Ông Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho biết sự việc này có thể là một trò bịp, đổ “tiếng xấu” cho thôi miên; bởi chúng ta mới chỉ nghe lời khai của nạn nhân mà chưa kiểm chứng được độ chân thực của lời khai đó, hoặc giả như lời khai đó là thật thì có thể đây là một trường hợp sử dụng thuốc gây mê để tiến hành vụ trộm.
Theo tiến sỹ Vũ Thế Khanh, gây mê là hiện tượng người này sử dụng năng lực thần kinh của mình để chế áp năng lực thần kinh của người khác bằng cách trực diện (nhìn vào mắt người đối diện để thôi miên).
Bàn về khả năng sử dụng phương pháp thôi miên để cướp như báo chí mới đưa ra, ông Khanh cho biết, về lý thuyết thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, những người có khả năng thôi miên chân chính sẽ không bao giờ thực hiện những hành vi phạm tội như vậy.
Thôi miên chỉ có thể thực hiện được trong những điều kiện nhất định: đó là trạng thái tâm lý của người bị thôi miên có phù hợp hay không; phải nằm trong phạm vi ảnh hưởng của người thực hiện hành vi thôi miên (người thôi miên phải nhìn trực diện vào mắt người bị thôi miên). Thời gian bị thôi miên thường không kéo dài. Quá trình này kết thúc khi trường ảnh hưởng không còn.
Thôi miên không có được do thiên bẩm. Phải trải qua quá trình rèn luyện một cách có phương pháp thì mới đạt được khả năng này.
Không phải ai cũng có thể bị thôi miên. Chỉ những người dễ bị tác động bởi xung lực bên ngoài (những người có thần kinh yếu, bị tác động bởi ngoại cảnh) mới là những người dễ bị thôi miên. Vậy nên theo tiến sỹ Khanh, phương pháp tốt nhất để tránh bị thôi miên là phải giữ cho tinh thần vững vàng, nâng cao sự hiểu biết để tránh bị dụ dỗ, sai khiến, thôi miên.
Trái với nhận định của nhiều người, thôi miên không chủ đích được dùng để làm những việc xấu xa. Nó được dùng để chữa bệnh, là liệu pháp tâm lý giải tỏa stress. Với nhiều bệnh nhân, thôi miên còn được coi là một phương thuốc chữa bệnh khi thuốc thang đã trở nên vô dụng. Cảnh sát cũng sử dụng phương pháp thôi miên để giúp tìm ra đầu mối phá án.