Sau nhiều lần cháy
Đây là những dãy nhà 2 tầng cũ nát, được xây cách đây cả nửa thế kỷ. Người dân ở đây hàng ngày vẫn phải chịu đựng khi qua lại nhìn cảnh tồi tàn của con phố. Những lối đi hẹp, quanh co. Bởi vậy mà vụ cháy hôm qua, xe cứu hỏa không tài nào tiếp cận được, phải nối dây dài bơm nước vào trong.
Chỉ trong diện tích khoảng 500m2, có đến ba bốn chục hộ dân định cư. Theo những người sống lâu năm ở đây cho biết, trước đây nhà được phân không nhỏ như vậy. Qua chuyển nhượng, cho thuê nhiều lần, các căn nhà dần bị ngăn vách thu hẹp. Mỗi nhà chỉ được khoảng 20m2 cho 3-4 người ở. Thậm chí có căn chỉ cỡ 10m2.
Khu nhà cháy nhìn từ khu B
Theo ông Hải, tổ trưởng tổ 4 (phường Chương Dương) cho hay, ông ở khu tập thể nhà gỗ này đã hơn 30 năm. Ông Hải nhớ, trong lịch sử, tính cả vụ hỏa hoạn ngày hôm qua, đã ít nhất xảy ra 3 lần cháy lớn tại khu tập thể này.
Trở lại khu tập thể gỗ tại phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội, những người dân có nhà cháy đang cùng cơ quan chức năng để dọn dẹp di chuyển đến nơi tái định cư. Những người dân những hộ xung quanh thì nơm nớp lo sợ, bà hỏa ghé thăm nhà mình.
Trong khu nhà B7, sát với khu nhà C8 bị cháy hôm qua, anh Nguyễn Hữu Huy, sống trong căn nhà mười mét vuông lo lắng: “Tôi mới chuyển đến đây được một năm, trước sống ở 51 Lãng Yên, dốc hết tiền tiết kiệm mua được căn hộ gỗ này. Sống ở đây cũng nhiều khó khăn, nhưng vẫn phải chấp nhận. Sau vụ cháy nhà bên, chúng tôi rất lo lắng, mỗi nhà đều trang bị bình cứu hỏa nhưng cũng chẳng an thua nếu có xảy ra hỏa hoạn”.
Cầu thang lên B
Toàn bằng gỗ
Theo quan sát của phóng viên, trên tầng hai của khu nhà B7, toàn bộ nhà ở đây được xây dựng bằng gỗ. Sống ở đây ban ngày cũng như ban đêm, đèn điện được thắp sáng 24/24.
Ông Đinh Trung Hải, tổ trưởng dân phố, khu nhà B7 cho biết: “Nguy cơ cháy tiềm ẩn ở đây là rất cao, cả khu nhà B7 này có đến mười hai hộ dân, tuy được thường xuyên nhắc nhở về công tác phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn không ăn thua. Ở khu C8 người dân lấn chiếm hành lang, lối đi bị chiếm dụng, bịt kín, không có lối thoát".
Tìm đất cho cư dân nhà gỗ
Khu dân cư tập thể nhà gỗ luôn sống trong cảnh tối tăm, dột nát, cửa vách chắp vá. Hệ thống nước, đường điện nhùng nhằng, lộn xôn. Cư dân ở đây lắm thành phần với đủ loại nghề nghiệp, sống kiểu tạm bợ. Nguy cơ cháy nổ hiển hiện trước mắt. Nhân dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền nhưng tình trạng vẫn tồn tại.
Bà Phạm Thị Xuân Mai (Chủ tịch phường Chương Dương) cho biết, trên địa bàn phường trước đây có tổng cộng 17 khu tập thể nhà gỗ.
Cách đây vài năm, nhà nước đã di dời 7 dãy nhà xuống cấp nghiêm trọng với 274 hộ dân về các khu tái định cư ở Xuân Đỉnh (Từ Liêm), Nghĩa Đô (Cầu Giấy). Đến năm 2007, xảy ra cháy tại khu nhà 13, một số hộ gia đình đã được di dời sang Đức Giang. Những gia đình còn lại đã tự tìm được chỗ ở mới. Và sau vụ cháy hôm qua, khu tập thể nhà gỗ còn lại 8 nhà.
Ngày cũng như đêm, đèn điện được bật khắp nơi
Đồ đạc được treo trên nóc
Cũng theo bà Phạm Thị Xuân Mai, khu tập thể nhà gỗ được dựng lên từ những năm 50 thế kỷ trước để phân cho cán bộ công nhân viên. Qua nhiều năm, các gia đình sinh con, đẻ cái rồi nhiều thế hệ ở trong những căn nhà này. Nhiều nhà bị chia nhỏ, rồi chuyển nhượng, cho thuê...
Trước vụ cháy hôm qua, chính quyền địa phương vẫn xác định khu nhà được xây dựng lâu năm, cũ nát và cần phương án có phương án di dời. "Sẽ di dời đi đâu, giải tỏa như thế nào, tính tổng thể hay tính từng nhà... Hiện từ phường đến thành phố vẫn đang tính toán tìm phương án." - Bà Mai nói.
Tuy nhiên, theo bà Mai, phương án giải quyết cụ thể di dời họ đi đâu hiện phường vẫn chưa thể nắm được mà do thành phố tính toán bố trí quỹ đất.
Trong khi chưa thực hiện kế hoạch di dời, chính quyền địa phương chỉ còn biết tuyên truyền cho bà con biện pháp phòng tránh cháy nổ.