Hai đám ma “đụng đầu” ở nghĩa trang
Vụ án mạng thương tâm xảy ra vào ngày 17/1/2013, khi Tân gọi điện thoại cho Mỹ ra quán cà phê hay ngồi để nói chuyện lần cuối. Mỹ bị gia đình cấm cản gặp nên lúc đầu nhất quyết không đến điểm hẹn. Tuy nhiên, khi nghe giọng của Tân qua điện thoại rất tha thiết, Mỹ buộc lòng nối dối cha mẹ cho ra ngoài một lúc với lý do đi sang nhà bạn mượn tài liệu học tập.
Vừa tới nơi, chàng trai kéo cô gái ngồi vào bàn, tha thiết: “Anh không muốn mất em”. Mỹ chưa kịp phản ứng, người yêu đã rút dao thủ sẵn trong người đâm ba nhát vào người yêu cho đến khi tắt thở. Cùng lúc, Tân thò tay vào túi quần móc chai thuốc sâu tu một mạch rồi ngã lăn ra bên cạnh. Sự việc xảy ra nhanh đến nỗi những người có mặt tại quán cà phê không kịp nhảy vào can thiệp. Khi công an đến hiện trường, đôi trẻ chỉ còn là hai các xác không hồn. Đến 22h đêm ấy, cha mẹ đôi trẻ đến hiện trường nhận thi thể con về mai táng.
Không hẹn mà lại “đụng”, gia đình hung thủ và gia đình nạn nhân lại gặp nhau tại nghĩa địa. Nhận thấy ngày giờ đưa đám quá trùng hợp, nhiều người đã nảy ý tưởng nên chôn hai người chung một nhà mồ. Ban đầu, bố mẹ cô gái không đồng ý một mực khăng khăng để mộ con gái xa mộ của Tân. Thế nhưng, bố mẹ Tân phần vì thương con trai, phần cảm thấy có lỗi với cô gái nên đã tự động sang nhà nạn nhân năn nỉ để được mộ Mỹ về nằm cạnh mộ con mình. Sau gần một tuần suy nghĩ, hết thù hận rồi cảm thông, gia đình cô gái đồng ý cho đôi trẻ an nghỉ gần nhau. Khi ngôi nhà mồ hoàn thành, oán thù giữa hai bên gia đình cũng được hóa giải. Ông Nguyễn Văn Duy (bố Tân) đã bình tĩnh trở lại nói: “Lúc còn sống hai đứa chúng nó không được hạnh phúc bên nhau, chết đi chỉ còn nấm mồ. Cớ sao người lớn cứ phải chia cắt làm gì cho đôi trẻ càng đau lòng. Thôi thì xóa bỏ hận thù bắt tay thực hiện tâm nguyện cuối cùng cho con cái. Vì lẽ đó, giờ đây ngôi nhà mồ hai đứa lúc nào cũng ấm áp trong nhang khói cha mẹ đôi bên. Trong tâm khảm, tôi và bà nhà đã nhận Mỹ là con dâu luôn rồi”.
Dẫu vậy, gia đình ông Duy cũng như cha mẹ cô gái cũng không ít lần xuýt xoa “giá như chúng nó sáng suốt một chút thì không có kết cục bi ai thế này”. Cặp đôi yêu nhau khi tuổi đời còn quá trẻ, Mỹ vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường nên bố mẹ mới cấm cản để tránh lỡ dở việc học. Thực tế, hai bên gia đình vẫn tạo cơ hội cho hai người gặp gỡ, trò chuyện. Nào ngờ, Tân vì suy nghĩ nông cạn cho rằng người lớn không cho gặp gỡ là không lấy được nhau, nên mới “nổi loạn” dẫn đến kết cục giết người yêu để được bên nhau mãi mãi.
Lời cấm đoán chết người
Theo gia đình hung thủ, Tân sinh ra trong gia đình có ba chị em. Tân là con trai duy nhất trong nhà, đồng thời cũng là út nên cha mẹ hết mực nuông chiều. Được nước, Tân ham chơi, bỏ bê việc học. Hệ quả, Tân ở lại lớp 10 hai năm liền nên đâm ra xấu hổ với chúng bạn rồi ở nhà luôn. Để con không có thời gian lêu lổng, gia đình lôi Tân vào công việc lơ xe nhà và tập cho cách buôn bán các mặt hàng sản xuất từ nông nghiệp.
Trong quá trình đi làm, Tân vô tình quen với Mỹ, nữ sinh cấp 3 trắng xinh, hiền lành.
Người nhà cô gái kể lại, ban đầu, với vẻ mặt không điển trai cộng với làn da đen sạm vì nắng, chàng trai chẳng gây được ấn tượng gì với cô gái. Thế nhưng qua những lần cùng mẹ đến mua ngô, khoai… ở nhà Mỹ và một số nhà dân lân cận, chàng trai có dịp trò chuyện và quan tâm với nữ sinh. Liên tiếp nhiều lần giáp mặt, trêu đùa, rồi cô gái cũng có tình cảm. Hai người đi đến trao đổi số điện thoại và thường hẹn gặp nhau ở các quán cóc ven đường hoặc trong quán cà phê. Lúc Tân ngỏ lời yêu thương, Mỹ gật đầu đồng ý. Dẫu vậy, Mỹ còn là học sinh, vướng vào chuyện yêu đương chắc chắn sẽ bị gia đình ngăn cấm nên đôi trẻ lén lút quan hệ tình cảm.
Sau gần hai năm qua lại, Mỹ bị gia đình bắt quả tang. Thêm vào đó, một số người ác ý đồn bậy “thằng Tân là con quý tử, sớm lao vào thói hư hỏng. Đã vậy, còn ham mê cờ bạc, đá gà, con Mỹ dính vào nó chỉ rước khổ vào thân”. Phân tâm vì lời của thiên hạ, cha mẹ cô gái e dè.
Biết ý cha mẹ, Mỹ đành tạm nói lời chia tay với người yêu, dành nhiều thời gian cho việc học. Tân trở về thói ăn chơi, sa đà lao vào làm bạn với bia rượu đêm ngày. Người cha nhớ lại: “Nó nhớ bé Mỹ nên cứ lấy rượu giải sầu. Trước khi xảy ra án mạng một đêm, con tôi lên giường ngủ rất sớm. Đêm hôm sau, khoảng 8h nó lao xe như bay ra khỏi nhà bảo có chuyện cần giải quyết. Vậy mà nó đi chưa đầy hai giờ, gia đình nhận được tin báo thằng Tân giết người và uống thuốc sâu tự vẫn”.
Bà Hoàng Mỹ Duyên (mẹ cô gái) không kém phần đau xót, thở than: “Bé Mỹ là con gái út trong nhà. Chị gái đi lấy chồng xa, hai vợ chồng tôi kỳ vọng vào việc học hành của cháu. Khi nghe hàng xóm láng giềng bàn tán con gái yêu chàng trai không học hành tương xứng, tôi chẳng vui lòng và đã la rầy con. Mặt khác, ông nhà thấy con bé sắp đến thời điểm làm hồ sơ thi đại học, sợ ảnh hưởng đến kết quả thi cử đã bực tức nói “từ nay mẹ cấm con qua lại với thằng Tân. Lấy thằng nhỏ đó, thà ở nhà luôn còn hơn”. Do ức chế lại bị cha mẹ la mắng, Mỹ trút mọi buồn phiền vào Tân. Tân vốn thẳng tính cộng với chuyện chưa am hiểu sự đời đã đâm con bé để được chết cùng ngày cùng tháng”.
Bà buồn rầu: “Một năm trôi qua, nỗi đau mất con đã nguôi ngoai phần nào nhưng mỗi lần ra mộ thắp nhang cho hai đứa, tôi vẫn rưng rưng nước mắt. Chồng tôi từ ngày con gái mất đâm ra chán nán sinh thói bài bạc, rượu chè, bị công an bắt vài lần, nay vẫn tái diễn”. (Tên hai nhân vật đã được thay đổi)