PV: Thưa Thượng tọa, được biết Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương có mở một cuộc họp để xem xét, xử lý trường hơjp của sư thầy Thích Thanh Cường?
Đúng là Giáo hội đã tổ chức một cuộc họp với tất cả các thành viên trong Thường trực Ban Trị sự để bàn về vụ việc liên quan đến Đại đức Thích Thanh Cường (Trụ trì chùa Cường Xá). Tuy nhiên, đến khi cuộc họp kết thúc thì sư thầy Thích Thanh Cường vẫn không có mặt với lý do đang bận đi lễ ở Quảng Ninh không về kịp.
PV: Xin Thượng tọa cho biết nội dung chính của cuộc họp?
Buổi họp đã tập trung nghiên cứu, xác minh những hành động phản cảm của thầy Thích Thanh Cường đã đăng trên facebook cá nhân và phân tích tỉ mỉ những hành động mà thầy Cường đã gây ra, cùng nhau thảo luận, lấy ý kiến để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt nhất. Đối chiếu với Hiến Chương nội qui tăng sự của Giáo hội, việc làm của thầy Thích Thanh Cường đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, thanh danh, uy tín của Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, làm giảm niềm tin của tín đồ, Phật tử, gây phản cảm đối với dư luận xã hội.
Tại buổi họp, Thường Trực ban Trị sự cũng đã thảo luận và đưa ra những hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với Đại đức Thích Thanh Cường. Đồng thời, Trưởng ban Trị sự đã chỉ đạo tiếp tục gửi giấy triệu tập thầy Cường đến dự buổi họp lần 2 vào ngày 2/10 tại Văn phòng Giáo hội.
PV: Nếu Đại đức Thích Thanh Cường tiếp tục không tới dự họp thì Ban Trị sự sẽ xử lý thế nào?
Trong buổi họp, Thượng tọa Thích Quảng Tùng đã có ý kiến rằng nếu lần này thầy Cường vẫn cố tình không đến cuộc họp thì Ban Trị sự sẽ tiến hành xử lý vắng mặt theo qui định của Giáo hội. Còn về hình phạt đối với thầy Cường còn phải tùy thái độ, cũng như sự thành thực, ăn năn về hành động của mình trong cuộc họp. Nếu thầy Cường còn tiếp tục cố tình không đến là tỏ thái độ chống đối lại Giáo hội thì sẽ phải nhận mức kỷ luật cao nhất là cảnh cáo, bãi nhiệm chức vụ Trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tứ kỳ.
Thầy Thích Thanh Cường dùng Iphone 6 chụp ảnh khoe hình tung lên trang Facebook
Theo tôi, trong trường hợp này có thể thầy Cường đã sơ xuất hoặc thiếu cân nhắc, từ đó nên sự bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của các tăng ni trong Giáo hội… Đạo Phật có câu “Tốt đời, đẹp đạo”, ý muốn dạy con người hãy bỏ qua những danh lợi, những ham muốn tầm thường trong cuộc sống để hướng tới một đời sống “Tri túc thường lạc”. Đây cũng có thể nói là tôn chỉ, mục đích của những người tu hành, tuy nhiên trong những trường hợp này thầy Cường đã không kiểm soát được chính mình, vì vậy đã để xảy ra sự việc trên.
PV: Thượng tọa có khuyên gì giúp các tăng ni trẻ?
Sự việc của thầy Thích Thanh Cường đã khiến không chỉ mọi người trong xã hội có những cái nhìn khác đi về những người tu hành, mà còn chi phối phần nào đến những tăng ni trẻ… Việc các tăng ni trẻ hiện nay thường cập nhật mạng Internet để tìm hiểu nắm bắt thông tin xã hội tốt, nhưng cần phải hạn chế không dễ sa đà mà quên hết nhiệm vụ của bản thân. Ngoài ra, họ cũng nên có một khoảng cách nhất định với cuộc sống xô bồ của xã hội trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, vì hầu hết các tăng ni trẻ chưa có kinh nghiệm nên dễ bị chủ nghĩa thực dụng làm mờ mắt.
Việc đi hóa duyên, làm lễ giúp các Phật tử, doanh nghiệp là chuyện tốt mà người nhà Phật nên làm. Tuy nhiên, theo tôi làm những việc đó các tăng ni, hòa thượng chỉ cần hoàn thành nghĩa vụ của mình về mặt tâm linh. Còn không nên trước nhiều người, trong các tiệc liên hoan, khai trương dù chủ nhà có níu kéo như thầy Cường đã dùng làm lý do để biện minh cho hành động của mình. Một lần có thể không sao nhưng đến lần 2, lần 3 người ta sẽ có cái nhìn khác về người nhà Phật, và chúng tôi sẽ bị đánh đồng với tất cả những người khác trong xã hội.