Đây là một trong những nội dung quan trọng được nêu ra tại Dự thảo Thông tư về Quản lý giá cước dịch vụ viễn thông đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến người dân.
Quy định cũng nêu rõ, doanh nghiệp không được phép lạm dụng vị thế, liên kết để định giá cước, áp đặt giá cước dịch vụ, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ, của các doanh nghiệp khác và lợi ích Nhà nước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không được phép quy định giá cước thấp hơn giá cước tối thiểu, cao hơn giá cước tối đamà Nhà nước quy định. Không được tự động tăng, giảm cước giả tạo, trái với các quy định về quản lý giá cước và khuyến mại dịch vụ viễn thông; doanh nghiệp thống lĩnh thị trường không được cung cấp dịch vụ dưới giá thành…
Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chủ trong quyết định giá cước nhưng phải đảm bảo, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và có các biện pháp để khuyến khích doanh nghiệp mới tham gia thị trường.
Do đó, Nhà nước sẽ ban hành khung giá cước cụ thể của dịch vụ (giá cước tối đa và tối thiểu). Từ đó, doanh nghiệp sẽ lấy căn cứ để quyết định giá cước. Doanh nghiệp phải gửi thông báo mức giá cước, văn bản kê khai chi phí dịch vụ, lợi nhuận dự kiến hình thành lên giá cước đến Cục Viễn thông theo quy định khi định giá, điều chỉnh giá cước (đối với dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông doanh nghiệp phải kê khai giá cước).
Cơ quan quản lý cũng quy định, trước ngày mồng 10 của tháng đầu tiên hàng quý, các doanh nghiệp phải có báo cáo giá cước dịch vụ viễn thông gửi Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông. Chậm nhất 10/1 và 10/7 hàng năm, doanh nghiệp phải thống kê toàn bộ quyết định của mình đã ban hành trong năm trước và trong 6 tháng trước đó gửi Cục Viễn thông. Ngoài ra, doanh nghiệp phải tuân thủ việc báo cáo đột xuất khi có biến động bất thường và được Cục Viễn thông yêu cầu…