Theo tài liệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng (C48 - Bộ Công an), bị can Dương Chí Dũng (SN 1957, nguyên Cục trưởng Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines) và nguyên Tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc biết rõ ụ nổi No. 83M No sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản bị hư hỏng nặng, đã bị Đăng kiểm Nga không cho hoạt động từ năm 2006 song nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới hợp thức thủ tục để mua với giá 9 triệu USD thông qua Công ty AP (Singapore).
Quá trình điều tra, C48 Bộ Công an đã cử đoàn công tác sang Singapore để ghi lời khai của ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP, và đã phát hiện ra "kịch bản" chia chác tiền tham ô tài sản của các cán bộ, lãnh đạo Vinalines.
Giám đốc Công ty AP đã cung cấp một bản thỏa thuận ngày 7/7/2007 do Công ty Global Success (Công ty của Nga, có chi nhánh tại Hongkong) và Công ty AP ký kết, nội dung ghi rõ việc ăn chia 9 triệu USD tiền bán ụ nổi No. 83M.
Theo đó, Công ty Global Success được hưởng 4,334 triệu USD, riêng Giám đốc Công ty này được hưởng 1,134 triệu USD, và bên thứ 3 do Công ty Global Success chỉ định được hưởng 1,666 triệu USD...
Sau khi Vinalines chuyển 9 triệu USD, Giám đốc Công ty Global Success lập tức yêu cầu ông Goh chuyển 1,666 triệu USD cho Công ty Phú Hà (tại Việt Nam) thông qua ngân hàng UOB - Chi nhánh TPHCM, ghi rõ: Công ty AP chuyển cho Công ty Phú Hà để thanh toán cho các công việc chuẩn bị tài liệu xuất khẩu, hải quan và thuế xuất khẩu ụ nổi No. 83M.
Cơ quan điều tra xác định Công ty Phú Hà không thực hiện bất kỳ công việc gì liên quan tới ụ nổi No. 83M, đồng thời làm rõ Giám đốc Công ty này là bà Trần Thị Hải Hà, em gái ông Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines. Ông Sơn nhờ công ty em gái để nhận số tiền trên.
Ngày 18/6/2008, theo thỏa thuận trước đó, ông Goh chuyển 1,666 triệu USD cho Sơn qua tài khoản của Công ty Phú Hà. Đến tháng 7-2008, Công ty Phú Hà đổi sang tiền Việt thành hơn 28 tỉ đồng.
Để chia chác tiền theo sự chỉ đạo của Dương Chí Dũng từ trước, hơn 10 ngày sau khi nhận tiền, khi ông Dũng vào TP HCM công tác, Sơn gọi điện thoại hẹn nói: “Em gặp bác để chuyển ít quà”. Dũng đồng ý.
Sau đó, Sơn tự tay xếp 5 tỉ đồng tiền mặt, loại mệnh giá 500.000 đồng vào 1 chiếc va ly có bánh xe, tay kéo, rồi đến khách sạn bằng xe taxi.
Tại phòng VIP của khách sạn này, Sơn đưa va ly tiền cho Dũng và nói: “Theo chỉ đạo của bác, hôm nay em chuyển cho bác trước 5 tỉ đồng tiền ụ nổi No. 83M. Số tiền còn lại em chuyển bác sau”. Dũng nhận va ly tiền nói: “Cảm ơn em!”.
Lần đưa tiền thứ hai, tại nhà mẹ vợ của Dũng tại TP Hải Phòng, cách sau lần gặp nhau tại TP HCM khoảng 3, 4 tuần. Hôm ấy, khi ra Hà Nội, Sơn đến phòng làm việc gặp Dũng và nói: “Em gửi anh nốt số tiền 5 tỉ đồng còn lại. Khi nào anh về Hải Phòng thì em đưa, vì tiền em để ở Hải Phòng rồi”. Dũng đồng ý, hẹn gặp Sơn cuối tuần ở Hải Phòng.
Sơn lúc đó đã chuẩn bị toàn tiền mệnh giá 500.000 đồng, đựng trong túi quà Tết. Sau đó, Sơn tự tay xếp số tiền trên vào trong va ly có bánh xe, tay kéo.
Trước khi đến, Sơn gọi điện cho Dũng, hỏi Dũng đã đến nhà mẹ vợ chưa, rồi kéo va ly đi bộ sang nhà mẹ vợ Dũng cách đó chừng 500 mét. Tại phòng khách, Sơn nói: “Em đưa nốt anh số tiền còn lại”. Dũng nhận va ly, tiếp tục: “Cảm ơn em!”.
Mai Văn Phúc cũng được chia tới 10 tỉ đồng tiền tham ô từ vụ mua ụ nổ No. 83M
Về việc đưa tiền cho Mai Văn Phúc, bị can Sơn khai cũng đã đưa cho Phúc 10 tỉ đồng chia làm 3 lần. Lần đầu tiên tại nhà riêng của Phúc ở làng quốc tế Thăng Long, khoảng tháng 6, tháng 7/2008, số tiền 2,5 tỉ đồng. “Hôm nay em gửi bác trước tiền ụ nổi. Số còn lại em chuyển bác sau” - nguyên TGĐ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines trình bày.
Lần đưa tiền thứ hai của Sơn cũng diễn ra tại nhà riêng của Phúc, số tiền 5 tỉ đồng, cách sau đó khoảng 2, 3 tuần.
Lần thứ 3, khoảng cuối năm 2008 âm lịch, Sơn ra Hà Nội công tác. Sau khi liên lạc, biết Phúc đang ở huyện An Dương (Hải Phòng), Sơn hẹn gặp và chuyển số tiền 2,5 tỉ đồng.
Số tiền còn lại, Sơn chia cho em gái 2 tỉ đồng; chia cho Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi No. 83M) 340 triệu đồng và chiếm hưởng 5,8 tỉ đồng.
Khoảng cuối năm 2008, sau khi ụ nổi đưa về Việt Nam, Sơn đã giao cho Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng cho tiền đựng trong túi ni-lông, nói: "Gửi anh chút tiền bồi dưỡng".
Thương vụ mua ụ nổi No.83 M về để đấy đã gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng đã bị vỡ lở và các bị can đều bị sa lưới pháp luật.
Truy tố Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm Bộ Công an ngày 14/10 ra thông báo cho biết Cơ quan CSĐT tội phạm về tham nhũng (C48, Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố bị can Dương Chí Dũng (SN 1957, nguyên Cục trưởng Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines) cùng 9 bị can, gồm: Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi No. 83M), Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên), Mai Văn Khang (cán bộ ban quản lý dự án Vinalines), Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức (đều là cán bộ Chi cục Hải quan Tân Phong, tỉnh Khánh Hòa), Trần Hải Sơn (nguyên Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó 4 bị can: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều còn bị đề nghị truy tố thêm tội danh “Tham ô tài sản”. |