11 cặp nhẫn x 2,5 triệu, với giả định giá trị ghi trong hợp đồng là… thật).

Nhưng vấn đề của công ty vàng Cửu Long bây giờ không phải nằm ở chỗ 38,5 triệu có thể tiết kiệm qua vụ tài trợ lấy tiếng này nữa.

Dư luận khó lòng có thể chấp nhận sự việc ở hai lẽ. Thứ nhất, vì sao lại đi lừa những người khiếm thị vốn chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, mà dẫu có bù đắp bao nhiêu cũng không là đủ? Lương tâm và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở đâu khi hành xử như vậy?

Thứ hai, nhẫn cưới là kỷ vật thiêng liêng của cả một đời người, thậm chí còn truyền cho đời sau. Nếu trong nghi lễ trọng thể như đám cưới, chú rể, cô dâu trao tặng nhau kỷ vật này mà không hề hay biết là đồ giả thì rồi họ và gia đình sẽ tổn thương đến chừng nào khi phát hiện ra?

Và không chỉ dừng lại câu chuyện đạo đức, từ sự vụ này, các khách hàng hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi về tính trung thực của doanh nghiệp. Liệu những trang sức cho đám cưới mà nhiều cặp đôi chắt chiu bao năm để đủ tiền mua tại công ty này có phải là vàng thật? Lấy gì bảo chứng cho uy tín làm ăn của doanh nghiệp?

Cặp uyên ương trong đám cưới vì cộng đồng cách đây 4 tháng.

Cần có quy định về xử phạt

Đáng buồn rằng, đây không phải là lần đầu dư luận phải bất bình vì kiểu làm từ thiện  như thế này của một số doanh nghiệp.

Còn nhớ, hồi tháng 6/2012, báo chí từng đưa tin về việc mì Gấu Đỏ tặng 100 thùng mì gói hết hạn cho bệnh nhân ung thư tại bệnh viện K, cơ sở 2  ở Hà Nội. May mà vụ việc được phát hiện kịp, các thùng mì hết hạn được trả về.

Hồi tháng 6/2010, là vụ đoàn y, bác sĩ từ thiện do một bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn phát thuốc quá date, kém chất lượng cho người nghèo

Còn trước ít tháng, dư luận từng xôn xao vì vụ bột ăn liền quá date được Cty TNHH Nguyễn Hồng tặng cho các em học sinh của khiếm thính. Trong vụ việc này, doanh nghiệp còn “kỳ công”, tỉ mỉ ngụy trang… hạn sử dụng mới lên.

Rồi những chuyện như cứu trợ vùng lũ bằng hàng quá date, v.v…

Dù mặt hàng khác nhau, nhưng tổn thương của những “cú lừa” từ thiện kiểu này gây ra là như nhau. Và nạn nhân, tất nhiên đều thuộc nhóm thiệt thòi, yếu thế trong xã hội: người nghèo, neo đơn, khuyết tật, bệnh nhân…

Hệ quả sâu rộng hơn là những “con sâu làm rầu nồi canh” này sẽ làm con người mất lòng tin. Thật giả lẫn lộn sẽ khiến công tác từ thiện đã khó khăn càng khó khăn hơn, phá hoại nền tảng truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.

Hầu hết các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng từ thiện để tuồn hàng giả, hàng kém phẩm cấp vào cộng đồng, dùng đồ giả đánh bóng tên tuổi thật, khi bị phát hiện mới chỉ dừng ở chỗ bị dư luận tẩy chay, lên án. Sự bại lộ của các “phi vụ” đó này hầu hết cũng do người dân tự tìm ra rồi phản ánh với truyền thông.

Vậy nếu  còn những  trường hợp tương tự chưa phát hiện ra thì sao?  Liệu có biết bao nhiêu người nghèo, người bệnh, người khuyết tật đang bị lợi dụng bởi các chiêu PR ma mãnh và vô đạo đức như vậy nữa? Khi nào những hành vi sai trái này mới bị xử lý nghiêm luật pháp?

Câu chuyện mang vàng rởm tặng người khiếm thị một lần nữa cho thấy các nhà quản lý cần có những quy định pháp luật chặt chẽ để đảm bảo đạo đức, công bằng xã hội trong công tác từ thiện. Đó là việc thật sự cần thiết để đảm bảo sự minh bạch và trong sáng  khi các doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.